Tìm “sức sống” cho công nghệ sinh học
Tuy nhiên, theo đánh giá của bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường (Bộ NN&PTNT), những sản phẩm đưa ra thực tiễn vẫn chưa đạt yêu cầu, mới chỉ ở giai đoạn thử nghiệm.
Trong khi đó, nhiều đề tài nghiên cứu dù đã được nghiệm thu, song lại không đem lại hiệu quả thiết thực trong sản xuất. Thành công từ nghiên cứu ứng dụng CNSH mới chỉ đạt được trong phòng nghiên cứu.
Ứng dụng công nghệ sinh học mới đang ở giai đoạn đầu |
Nói về chuyện này, đại diện Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn, chia sẻ rằng ngành cá tra nước ta có lịch sử phát triển hơn 15 năm ở quy mô công nghiệp, và đã xuất khẩu sang 150 nước trên thế giới. Tuy nhiên, hiện nay ngành vẫn gặp trở ngại ở sự yếu kém về giống cá.
“Hơn 15 năm qua, mặc dù người nông dân và DN đã có những cải tiến đáng kể trong hoạt động nuôi trồng, nhưng họ vẫn đang đối mặt với vấn đề con giống ngày càng thoái hóa về chất lượng. Cá dễ bị bệnh hơn và không có cải thiện đáng kể về tăng trưởng”, đại diện Công ty Vĩnh Hoàn cho biết.
Vị đại diện này dẫn chứng, việc chọn giống trong ngành cá tra hiện nay vẫn dựa trên việc lựa ra những đàn cá khỏe mạnh, bằng cách quan sát và theo dõi bên ngoài, chưa có sự nghiên cứu và ứng dụng rộng rãi lựa chọn gen để cho ra đàn cá giống tốt nhất (kháng bệnh và tăng trưởng).
Quá trình này cần nhiều thời gian và ngân sách, nên chỉ có sự hỗ trợ và quan tâm của Nhà nước mới giải quyết được bài toán này cho người nông dân và các doanh nghiệp cá tra. Nhà nước giúp hỗ trợ khâu lựa chọn gen để chọn đàn cá bố mẹ có nguồn gen tốt, được nuôi dưỡng ở những cơ sở có đủ điều kiện, sau đó bán trứng hoặc cá hương ra ngoài cho nông dân nuôi dưỡng và phát triển.
Tiếp đó đánh giá về chất lượng giống lúa của Việt Nam hiện nay, ông Trần Mạnh Báo, Tổng giám đốc Công ty Giống cây trồng Thái Bình cho biết, ứng dụng CNSH trong việc nâng cao chất lượng giống lúa của Việt Nam hiện vẫn còn có nhiều bất cập, dẫn tới việc chủ yếu chúng ta vẫn sử dụng giống đại trà, giá gạo xuất khẩu thấp vì chúng ta sử dụng nhiều loại giống. Trong 1 bao gạo xuất khẩu của chúng ta, có thể tìm được 5-7 loại giống, nên gạo Việt Nam không tạo được thương hiệu.
Vì vậy, theo ông Báo, thời gian tới, Việt Nam nên tập trung vào một số giống lúa có tiềm năng xuất khẩu cao, xây dựng thương hiệu cho 1 vài giống lúa chủ lực. Bởi có như thế, gạo của Việt Nam mới có mặt trên bản đồ gạo thế giới.
Đặc biệt, tình trạng trên một phần cũng là do nguồn nhân lực của nước ta còn ít, phân tán; thiếu cơ chế chính sách phù hợp để tạo sức mạnh quốc gia. Ông Nông Văn Hải, Viện Hàn lâm Khoa học công nghệ Việt Nam nêu quan điểm: “Giống như trong bóng đá, tôi có cảm nhận chúng ta mới đang có các cầu thủ giỏi, nhưng về toàn bộ chúng ta không bằng Thái Lan. Vấn đề không chỉ có tài chính, mà còn là sự liên kết và triển khai ứng dụng. Các cơ sở khoa học chịu trách nhiệm nghiên cứu, đơn vị ứng dụng là doanh nghiệp, nhưng hiện nay sự kết nối giữa các nhà vẫn rời rạc. Tính phối hợp đồng bộ của chúng ta còn rất yếu, chúng ta nên tập trung vào những vấn đề trọng tâm, các doanh nghiệp phải đầu tư cho nghiên cứu”.
Trước những yếu kém trên, trong những năm qua, Bộ NN&PTNT đã tăng cường thúc đẩy phát triển cây biến đổi gen ở Việt Nam. Hiện nay, 2/3 bông, trên một nửa đậu tương và ngô trên thế giới là cây trồng biến đổi gen và được khảo sát là an toàn.
Do đó, theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát, trước tiên phải mở đường cho cây biến đổi gen bằng cách làm hành lang pháp lý, định hướng dư luận xã hội. Nếu các nhà khoa học nghiên cứu ra mà không cho dùng hoặc xã hội không chấp nhận thì chẳng để làm gì. Phải có yêu cầu của sản xuất, thị trường thì khoa học mới có sức sống.
“Trước đây chúng ta làm theo cơ chế cũ: Chính phủ cho bao nhiêu tiền thì ta làm bấy nhiêu. Nay cần có cơ chế mở để xã hội tham gia. Đây chính là đất dụng võ của các chuyên gia, và có như thế thì các nghiên cứu mới đi vào cuộc sống, và mới có thể đem lại cuộc sống cho cán bộ nghiên cứu. Giải pháp sắp tới quan trọng nhất không phải là chia đề tài, mà là cơ chế chính sách thu hút DN tham gia…”, Bộ trưởng Phát chỉ đạo.