Tín dụng chính sách: Trụ cột giảm nghèo ở xứ Thanh
Trong năm 2020, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) Chi nhánh Thanh Hóa đã cho 85 ngàn lượt hộ vay vốn với số tiền 3.536 tỷ đồng; trong đó hỗ trợ vốn đầu tư sản xuất kinh doanh, duy trì việc làm, tạo việc làm mới cho 52 ngàn lao động. Tổng dư nợ đến 31/12/2020 đạt 10.095,4 tỷ đồng, tăng 705,3 tỷ đồng so với đầu năm, tăng trưởng 7,5%.
Những con số trên cho thấy, tín dụng chính sách là một "trụ cột" trong công tác giảm nghèo nơi đây, góp phần giải quyết một số vấn đề thiết yếu của cuộc sống cho người nghèo, hộ chính sách tại nông thôn, miền núi; chung tay đẩy tín dụng đen, tạo nguồn lực cho địa phương thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Cán bộ NHCSXH Chi nhánh Thanh Hóa luôn bám sát cơ sở, đồng hành với các hộ vay vốn |
Theo ông Lê Hữu Quyền, Giám đốc NHCSXH Chi nhánh Thanh Hóa, để đạt được những kết quả tích cực trên, thời gian qua Chi nhánh đã chủ động bám sát sự chỉ đạo điều hành của Tổng giám đốc NHCSXH, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban đại diện HĐQT, đồng thời phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, tổ chức chính trị xã hội nhận ủy thác, triển khai các giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với đại dịch Covid-19; tổ chức tốt công tác phòng chống dịch, đảm bảo an toàn tuyệt đối hoạt động giao dịch xã. Bám sát phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp đã đề ra, thực hiện phát động nhiều đợt thi đua phấn đấu hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao.
Ở những thời điểm khó khăn nhất như 2 đợt dịch Covid-19 bùng phát trong năm qua, NHCSXH Thanh Hóa đã phối hợp với chính quyền các địa phương tổ chức tốt công tác giao dịch xã; tuân thủ các quy định của cơ quan chuyên môn trong công tác phòng, chống dịch. Nhờ đó mà chất lượng giao dịch xã tiếp tục được duy trì, năm 2020 tỷ lệ giải ngân tại điểm giao dịch xã bình quân đạt 94,8%, tỷ lệ thu nợ tại điểm giao dịch xã đạt 89%, tỷ lệ thu lãi tại điểm giao dịch xã đạt 99,3%.
Đặc biệt, các tổ chức chính trị - xã hội luôn phối hợp chặt chẽ với NHCSXH làm tốt công tác ủy thác vốn vay ưu đãi. Thực hiện chấm điểm đánh giá chất lượng hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội cấp huyện, xã hàng tháng, quý theo Nghị quyết của Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh cho thấy, có 99 hội cấp huyện xếp loại tốt, chiếm tỷ lệ 92,5%; còn lại là hội xếp loại khá. Chấm điểm tổ chức chính trị - xã hội cấp xã có 1.495 hội xếp loại tốt (chiếm 91%); 132 hội xếp loại khá, chỉ có 17 hội xếp loại trung bình.
Ông Lê Hữu Quyền cho biết, năm 2021 sẽ còn nhiều những khó khăn thách thức, thời cơ thuận lợi đan xen, đòi hỏi đội ngũ cán bộ, người lao động NHCSXH tỉnh Thanh Hóa phải bám sát sự chỉ đạo của Hội đồng quản trị NHCSXH Trung ương, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh để giữ vững và phát huy những thành quả đã đạt được; tập trung đôn đốc thu hồi nợ đến hạn để cho vay quay vòng, giải ngân nhanh chóng kịp thời chỉ tiêu vốn mới, đảm bảo hoàn thành sớm các chỉ tiêu kế hoạch được giao. Cùng với đó, tiếp tục củng cố, kiện toàn nâng cao chất lượng hoạt động của Tổ TK&VV; chất lượng hoạt động ủy thác của các tổ chức chính trị - xã hội; nâng cao chất lượng hoạt động tại Điểm giao dịch xã. Tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện tốt Chỉ thị 40-CT/TW mà trọng tâm là tăng trưởng nguồn vốn ngân sách địa phương, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng, hỗ trợ mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững, xây dựng nông thôn mới.
Năm 2021, NHCSXH Chi nhánh Thanh Hóa đặt mục tiêu tăng trưởng dư nợ tín dụng đạt 7,5%; đảm bảo 100% hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu, đủ điều kiện đều được vay vốn và tiếp cận với các dịch vụ tài chính do NHCSXH cung cấp; các đơn vị tăng cường huy động vốn; hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương được Trung ương giao. |