Tín dụng chính sách xã hội: Chỗ dựa tin cậy của người nghèo và các đối tượng chính sách
Đồng chí Nguyễn Thị Hồng, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Thống đốc NHNN Việt Nam, kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị NHCSXH, phát biểu tại hội thảo |
Tín dụng chính sách xã hội thực hiện thắng lợi mục tiêu xóa đói, giảm nghèo Tín dụng chính sách xã hội giúp hàng triệu phụ nữ vượt qua nghèo khó |
Thể hiện tính ưu việt của chế độ
GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng lý luận trung ương đánh giá, tín dụng chính sách xã hội là chủ trương độc đáo, mang tính nhân văn sâu sắc, đã trở thành một "điểm sáng" và là một trong những "trụ cột" trong hệ thống các chính sách giảm nghèo, bảo đảm an sinh và an ninh xã hội của Đảng, Nhà nước ta trong tiến trình đổi mới, thể hiện nổi bật tính ưu việt của chế độ ta. Đây là quyết sách phù hợp với thực tiễn và điều kiện phát triển của Việt Nam, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, đặc biệt là các tầng lớp dân cư có thu nhập thấp, góp phần bảo đảm sinh kế và sự phát triển của người dân, thúc đẩy bình đẳng giới.
Là đơn vị trực tiếp triển khai hoạt động tín dụng chính sách xã hội, TS. Dương Quyết Thắng, Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam (NHCSXH) cho biết, NHCSXH đã huy động được nguồn vốn lớn, đa dạng; đáp ứng nhu cầu vay vốn của đông đảo người nghèo và các đối tượng chính sách khác ở 100% xã, phường, thị trấn trên cả nước, trong đó, tập trung ưu tiên cho vay các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới... góp phần tạo việc làm, giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới. Trong hơn 20 năm qua, vốn tín dụng chính sách xã hội đã giải ngân cho hơn 44.284 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, hỗ trợ hơn 6,5 triệu hộ vượt ngưỡng nghèo, giải quyết việc làm cho hơn 6,2 triệu lao động; hỗ trợ gần 147 nghìn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, hỗ trợ gần 3,9 triệu học sinh, sinh viên được vay vốn đi học; xây dựng gần 18 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, hơn 729 nghìn căn nhà cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác; giải ngân cho 3.807 lượt doanh nghiệp (1.793 doanh nghiệp) với số tiền 4.829 tỷ đồng để trả lương cho 1.230 nghìn lượt lao động (gần 546 nghìn lao động) gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên địa bàn cả nước… Nhờ đó, tín dụng chính sách xã hội đã góp phần thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, giảm tỷ lệ hộ nghèo trên cả nước; góp phần ngăn chặn hoạt động cho vay nặng lãi ở khu vực nông thôn.
Duy trì và phát huy hiệu quả trong giai đoạn tới
Để đạt được kết quả trên, TS. Dương Quyết Thắng cho biết, NHCSXH đã thiết lập mô hình quản trị và điều hành tác nghiệp gọn nhẹ, hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tiễn; Đồng thời, xây dựng, tổ chức thực hiện thành công phương thức quản lý vốn tín dụng chính sách thông qua hoạt động ủy thác cho Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên; phối hợp với chính quyền cấp xã, tổ chức chính trị - xã hội xây dựng, quản lý 168.464 tổ tiết kiệm và vay vốn đến từng thôn, ấp, bản, làng, tổ dân phố.
Dưới góc độ của NHNN, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú đánh giá, tín dụng chính sách xã hội tại Việt Nam đã bao hàm tín dụng đầu tư và tín dụng tài trợ. Trong đó, tín dụng tài trợ dành cho người nghèo, đối tượng chính sách với lãi suất thấp, điều kiện vay thuận lợi, thời hạn cho vay từ trung, dài hạn. Từ hai nội hàm trên cho thấy lợi ích, hiệu quả của tín dụng chính sách ở góc độ kinh tế rất cao.
Hiệu quả kinh tế ở đây không phải là nộp ngân sách cao mà nằm ở chỗ giúp cho người vay thoát nghèo, thay đổi cuộc sống. Chính những điều đó đã tạo nên lợi ích cho xã hội, giúp giảm tỷ lệ đói nghèo, thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo, nông thôn - thành thị… Hiệu quả xã hội cùng với hiệu quả kinh tế đã khẳng định đường lối đúng đắn của Đảng, Nhà nước, qua đó củng cố niềm tin của nhân dân vào chế độ ta.
Để tiếp tục phát huy hiệu quả tín dụng chính sách xã hội trong thực hiện Nghị quyết của Đảng về an sinh xã hội nói chung, thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, Kết luận số 06-KL/TW ngày 10/6/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40, trong thời gian tới NHCSXH sẽ tiếp tục tham mưu cho Chính phủ, các bộ, ban, ngành Trung ương, Mặt trận tổ quốc Việt Nam trong việc thực hiện tốt Chỉ thị số 40 CT/TW và Kết luận 06 KL/TW. Nâng cao vai trò, trách nhiệm và hiệu quả hoạt động của cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội trong việc thực hiện tín dụng chính sách xã hội; quan tâm bố trí ngân sách địa phương ủy thác cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn qua NHCSXH; thường xuyên báo cáo, tham mưu cho các cơ quan Đảng, Nhà nước và Quốc hội về hoạt động tín dụng chính sách xã hội. Bên cạnh đó, tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm duy trì, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng; đảm bảo mục tiêu bảo toàn, phát triển vốn; triển khai và nâng cao chất lượng các sản phẩm, dịch vụ; đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại, đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, tạo tính chủ động và bền vững trong hoạt động NHCSXH.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, NHCSXH cũng rất cần sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, nhà khoa học, chính quyền địa phương. TS. Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đề xuất, đơn vị sẽ tiếp tục phối hợp cùng NHCSXH tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội đến các tầng lớp nhân dân, nhất là người nghèo và các đối tượng chính sách khác; tiếp tục phát động, triển khai cuộc vận động “Vì người nghèo”, nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Quy chế vận động, quản lý và sử dụng Quỹ Vì người nghèo theo hướng mở tài khoản quỹ tại các ngân hàng, trong đó có mở tài khoản tại NHCSXH các cấp.
Sau khi lắng nghe các tham luận và ý kiến của đại biểu tại hội thảo, đồng chí Nguyễn Thị Hồng, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Thống đốc NHNN Việt Nam kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị NHCSXH khẳng định, cần tiếp tục duy trì mô hình tổ chức, phương thức quản lý tín dụng đặc thù của NHCSXH trong thời gian tới, nhằm tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách xã hội; đồng thời tiếp tục nghiên cứu, tham mưu cấp có thẩm quyền tăng cường, tập trung nguồn lực cho tín dụng chính sách xã hội, từng bước mở rộng đối tượng chính sách xã hội được vay vốn phù hợp với khả năng cân đối, bố trí nguồn lực, mục tiêu, định hướng phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ theo chỉ đạo của Ban Bí thư tại Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW; tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách để NHCSXH phát triển ổn định, bền vững, đảm bảo đủ năng lực thực hiện tín dụng chính sách xã hội hiệu quả hơn.