Tín dụng ưu đãi trên miền gió cát
Tín dụng chính sách - kênh tài chính quan trọng Tín dụng chính sách xã hội: Chỗ dựa tin cậy của người nghèo và các đối tượng chính sách Hiệu quả tín dụng ưu đãi tại miền biên giới |
Giúp bà con thoát nghèo bền vững
Khó khăn là vậy, song gần đây Ninh Thuận như bừng tỉnh sau một giấc ngủ dài. Nhiều thay đổi của Ninh Thuận có thể nhìn thấy và cảm nhận rõ. Trên bờ biển xanh ngắt kề bên sa mạc, những vườn nho ngọt mát dưới chân tháp chàm trầm mặc... là những cánh đồng điện gió, điện mặt trời. Những thắng cảnh hoang sơ ngày trước, giờ đây là điểm du lịch nổi tiếng…
Miền gió cát Ninh Thuận đã thật sự chuyển mình. Trong những đổi thay đó, với sự quan tâm của Đảng và Chính phủ, tín dụng chính sách xã hội đã và đang phát huy hiệu quả góp phần quan trọng để Ninh Thuận tạo bước đột phá, thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, tạo việc làm và xây dựng nông thôn mới. Các chương trình tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội đã tạo động lực, khích lệ người nghèo và các đối tượng chính sách khác tự lực vươn lên thoát nghèo một cách bền vững.
Đến nay, có rất nhiều gia đình ở Ninh Thuận đã thực sự thoát cảnh túng thiếu nhờ vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội, chi nhánh Ninh Thuận. Trong số đó, có gia đình ông Chamaléa Hải, ở xã Lợi Hải, huyện Thuận Bắc. Gia đình ông là điển hình về phát triển kinh tế, thoát nghèo, có kinh tế tích lũy nhờ vốn vay ưu đãi. Theo đó, trước đây hoàn cảnh kinh tế gia đình gặp rất nhiều khó khăn. Sau đó, với số vốn vay ban đầu từ chương trình giải quyết việc làm 30 triệu đồng, ông Chamaléa Hải đã đầu tư chăn nuôi bò, từ việc chăm sóc chu đáo, đàn bò sinh sản tốt, gia đình ông đã tích lũy được một số vốn trả nợ, trả lãi đầy đủ cho ngân hàng. Đến năm 2020, ông tiếp tục đăng ký vay 80 triệu đồng để xây dựng chuồng trại, mở rộng quy mô chăn nuôi… Đến nay, cuộc sống của gia đình ông Chamaléa Hải được cải thiện, trở thành hộ sản xuất kinh tế giỏi ở địa phương.
Chị Lê Thị Diệu (xã Xuân Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận) vay 100 triệu đồng đầu tư trồng cây nho từ Chương trình cho vay tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm |
Cùng thoát nghèo ở xã Lợi Hải còn có gia đình ông Ka tơr Hà Khanh. Từ một hộ nghèo, được vay 50 triệu đồng vốn ưu đãi vay của Ngân hàng Chính sách xã hội, ông đã tập trung nuôi trâu, bò, cừu, dê nhốt chuồng. Nhờ chăm sóc, phòng bệnh chu đáo và chủ động nguồn thức ăn dự trữ, công việc chăn nuôi của gia đình ông ngày một phát triển, cho thu nhập đến cả trăm triệu đồng mỗi năm sau khi trừ hết chi phí… Ông Ka tơr Hà Khanh tâm sự, nhờ vốn vay ưu đãi của ngân hàng mà gia đình đã thoát được cảnh nghèo khó. Không những vậy nhờ vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội đã giúp kinh tế gia đình ngày càng phát triển, cuộc sống ngày càng khấm khá hơn.
Hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội trên địa bàn Ninh Thuận, luôn nhận được sự đồng hành của các cấp uỷ, chính quyền địa phương. Theo đại diện UBND huyện Bác Ái, nguồn vốn tín dụng chính sách do chính quyền các cấp quản lý và phân giao cho cấp dưới. Công tác xét duyệt đối tượng cho vay do UBND cấp xã thực hiện. Từ đó, nâng cao được nhận thức và trách nhiệm của cấp uỷ, chính quyền và các ban ngành, đoàn thể các cấp trong việc thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi tại địa phương; tạo điều kiện cho hộ gia đình phát triển sản xuất kinh doanh, góp phần cải thiện, ổn định đời sống của người nghèo, thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo.
Để đưa nguồn vốn tín dụng ưu đãi đến đúng đối tượng, cũng như các địa phương khác tại Ninh Thuận vai trò của các hội đoàn thể, tổ tiết tiết kiệm vay vốn đang được phát huy một cách hiệu quả... Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được mạng lưới 1.599 tổ tiết kiệm vay vốn đến từng thôn, khu phố. Việc xây dựng các tổ tiết kiệm vay vốn tại thôn, khu phố và uỷ thác một số nội dung công việc qua 4 tổ chức hội đoàn thể, đã tác động tích cực đến nhận thức của người nghèo và các đối tượng chính sách khác giúp họ vươn lên, tạo được tính cộng đồng, tương trợ lẫn nhau giữa các thành viên.
Bà Lộ Thị Lợi (thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước) vay 100 triệu đồng để sản xuất sản phẩm dệt thổ cẩm |
Đẩy mạnh cho vay theo Nghị quyết 11
Thời gian gần đây, bên cạnh nhiệm vụ chính trị trung tâm Ngân hàng Chính sách xã hội, chi nhánh Ninh Thuận còn đẩy mạnh cho vay theo Nghị quyết số 11/NQ-CP (Nghị quyết 11). Theo đó, ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP và thực hiện Kế hoạch số 933/KH-NHCS của Tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội, chi nhánh đã kịp thời tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản số 717/UBND-VXNV ngày 23/2/2022 để triển khai thực hiện.
Chi nhánh cũng đã tham mưu, báo cáo UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành có liên quan phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội rà soát đối tượng thụ hưởng, tổng hợp nhu cầu vốn cho các chương trình theo Nghị quyết số 11/NQ-CP trình UBND tỉnh phê duyệt gửi cấp trên làm cơ sở phân giao chỉ tiêu kế hoạch; xây dựng kế hoạch hỗ trợ lãi suất năm 2022 và 2023; tập trung hỗ trợ lãi suất theo quy định tại Nghị quyết số 11/NQ-CP và Nghị định số 36/2022/NĐ-CP của Chính phủ đảm bảo đúng đối tượng, điều kiện, tránh trục lợi; công khai dư nợ vay, số tiền hỗ trợ lãi suất hằng tháng của từng khách hàng. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền cũng được chi nhánh quan tâm đẩy mạnh...
Đến ngày 30/6/2023, tổng dư nợ các chương trình tín dụng ưu đãi theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của chi nhánh đạt 215,8 tỷ đồng, với 5.287 lượt khách hàng được vay vốn. Trong đó, tập trung vào một số chương trình có số dư nợ lớn như, chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm đạt 150 tỷ đồng, tạo việc làm cho hơn 3.050 lao động; Chương trình cho vay nhà ở xã hội là 17,9 tỷ đồng, hỗ trợ mua và xây dựng 70 căn nhà; Chương trình cho vay học sinh sinh viên mua máy tính học trực tuyến dư nợ còn 13,7 tỷ đồng đã mua hơn 1.540 máy vi tính và thiết bị phục vụ học tập trực tuyến; Chương trình cho vay cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập với 54 cơ sở giáo dục được vay vốn...
Có thể nói, nguồn vốn tín dụng chính sách đã kịp thời giải quyết nhu cầu vốn cho doanh nghiệp, người dân đầu tư khởi nghiệp, tái sản xuất, kinh doanh trước tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19. Hầu hết, những hộ vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội đều có chuyển biến sâu sắc trong nhận thức, sử dụng vốn vay đúng mục đích, trả nợ, trả lãi đầy đủ; nhiều hộ dân đã biết cách làm ăn, trồng trọt, chăn nuôi, tăng thu nhập, cải thiện đáng kể đời sống, góp phần phục hồi sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương sau đại dịch Covid-19.
Theo số liệu của cơ quan chức năng ở địa phương, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh Ninh Thuận đến cuối năm 2022 là 5,93%, giảm 1,89% so với năm 2021. Tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là 17,73%, giảm 4,73%... Phát huy những kết quả đạt được, từ nay đến năm 2025, Ninh Thuận phấn đấu duy trì mức giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều từ 1,5-2%/năm; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 3%/năm; xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo ở huyện nghèo giảm từ 4-5%/năm. Cùng với đó, 98% số hộ đồng bào dân tộc thiểu số được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh…
Tiếp tục đồng hành với người nghèo, các đối tượng chính sách khác ở địa phương ông Lê Minh Lộc, Phó Giám đốc phụ trách Ngân hàng Chính sách xã hội, chi nhánh Ninh Thuận khẳng định, đơn vị sẽ tiếp tục tập trung thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư… Trong đó, chỉ đạo tổ chức thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn kịp thời, hiệu quả; tập trung đẩy nhanh tiến độ giải ngân đến các đối tượng thụ hưởng theo chỉ tiêu tăng trưởng đã được giao, nhất là cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo, tạo việc làm… gắn tăng trưởng tín dụng với nâng cao chất lượng tín dụng; các sở, ban, ngành có liên quan, địa phương và Ngân hàng Chính sách xã hội tập trung chỉ đạo triển khai kịp thời, có hiệu quả các chương trình tín dụng ưu đãi theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ, đảm bảo đúng chính sách, đúng đối tượng thụ hưởng...