Tín dụng chính sách - kênh tài chính quan trọng
GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương phát biểu tại Hội thảo. |
Tham dự và chỉ đạo Hội thảo có GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương; đồng chí Nguyễn Thị Hồng, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị NHCSXH; TS. Dương Quyết Thắng, Tổng Giám đốc NHCSXH… cùng đại diện một số cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, nhà khoa học, chính quyền địa phương.
Đồng chí Nguyễn Thị Hồng, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Thống đốc NHNN kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị NHCSXH phát biểu tại Hội thảo |
Phát biểu khai mạc Hội thảo, GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng cho biết tín dụng chính sách xã hội là chủ trương độc đáo, mang tính nhân văn sâu sắc, đã trở thành một “điểm sáng” và là một trong những “trụ cột” trong hệ thống các chính sách giảm nghèo, bảo đảm an sinh và an ninh xã hội của Đảng, Nhà nước ta trong tiến trình Đổi mới; thể hiện nổi bật tính ưu việt của chính sách, phù hợp với thực tiễn và điều kiện phát triển của Việt Nam, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, đặc biệt là các tầng lớp dân cư có thu nhập thấp, không đủ điều kiện vay vốn ở các ngân hàng thương mại. Đến nay, tín dụng xã hội đã được triển khai rộng rãi, sáng tạo, có hiệu quả trên toàn quốc, thật sự đi vào cuộc sống, mang lại những kết quả thiết thực, được đông đảo nhân dân đồng tình ủng hộ và cộng đồng quốc tế đánh giá cao.
TS. Dương Quyết Thắng, Tổng Giám đốc NHCSXH phát biểu tại Hội thảo |
Chia sẻ về quá trình hoạt động, TS. Dương Quyết Thắng, Tổng Giám đốc NHCSXH, cho biết trải qua hơn 20 năm xây dựng và phát triển, đồng hành cùng với người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội khác, đặc biệt 9 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, với quyết tâm cao của các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền địa phương; sự vào cuộc đồng bộ, kịp thời của cả hệ thống chính trị, NHCSXH được giao nhiệm vụ thực thi tín dụng chính sách xã hội đã triển khai tích cực và đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Hiện nay, NHCSXH đã thiết lập được mô hình quản trị và điều hành tác nghiệp gọn nhẹ, hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tiễn; đồng thời, xây dựng tổ chức thực hiện thành công phương thức quản lý vốn tín dụng chính sách thông qua hoạt động ủy thác cho Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên. NHCSXH cũng đã phối hợp với chính quyền cấp xã, tổ chức chính trị - xã hội xây dựng, quản lý 168.464 Tổ tiết kiệm và vay vốn đến từng thôn, ấp, bản, làng, tổ dân phố.
Các đại biểu thảo luận tại Hội thảo |
Với việc triển khai đến 100% thôn, xóm, bản, làng, tổ dân phố trên toàn quốc, nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần không nhỏ trong ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, nhất là tại các vùng nông thôn, đã đẩy lùi nạn tín dụng đen thông qua việc thực hiện các chương trình tín dụng chính sách ưu đãi tạo được lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước; không bị các thế lực thù địch lôi kéo, lợi dụng. Mô hình tổ chức, phương thức quản lý tín dụng của NHCSXH là phù hợp với cấu trúc hệ thống chính trị và thực tiễn Việt Nam.
Với chức năng, nhiệm vụ của mình, NHCSXH tập trung huy động nguồn vốn lớn, đa dạng để thực hiện hiệu quả tín dụng chính sách xã hội, đáp ứng kịp thời và ngày càng tốt hơn nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Tính đến hết 31/7/2023, tổng nguồn vốn đạt 324.753, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt 305.145 tỷ đồng, tăng 296.514 tỷ đồng so với thời điểm nhận bàn giao (gấp 35 lần), với hơn 6,6 triệu hộ nghèo và các đối tượng chính sách đang còn dư nợ, tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt khoảng 19%/năm. Cùng với tăng trưởng quy mô tín dụng, chất lượng tín dụng chính sách xã hội tiếp tục được củng cố và nâng cao, đến 31/7/2023, tổng nợ quá hạn và nợ khoanh là 1.889 tỷ đồng, chiếm 0,62%/tổng dư nợ, trong đó nợ quá hạn 532 tỷ đồng, chiếm khoảng 0,17% tổng dư nợ.
Các chương trình tín dụng chính sách được triển khai có hiệu quả ở các vùng trong cả nước, đặc biệt ưu tiên tập trung cho các vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, vùng biên giới, hải đảo… đã góp phần thúc đầy nền kinh tế nhiều thành phần từng bước phát triển. Tín dụng chính sách xã hội đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên cả nước qua các giai đoạn, góp phần thực hiện 9/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới (nhà ở dân cư, thu nhập, tỷ lệ hộ nghèo, lao động có việc làm, tổ chức sản xuất, giáo dục và đào tạo, môi trường và an toàn thực phẩm, xây dựng hệ thống chính trị, quốc phòng và an ninh).
Bên cạnh đó, sau 9 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương của các địa phương sang NHCSXH đã đạt 34.881 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 10,7%/tổng nguồn vốn của NHCSXH, tăng 31.074 tỷ đồng so với trước khi có Chỉ thị số 40-CT/TW. Hiện nay 100% đơn vị cấp tỉnh, cấp huyện đã cân đối, ủy thác vốn ngân sách địa phương sang NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay.
Trong quá trình triển khai thực hiện, bên cạnh những kết quả đạt được hoạt động tín dụng chính sách xã hội cũng có một số khó khăn cần phải khắc phục trong thời gian tới. Để giải quyết triệt để những khó khăn này, TS. Dương Quyết Thắng kiến nghị, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục quan tâm, ưu tiên tập trung, bố trí nguồn vốn để phát huy vai trò của NHCSXH là ngân hàng chủ lực trong triển khai, thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách khác; các cấp ủy đảng, bộ, ngành, chính quyền địa phương tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội theo Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư; quan tâm bố trí nguồn lực từ ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác để bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn
Đồng thời, hỗ trợ về cơ sở vật chất, địa điểm, trang thiết bị, phương tiện làm việc nhằm nâng cao năng lực hoạt động của NHCSXH; các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác tiếp tục phối hợp chặt chẽ với NHCSXH trong việc củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách xã hội; NHCSXH tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả mô hình tổ chức và phương thức quản lý tín dụng chính sách xã hội đặc thù; chủ động thực hiện tốt việc huy động, quản lý và sử dụng vốn hiệu quả; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, hiện đại hóa ngân hàng… tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của NHCSXH là “nhà cung cấp tài chính vi mô lớn nhất Việt Nam và châu Á” và là chỗ dựa tin cậy của người nghèo, các đối tượng chính sách.
Tại Hội thảo, TS. Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mật trận Tổ quốc Việt Nam trình bày tham luận "Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong thực hiện các Nghị quyết, Chỉ thị, Kết luận của Đảng với tín dụng chính sách xã hội"; đồng chí Đỗ Ngọc An, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương trình bày tham luận "Tăng cường công tác giám sát hoạt động tín dụng chính sách xã hội nhằm thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 40 và Kết luận 06 của Ban Bí thư"; TS. Dương Văn Thái trình bày tham luận "Nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh Bắc Giang".
Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Nguyễn Thị Hồng, Thống đốc NHNN kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị NHCSXH khẳng định, tín dụng chính sách xã hội trở thành một “trụ cột” quan trọng, một “điểm sáng” trong hệ thống chính sách giảm nghèo. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các Nghị định, Quyết định để triển khai 26 chương trình tín dụng chính sách tại NHCSXH, tạo nên một hệ thống chính sách giảm nghèo đồng bộ, bao phủ các nhóm đối tượng chính sách xã hội được thụ hưởng nhằm thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách, nhiệm vụ quan trọng mà Đảng và Nhà nước đã đề ra về giảm nghèo bền vững và bảo đảm an sinh xã hội.
Đặc biệt, Chỉ thị số 40-CT/TW đã làm thay đổi một cách sâu sắc về nhận thức và hành động của các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội và người dân đối với tín dụng chính sách xã hội. Cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương các cấp xác định ngày càng rõ hơn vai trò, vị trí của tín dụng chính sách xã hội trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Từ đó, đã quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi, đặc biệt là chủ động bố trí nguồn vốn ủy thác của các địa phương cho NHCSXH để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao; đồng thời, phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong việc thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi này.
"Qua đó có thể khẳng định, đây là một mô hình mới, sáng tạo và chưa có tiền lệ, phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam. Sự thành công trong xây dựng mô hình quản trị điều hành của NHCSXH được thể hiện thông qua việc huy động được sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và toàn xã hội tham gia vào công cuộc giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội”, đồng chí Nguyễn Thị Hồng cho biết.
Lắng nghe các ý kiến của đại biểu tại Hội thảo, đại diện Ban Tổ chức, đồng chí Nguyễn Thị Hồng xin tiếp thu tất cả ý kiến của các nhà khoa học, các đại biểu, trên cơ sở đó tổ chức biên tập, chỉnh lý, bổ sung làm tài liệu nghiên cứu đề xuất, phục vụ cho công tác tham mưu tổng kết, đánh giá kết quả 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội; đồng thời, tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách để NHCSXH phát triển ổn định, bền vững, đảm bảo đủ năng lực thực hiện tín dụng chính sách xã hội hiệu quả hơn.