Doanh nghiệp cần đầu tư chế biến sâu, đưa ngành chăn nuôi bước ra thế giới
Chăn nuôi nhỏ lẻ trước nhiều áp lực Hàn Quốc viện trợ dự án xây dựng trang trại chăn nuôi lợn thông minh tại Ninh Bình Phát triển chăn nuôi theo hướng tuần hoàn, hữu cơ |
Quang cảnh Hội nghị Triển khai giải pháp thúc đẩy phát triển chăn nuôi lợn trong tình hình mới. |
Ngày 27/7, Cục Chăn nuôi phối hợp Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức Hội nghị Triển khai giải pháp thúc đẩy phát triển chăn nuôi lợn trong tình hình mới.
Chuyển dịch từ chăn nuôi quy mô nhỏ sang chăn nuôi tập trung, quy mô lớn
Ông Dương Tất Thắng - Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, tại Việt Nam, ngành chăn nuôi đã đóng góp gần 27% GDP ngành nông nghiệp, sản phẩm của ngành chăn nuôi không những đáp ứng nhu cầu tiêu dùng thực phẩm cho gần 100 triệu dân trong nước, khách du lịch quốc tế mà còn góp phần vào mục tiêu xuất khẩu. Chăn nuôi lợn là phương thức chăn nuôi lâu đời, có ý nghĩa to lớn đối với nhóm các nông hộ nhỏ lẻ.
Chăn nuôi lợn được xác định là ngành chủ lực, quan trọng đã và đang chuyển dịch từ chăn nuôi quy mô nhỏ sang chăn nuôi tập trung, hàng hóa, quy mô lớn. Ngày càng nhiều mô hình chăn nuôi trang trại, tập trung và hình thành các chuỗi giá trị chăn nuôi.
Theo ông Phạm Kim Đăng - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, xu hướng tất yếu của chăn nuôi lợn hiện nay là chuyển từ chăn nuôi lợn nhỏ lẻ (nông hộ) sang chăn nuôi trang trại và chăn nuôi trang trại kết hợp với liên kết hợp tác xã, tổ hợp tác (liên kết ngang), liên kết giữa các khâu và liên kết theo chuỗi khép kín (liên kết dọc) trong đó doanh nghiệp là trung tâm. Do đó số lượng hộ chăn nuôi lợn có quy mô nhỏ giảm dần theo các năm do quy mô nhỏ không cạnh tranh được về giá thành, chất lượng, an toàn thực phẩm.
Trước xu hướng đó, phải khẳng định chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ không bị mất đi hoàn toàn, vì đó là sinh kế của hàng triệu hộ chăn nuôi được hình thành bao đời nay. Tuy nhiên, nông dân chăn nuôi nhỏ lẻ muốn đứng vững buộc phải liên kết với nhau nhằm tăng sức mạnh để trở thành thành viên của tổ nhóm, hợp tác xã, hoặc liên kết với doanh nghiệp.
"Còn muốn đứng vững độc lập thì các hộ chăn nuôi buộc phải chăn nuôi chuyên nghiệp hoặc chăn nuôi con đặc sản, quý hiếm có giá trị cao, chăn nuôi hữu cơ, sinh thái gắn với dụ lịch", ông Đăng chia sẻ.
Ông Hoàng Viết Chọn - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa cho biết, chăn nuôi luôn là mũi nhọn phát triển của tỉnh với tốc độ phát triển những năm qua luôn đạt trên 3%. Với tổng đàn 1,3 triệu con, Thanh Hóa đứng tốp đầu cả nước về chăn nuôi lợn. Đặc biệt, tỉnh có 582 trang trại chăn nuôi lợn quy mô lớn, chiếm 45% tổng số đàn lợn. Đây là tỷ lệ cao so với trung bình cả nước (hiện khoảng 35%).
Thanh Hóa đã thu hút được 31 dự án đầu tư chăn nuôi lợn, với quy mô hơn 90.000 lợn nái, hơn 1 triệu lợn thịt, cùng tổng mức đầu tư trên 17 nghìn tỉ đồng. Có những điểm khởi sắc, nhưng Thanh Hóa vẫn vấp phải những vấn đề chung của cả nước, như số lượng cơ sở giết mổ nhỏ lẻ còn khá lớn, chưa đẩy mạnh được liên kết theo chuỗi, tiêu thụ sản phẩm còn bấp bênh, phụ thuộc chặt chẽ vào thị trường.
Ông Chọn đề xuất 8 giải pháp phát triển chăn nuôi lợn, trong đó nhấn mạnh ưu tiên các dự án đầu tư theo trang trại quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao trong xử lý chất thải, các dự án đầu tư gắn với sơ chế, chế biến sản phẩm.
Hiện Tập Đoàn Xuân Thiện nghiên cứu, đầu tư vào dự án chăn nuôi lợn công nghệ cao trên địa bàn Thanh Hóa. Doanh nghiệp đã có công văn đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa cho phép điều chỉnh chủ trương đầu tư các dự án từ mô hình chăn nuôi lợn truyền thống sang phương án chăn nuôi lợn công nghệ cao trong nhà cao tầng.
Đưa chăn nuôi bước ra thế giới
Ông Trần Ngọc Sơn - Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục chăn nuôi tỉnh Đắk Lắk cho biết, một trong những lợi thế lớn của tỉnh là ngày càng có sự tham gia của doanh nghiệp trong và ngoài nước, cùng hệ thống pháp lý hoàn thiện.
Chăn nuôi lợn theo chuỗi liên kết đang là xu hướng chủ đạo ở Đắk Lắk. Có 8 công ty triển khai liên kết sản xuất gia công, hơn 100 trang trại quy mô lớn, vừa; tổng đàn lợn khoảng 300.000 con (chiếm 30% tổng đàn lợn toàn tỉnh). Khoảng hơn 40 dự án đã và đang làm thủ tục xin chủ trương đầu tư vào chăn nuôi lợn nái sinh sản.
Tuy nhiên, vấn đề ô nhiễm mùi hôi, ô nhiễm nước thải trong chăn nuôi lợn, đặc biệt là chăn nuôi trang trại đang là vấn đề nan giải. Đắk Lắk sẽ xây dựng công nghệ xử lý mùi hôi, chất thải rắn, nước thải trong quy trình sản xuất, đảm bảo tính khả thi với doanh nghiệp và người chăn nuôi.
Theo ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tiềm năng lợi thế của ngành chăn nuôi lợn là rất lớn, nhưng xuất khẩu chưa được bao nhiêu và cần hướng tới xuất khẩu. Đây là giải pháp căn bản nhất để nâng cao sức tiêu thụ, nâng cao sức cạnh tranh cho toàn ngành.
Để đưa chăn nuôi bước ra thế giới, ông Phùng Đức Tiến yêu cầu ngành chăn nuôi phải bám sát 5 đề án ưu tiên thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045.
Cụ thể là phát triển công nghiệp sản xuất giống vật nuôi; phát triển công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi; phát triển công nghiệp chuồng trại và xử lý chất thải chăn nuôi; phát triển công nghiệp giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đẩy mạnh hoạt động khoa học - công nghệ, khuyến nông trong chăn nuôi và tăng cường năng lực quản lý Nhà nước ngành chăn nuôi.
Đây là những đề án về giống, công nghiệp giống, thức ăn, môi trường, thiết bị chăn nuôi, chế biến, khoa học công nghệ và cũng là những căn cứ pháp lý quan trọng, xuyên suốt trong một thời gian dài.
Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu ngành thú y cần kiện toàn hệ thống theo Quyết định 414/QĐ-TTg năm 2021 phê duyệt Đề án tăng cường năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp, giai đoạn 2021-2030.
Theo ông Tiến, ngành chăn nuôi lợn cần thay đổi tư duy. Theo đó, chăn nuôi lợn không chỉ hướng tới thị trường trong nước, mà cần hướng đến xuất khẩu, cần đẩy mạnh chế biến và chế biến sâu. Ngành chăn nuôi cũng cần tận dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ đối với thức ăn chăn nuôi, tăng cường hợp tác quốc tế, công tác khuyến nông và xây dựng cơ bản.
"Các doanh nghiệp cần đầu tư chế biến sâu để đưa ngành chăn nuôi bước ra thế giới. Xây dựng vùng an toàn dịch bệnh, gắn với nhà máy chế biến, gắn với chuỗi để có vùng nguyên liệu xuất khẩu", ông Tiến nhấn mạnh.