Thủy sản lao đao giữa khó khăn kép
Đa dạng vốn ưu đãi cho nông thủy sản | |
Thủ tướng chủ trì hội nghị tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu lâm sản, thủy sản | |
2 tháng, xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản đạt 6,28 tỷ USD |
“Ăn đong” đơn hàng
Năm 2023 đã được nhiều chuyên gia kinh tế dự báo là năm có nhiều thách thức đối với doanh nghiệp xuất khẩu nói chung, trong đó có ngành thủy sản. Bởi hiện người tiêu dùng tại nhiều quốc gia đang thắt chặt chi tiêu do lạm phát và lãi suất tăng, khiến nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng thủy sản giảm. Bên cạnh đó, với các doanh nghiệp, mức độ cạnh tranh đang ngày càng trở nên gay gắt hơn.
Trên thực tế, từ đầu năm 2023 đến nay các doanh nghiệp thủy sản trong cả nước và đặc biệt tại khu vực miền Trung đã và đang phải lao đao giữa khó khăn kép. Tại thời điểm hiện nay, những khó khăn đã vượt ngoài dự báo của không ít doanh nghiệp ở khu vực. Đơn cử, Công ty cổ phần Thủy sản và Thương mại Thuận Phước (Đà Nẵng) là một trong những doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản lớn ở miền Trung, song cũng đang rất chật vật.
Thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep), kim ngạch xuất khẩu thủy sản tháng 3/2023 ước đạt 780 triệu USD, giảm 24% so với cùng kỳ năm 2022. Lũy kế hết quý I/2023, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt khoảng 1,85 tỷ USD, giảm 27% so với quý I/2022. Trong đó, mặt hàng tôm giảm sâu nhất khi đạt 577 triệu USD, giảm 40%; cá tra đạt 447 triệu USD, giảm 32%; cá ngừ đạt 179 triệu USD, giảm 31%. Xuất khẩu mực, bạch tuộc cũng giảm 8% khi đạt 54 triệu USD… |
Theo ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty, lâu nay, Thuận Phước chuyên xuất khẩu thủy hải sản đi các nước châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc và các thị trường khác. Song, đến nay công ty đang bị giảm 30% đơn hàng so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện doanh nghiệp đang phải “ăn đong” từng container hàng. Do vậy, công ty buộc phải cắt giảm giờ làm của công nhân.
Tương tự, theo đại diện Công ty TNHH Chế biến thủy sản Sơn Trà (Đà Nẵng), 3 tháng đầu năm 2022, công ty xuất khẩu khoảng 30 tấn hàng. Tuy nhiên, từ đầu năm 2023 đến nay, doanh nghiệp chỉ mới xuất khẩu được 9 tấn hàng. Nguyên nhân chính, Nhật Bản là thị trường xuất khẩu chủ lực của công ty, nhưng các nhà hàng, trường học ở nước này đang giảm mức tiêu thụ. Trước đây, công ty có khoảng 250 lao động, nhưng hiện đã cắt giảm khoảng 50%.
Xét về yếu tố khách quan, rõ ràng các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước đang gặp nhiều bất lợi về thị trường. Song về chủ quan, các doanh nghiệp vẫn đang có những hạn chế nhất định. Hiện chúng ta vẫn đang thiếu cái mà thị trường cần, mà chỉ đang tập trung xuất khẩu những sản phẩm chúng ta có. Ví dụ, nhiều thị trường đang cần các sản phẩm hải sản có giá trị, chất lượng cao như: cá thu, cá cam, cá cờ, cá ngừ đại dương, mực… thì các doanh nghiệp lại không có, hoặc có ít để cung ứng. Trong khi, nhiều doanh nghiệp thủy sản ở miền Trung lại đang dồi dào về các sản phẩm ít giá trị hơn như: nục gai, nục suôn… chủ yếu chỉ được tiêu thụ trong nước hoặc các thị trường trong khu vực.
Chật vật tìm nguyên liệu
Bên cạnh những khó khăn về thị trường, hiện các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản trong nước còn lao đao do thiếu nguyên liệu đầu vào. Thực tế là tại miền Trung, dù là ngư trường lớn với hàng chục ngàn tàu cá gần bờ, xa bờ, nhưng nhiều doanh nghiệp thủy sản cũng đang phải tất tả tìm mua hải sản để chế biến, xuất khẩu. Đánh bắt đã khó khăn, trong khi nguồn thủy sản nuôi trồng không tăng lên, mà còn có xu hướng giảm, do chi phí thức ăn, giống tăng cao. Đến nay, giá thức ăn chăn nuôi đã tăng khoảng 20% so với thời điểm trước khi xảy ra đại dịch Covid-19.
Tại Công ty cổ phần Thủy sản và Thương mại Thuận Phước, hiện các nhà máy chế biến tôm đều trong tình trạng thiếu nguyên liệu. Mặc dù, doanh nghiệp có khoảng 2 nghìn ha nuôi tôm, tập trung ở Thừa Thiên - Huế và Bến Tre, nhưng cũng chỉ đáp ứng 30 - 40% nhu cầu nguyên liệu cho các nhà máy, phần còn lại doanh nghiệp phải nhập của người dân và các vùng nuôi liên kết. Trong khi đó, hiện nay diện tích nuôi tôm đang giảm sút do giá tôm bán ra rất thấp, giá thức ăn lại tăng cao khiến người nuôi không mặn mà bám nghề.
Doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản đang đối mặt với nhiều khó khăn |
Tương tự, một số doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu ở Quảng Ngãi cũng đang phải chật vật tìm mua nguyên liệu phục vụ xuất khẩu. Theo đại diện Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thủy sản Hải Phú (Quảng Ngãi), thiếu nguyên liệu đang là khó khăn chung của các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản cả nước. Năm ngoái, công ty xuất được hơn 400 tấn thủy sản, trong đó có 300 tấn sang thị trường EU. Thế nhưng, hiện nay dù đã nhập hải sản từ một số địa phương khác, song vẫn không đủ nguyên liệu để chế biến, khiến công ty phải hoạt động cầm chừng. Trong quý I/2023, công suất hoạt động của nhà máy giảm 30%, kéo theo doanh thu sụt giảm, thu nhập của 50 lao động chính thức và nhiều lao động thời vụ giảm.
Trước mắt, để gỡ khó về bài toán nguyên liệu nhiều doanh nghiệp thủy sản ở khu vực miền Trung đã kiến nghị cơ quan chức năng cần xem xét điều chỉnh, giảm thuế nhập khẩu thủy sản như nhiều nước trong khu vực đang thực hiện. Đồng thời để tạo điều kiện thuận lợi cho việc nhập khẩu nguyên liệu thủy sản, cần đơn giản hóa thủ tục hành chính, ưu tiên thông quan đối với các lô hàng thủy sản đông lạnh…