Thương hiệu - "giấy thông hành" bước ra thế giới
|
Thực tế này thể hiện khá rõ trong lĩnh vực dệt may hay da giày khi mà hình thức xuất khẩu chủ yếu là gia công, giá trị gia tăng rất ít, tỷ lệ xuất khẩu qua trung gian rất cao, hãn hữu mới có doanh nghiệp xuất khẩu bằng thương hiệu riêng.
Chính vì vậy, theo các chuyên gia, đã đến lúc các doanh nghiệp Việt cần chú trọng đến xây dựng thương hiệu của riêng mình để không còn bị lép vế khi vươn ra sân chơi quốc tế.
TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh nhận định, Việt Nam cần phát triển các doanh nghiệp tầm cỡ, dẫn dắt, lan tỏa và có sức chống chịu tốt. Đội ngũ doanh nghiệp Việt Nam cần phải khẳng định được thương hiệu từ đó mới nâng cao được vị thế, uy tín trên trường quốc tế và tăng khả năng cạnh tranh. “Hình bóng thương hiệu trên trường quốc tế là rất quan trọng, bởi đằng sau là sức sáng tạo, công nghệ... Trong xây dựng thương hiệu, nếu chúng ta xuất khẩu được sang một nước phát triển, thị trường khó tính, đòi hỏi cao mà ta xuất khẩu được bền vững thì đây là thước đo chứng tỏ được năng lực, chất lượng, tên tuổi của doanh nghiệp. Yếu tố đóng vai trò quyết định trong xây dựng thương hiệu vẫn là năng lực thực sự của doanh nghiệp”, TS. Thành chia sẻ.
Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã có thương hiệu vươn tầm ra thế giới |
Trong khi theo ông Lê Quốc Vinh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phát triển văn hóa doanh nghiệp Việt Nam (VNABC), trong bối cảnh hoạt động của doanh nghiệp hiện nay, những nền tảng cơ bản nhất tạo dựng nên thế mạnh cho một thương hiệu chính là bản sắc văn hóa của họ. Chúng ta có thể bắt chước các mô hình kinh doanh, có thể bắt chước những phương thức xây dựng thương hiệu của các doanh nghiệp nhưng văn hóa là thứ mà chúng ta không bao giờ có thể bắt chước được. Đó là đặc trưng vốn có của mỗi doanh nghiệp từ khi hình thành. Khái niệm cốt lõi trong văn hóa doanh nghiệp (Brand Purpose - Mục đích thương hiệu) ý nghĩa của thương hiệu chính là lý do tồn tại của thương hiệu, vượt lên trên mục đích kiếm tiền. Mục đích thương hiệu không chỉ là lời hứa để khách hàng có ý niệm về những gì có thể mong đợi từ sản phẩm hoặc dịch vụ, mục đích thương hiệu còn vượt xa hơn thế, mang nhiều ý nghĩa về lợi ích cho xã hội mà sản phẩm hay dịch vụ sẽ mang lại. Thương hiệu kết nối với người tiêu dùng ở cấp độ cảm xúc nhiều hơn. Sứ mệnh xã hội là cốt lõi của văn hóa doanh nghiệp mà ở đó có cả sự đam mê, truyền lửa và hết mình vì sứ mệnh đó. Qua đó sẽ truyền cảm hứng cho mọi người xung quanh, từ đó, chính họ có thể đạt được vị thế trong tương lai.
Cần phải nhìn nhận, xây dựng văn hóa doanh nghiệp cũng chính là xây dựng thương hiệu quốc gia mà trong đó vai trò của đạo đức doanh nhân luôn được đặt lên hàng đầu.
Đồng quan điểm, PGS.TS. Lê Văn Lợi, Phó giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, đạo đức và văn hóa kinh doanh được xem như yếu tố di truyền văn hóa nhưng không thể là bắt chước, sao chép. Yếu tố này được xây dựng từ nội lực bên trong, mang lại lợi thế cạnh tranh, lợi thế thương mại và phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Để xây dựng đạo đức doanh nhân và phát triển văn hóa kinh doanh, truyền thống văn hóa dân tộc là cơ sở, là điểm tựa quan trọng. Nền văn hóa Việt Nam là nền văn hóa trọng đạo đức, nhân nghĩa, đề cao công lý, lẽ phải và gắn với thân thiện môi trường, luôn luôn đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết. Những truyền thống văn hóa này đã thẩm thấu, lan tỏa trong các hệ doanh nhân Việt Nam và ngày càng được nhận diện rõ hơn để kế thừa, phát huy trong xây dựng các thế hệ doanh nhân Việt Nam hiện nay. Xây dựng chữ tín của doanh nghiệp khó hơn nhiều xây dựng chữ tín của một con người. Xây dựng, gìn giữ lâu dài chữ tín, liêm chính trong sản xuất kinh doanh là một quá trình thay đổi tư duy, nhận thức và hiện thực hóa trong sự đóng góp bền bỉ, kiên trì, nhất quán từ người lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp cho tới mỗi nhân viên. Việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp nên được thực hiện ngay từ đầu, trong đó người lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp đóng vai trò quyết định. Xây dựng đạo đức, văn hóa kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp góp phần vào xây dựng thương hiệu quốc gia.
Hiện nay, thương hiệu quốc gia của Việt Nam ngày càng được hoàn thiện và phát huy. Việt Nam đã trở thành thành viên có trách nhiệm và uy tín trong cộng đồng quốc tế, PGS.TS. Lê Văn Lợi cho biết thêm.