“Tiếng lòng” rối cạn
Khó khăn hiển hiện
Được đánh giá là giàu tiềm năng phát triển, đặc biệt là một trong những “đầu mối” thu hút khách du lịch quốc tế, song múa rối cạn Việt Nam lại luôn gặp những khó khăn, thách thức thường trực. Bởi thực tế cho thấy, rối cạn nước ta không “độc quyền” như rối nước, rối cạn có ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, trong đó rối cạn ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc... phát triển vượt bậc và có truyền thống lâu đời.
Một tiết mục rối cạn của Nhà hát Múa rối Thăng Long |
Một khó khăn và thách thức với rối cạn Việt chúng ta nhìn thấy rõ bằng mắt thường trong nhiều năm qua, đó là thiếu nguồn nhân lực. Các nghệ sĩ trong nghề nhiều người đã bày tỏ sự e ngại trong vấn đề này, việc đào tạo đội ngũ nghệ sĩ cho múa rối cạn ở nước ta vẫn làm theo cách “truyền thống” là tuyển nghệ sĩ từ các bộ môn chèo, kịch nói, ca nhạc... rồi sau đó mới đào tạo thêm về nghiệp vụ múa rối cạn.
Đại diện phường múa rối Hồng Phong (Hải Dương) từng cho biết, hơn chục năm nay không có người kế cận. Người trẻ nhất tại phường rối nay đã gần… 60 tuổi. Phường múa rối này đã nỗ lực thu hút các em trẻ tham gia hoạt động với phường, nhưng các em chỉ ở được lâu nhất là 2 tháng, còn nhanh thì sau 1 tháng các em tự động bỏ.
NSƯT Phạm Xuân Thấm - nguyên Trưởng đoàn Múa rối Hải Phòng cũng từng chia sẻ, tại Hải Phòng, cả 4 đoàn là nghệ thuật sân khấu chèo, cải lương, kịch và múa rối đều đang rất khan hiếm lực lượng kế cận trẻ. Đối với Nhà hát Múa rối Việt Nam, đơn vị này tuyển chọn lớp người kế cận từ năm 2007 nhưng đến giờ không đào tạo được người nào.
Ngoài sự khó khăn về nhân lực thì múa rối cạn nước ta hiện nay còn chưa có những sân khấu lớn và có tính chuyên nghiệp để nghệ sĩ thỏa sức biểu diễn. Đồng thời, yếu tố thu nhập thấp của nghệ thuật múa rối quá thấp so với các loại hình nghệ thuật khác như ca nhạc, điện ảnh đã khiến nhiều người thiếu mặn mà với rối cạn nói riêng, nghệ thuật múa rối nói chung.
Để khắc phục khó khăn của rối cạn nước nhà, có ý kiến cho rằng chúng ta nên thành lập một trung tâm hoặc một viện nghiên cứu đào tạo múa rối chuyên nghiệp, hoặc đưa bộ môn nghệ thuật này thành những môn đào tạo trong các khoa của các trường sân khấu nghệ thuật.
Trong khi đó, GS. Hoàng Chương - Giám đốc trung tâm nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc cho biết, chúng ta hãy coi múa rối là một bộ môn nghệ thuật đặc sắc sánh với các bộ môn nghệ thuật sân khấu truyền thống khác như chèo, tuồng, cải lương, quan họ… Từ đó thay đổi cách suy nghĩ để môn nghệ thuật này cần được bảo tồn và phát huy một cách nghiêm túc.
Nhưng có thật sự trầm lắng?
Múa rối cạn ở nước ta có nhiều hình thức biểu diễn như rối tay, rối que, rối dây, rối bóng... Phần lớn các tích trò thường sử dụng làn điệu chèo, ca trù... để dẫn trò và biểu diễn. Những con rối tay thường được làm bằng gỗ. Nghệ nhân điều khiển con rối, lấy nội dung, nhân vật trong các truyện cổ tích, thần thoại... hoặc các nhân vật là nông dân trong cuộc sống đời thường. Trên sân khấu rối cạn, những loài động vật, cây cối, nhà cửa đều trở nên sinh động, có hồn và phong phú qua tài năng của những nghệ sĩ điều khiển rối.
Theo đại diện Nhà hát Múa rối Việt Nam, rất nhiều lần các vở rối nước ở đơn vị này thường xuyên “cháy vé”, đặc biệt là dịp hè luôn kín khán giả nhí. Trong khi đó, NSND Nguyễn Hoàng Tuấn - Giám đốc Nhà hát múa rối Thăng Long nhận định, loại hình rối cạn của nước ta đang trong giai đoạn phát triển rất tốt.
Trong các kỳ liên hoan múa rối khu vực và quốc tế thời gian qua, các tiết mục rối cạn của Việt Nam luôn được đánh giá cao về chất lượng cũng như giành nhiều giải thưởng lớn. Các tiết mục gần đây không chỉ có nội dung tốt, sáng tạo, khi các nghệ sĩ biết đan xen các yếu tố truyền thống - hiện đại vào vở diễn, mà còn thể hiện được sự hòa nhập quốc tế.
Điều này hoàn toàn có lý, bởi chúng ta còn nhớ, rối cạn Việt Nam đã bội thu giải thưởng ở Liên hoan Múa rối quốc tế lần thứ III năm 2012 khi Việt Nam đã giành 2 giải vàng với 2 tiết mục rối cạn “Giai điệu ký ức” (Đoàn Nghệ thuật Múa rối Hải Phòng) và “Linh thiêng hai tiếng đồng bào” (Nhà hát Múa rối Thăng Long). Ngoài ra, còn có 3 tác phẩm rối cạn giành giải bạc như: “Alađanh và cây đèn thần”, “Không gian trắng” (Nhà hát Múa rối Trung ương) và “Nét hồng lam” (Đoàn ca Múa kịch Hà Tĩnh).
Bên cạnh đó, cách đây hai năm, tại Lễ hội Múa rối quốc tế lần thứ II tại Thái Lan, chương trình rối cạn “Nhịp điệu quê hương” (Nhà hát Múa rối Việt Nam) đã vượt qua 856 vở diễn đến từ hơn 80 quốc gia để được Ban giám khảo trao giải nhất (không có giải đặc biệt, giải nhì và giải ba).
Giới làm nghề quốc tế đánh giá, “Giai điệu quê hương” đã cho tất cả mọi người thưởng thức một màn biểu diễn ấn tượng, rất Việt Nam khi các nghệ sĩ dùng chất liệu mây tre đan làm con rối và đại diện của Việt Nam đã khéo léo sử dụng âm nhạc truyền thống vào trong các tiết mục biểu diễn.