Thực hiện EVFTA: Tạo điều kiện để tận dụng tối đa ưu đãi
Doanh nghiệp phải đề phòng bị châu Âu kiện | |
Muốn hội nhập thành công, cần nhìn vào nội lực |
UBND TP.HCM luôn quan tâm, chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh |
Tại đây, Phó tổng cục trưởng, Tổng cục Hải quan Mai Xuân Thành cho biết, để EVFTA thực sự đi vào cuộc sống, Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính đã soạn thảo dự thảo nghị định, thông tư, biểu thuế ưu đãi trình Chính phủ, Bộ Tài chính ban hành. Cụ thể, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 111 về Biểu thuế xuất khẩu ưu đãi, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện EVFTA.
“Mới đây nhất, Tổng cục Hải quan cũng đã ban hành Kế hoạch thực hiện EVFTA tại Quyết định số 2298. Theo đó, cơ quan Hải quan đặc biệt nhấn mạnh những nhiệm vụ trọng tâm như đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, phổ biến các nội dung cam kết đến lĩnh vực hải quan cho các đối tượng có liên quan, nhất là cộng đồng DN. Tập huấn cho các cán bộ tại các đơn vị nghiệp vụ, cán bộ thực thi tại cửa khẩu về các cam kết cụ thể, đặc biệt là về thuế xuất nhập khẩu (XNK) và xuất xứ, để đảm bảo việc thực hiện đúng, đầy đủ nội dung cam kết của hiệp định...”, ông Thành chia sẻ thêm thông tin.
Theo Tổng cục Hải quan, EVFTA đã chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2020 sau gần 10 năm đàm phán. Với dân số 500 triệu dân, GDP 15.000 tỷ USD, EU hiện là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam. EVFTA là một hiệp định thương mại toàn diện, chất lượng cao và đảm bảo cân bằng lợi ích cho cả Việt Nam và EU.
Ngay sau khi EVFTA có hiệu lực, EU cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Ngược lại, Việt Nam cũng cam kết sẽ xóa bỏ thuế quan ngay khi hiệp định có hiệu lực với 48,5% số dòng thuế (chiếm 64,5% kim ngạch nhập khẩu)… Mặc dù hiện nay, vẫn còn ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 nhưng hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang EU sau 2 tháng hiệp định có hiệu lực đã có sự tăng trưởng rõ nét, trong đó mặt hàng nông, thủy sản có mức tăng trưởng khá. Đây được xem là cơ hội để DN nắm bắt chính sách tốt nhất cho việc tìm kiếm cơ hội tăng cường XNK hàng hoá với các nước châu Âu.
Bàn về vấn đề này, ông Lê Thanh Liêm, Phó chủ tịch thường trực UBND TP.HCM cho biết, TP.HCM hiện có 909 dự án của các DN EU được cấp phép chứng nhận đầu tư với tổng vốn 3,17 tỷ USD (không bao gồm nước Anh). EU là thị trường xuất siêu truyền thống của TP.HCM và là đối tác xuất khẩu thứ 3, đối tác nhập khẩu thứ 2 của thành phố với kim ngạch song phương đạt 15,44 tỷ USD. Do đó, EVFTA sẽ mở ra cánh cửa rộng lớn hơn cho hàng hóa TP.HCM tiếp cận thị trường trên 500 triệu dân của EU.
“Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, thách thức tính bền vững của các chuỗi giá trị toàn cầu, việc EVFTA có hiệu lực, đã mở ra nhiều cơ hội hợp tác và phát triển giữa hai bên, mang lại động lực mới giúp Việt Nam và EU cùng vượt qua những khó khăn trước những biến động của nền kinh tế toàn cầu. Nhằm nắm bắt cơ hội và thúc đẩy hoạt động thương mại, XNK, UBND TP.HCM luôn quan tâm, chỉ đạo các sở, ngành triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ DN, nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng cao chất lượng sản xuất để khai thác về chiều sâu đối với thị trường quan trọng này”, ông Liêm nhấn mạnh.
Ông Đinh Ngọc Thắng, Cục trưởng Cục Hải quan TP.HCM chia sẻ thêm, trong năm qua, giá trị kim ngạch XNK thông qua các cửa khẩu tại TP. HCM là 119,3 tỷ USD, chiếm 23% kim ngạch XNK toàn ngành với khoảng 50.000 DN làm thủ tục thông quan tại địa bàn, với hơn 3 triệu tờ khai XNK. Vì vậy, để tạo điều kiện cho DN có thể tận dụng tối đa các ưu đãi mà EVFTA đem lại, Cục Hải quan TP.HCM đã chủ động xây dựng nhiều biện pháp hỗ trợ DN trước và sau khi hiệp định có hiệu lực.
Tuy nhiên, ông Thắng cũng đưa ra khuyến cáo với các DN XNK, EU đồng thời còn là một thị trường khó tính. Các nhà nhập khẩu trong EU thường có yêu cầu cao về chất lượng sản phẩm. Các yêu cầu bắt buộc về vệ sinh an toàn thực phẩm, dán nhãn, môi trường... của EU rất khắt khe và không dễ dàng đáp ứng. Nhất là nguy cơ về phòng vệ thương mại có thể xảy ra vì hàng hóa xuất khẩu vào thị trường này phải tuân thủ quy tắc xuất xứ. Vì vậy, dù có được hưởng lợi về thuế quan thì hàng xuất khẩu của DN Việt Nam cũng phải hoàn thiện rất nhiều về chất lượng để có thể vượt qua những hàng rào khắt khe này.