Tính toán giá sàn và trợ vốn cho xuất khẩu gạo
Thời cơ cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Doanh nghiệp thu mua, xuất khẩu gạo: Không tỉnh táo, “đu đỉnh” sẽ dẫn đến “già néo đứt dây” |
Thua lỗ vì…giá tăng nhanh!
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), đến cuối tháng 8/2023 giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam đã đạt mức 643 USD/tấn, gạo 25% tấm đạt 628 USD/tấn. Giá xuất khẩu bình quân mặt hàng này trong tháng vừa qua đạt 542 USD/tấn, là mức giá cao nhất trong lịch sử xuất khẩu gạo của Việt Nam.
VFA cho biết, hơn một tháng vừa qua, sau khi Ấn Độ và một số quốc gia dừng xuất khẩu gạo, giá gạo thế giới đã tăng rất mạnh và liên tục. Nếu so với thời điểm đầu năm 2023, gạo 5% tấm của Việt Nam đã tăng 185 USD/tấn, tương đương 40,3%, trong khi đó gạo 25% tấm cũng tăng thêm 190 USD/tấn, tương đương tăng 43,4%.
Mặc dù đây là tin mừng cho ngành lúa gạo Việt Nam, nhưng ở thời điểm hiện tại lại đang là nỗi lo đối với doanh nghiệp nội địa. Bởi theo ông Đỗ Hà Nam, Phó chủ tịch VFA, dù lường trước được khả năng Ấn Độ sẽ cấm xuất khẩu gạo, nhưng nhiều doanh nghiệp không thể dự báo được giá gạo sẽ liên tiếp lập đỉnh và vẫn ký kết những hợp đồng xuất khẩu với giá thấp.
Theo tìm hiểu của phóng viên, tại một số tỉnh phía Nam, hiện nay do giá lúa gạo tăng cao, đã xuất hiện rải rác tình trạng “bẻ kèo” giữa người dân và doanh nghiệp trong các hợp đồng liên kết sản xuất – bao tiêu lúa gạo.
Giá lúa thương lái thu mua tại đồng ở Bạc Liêu, An Giang, Đồng Tháp những tuần đầu tháng 9 đã tăng 2.000-3.000 đồng/kg (tùy chủng loại). Các doanh nghiệp trước đó ký hợp đồng bao tiêu khoảng 6.000 - 6.500 đồng/kg, nay phải trả thêm 1.000 đồng/kg mới giữ được hợp đồng để có thể chủ động nguyên liệu cho các đơn hàng xuất khẩu.
Ông Phạm Thái Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Cần Thơ) cho hay, với giá thu mua lúa khoảng 8.000 đồng/kg như hiện nay, khi xuất khẩu phải khoảng 670-680 USD/tấn gạo. “Mức giá này là rất cao và khó kiếm khách mua. Đối với các hợp đồng xuất khẩu đã ký, nếu phải mua lúa với mức giá như trên mà không đàm phán được với đối tác để tăng thêm giá bán hoặc hoãn thời gian giao hàng thì doanh nghiệp lỗ 30-40 USD/tấn gạo”, ông Bình cho biết.
Ổn định giá sàn gạo xuất khẩu nhằm đảm bảo người dân bán lúa các tháng cuối năm có lời ít nhất 30% |
Tính sát giá sàn để ổn định giá mua lúa
Theo VFA, với việc giá gạo tăng nhanh, hiện nay nhiều doanh nghiệp không dám ký thêm hợp đồng xuất khẩu gạo mới, đồng thời tạm dừng thu mua lúa tại thị trường nội địa để nghe ngóng. Động thái này làm cho chuỗi cung ứng lúa gạo hàng hóa bị chững lại. Giá lúa nguyên liệu bắt đầu có sụt giảm trong khi giá gạo trên thế giới vẫn đang tiếp tục tăng.
Để tranh thủ mức giá cao của lúa gạo trên thế giới, mới đây VFA đã kiến nghị Chính phủ bổ sung cơ chế quy định giá sàn xuất khẩu gạo. Theo đó, mức giá sàn đối với gạo xuất khẩu cần được quản lý chặt chẽ vừa bám sát thị trường vừa bảo đảm an ninh lương thực trong nước nhưng vẫn linh hoạt để các doanh nghiệp có thể thúc đẩy xuất khẩu.
Bên cạnh đó, VFA đề nghị bổ sung quy định cụ thể về cơ chế báo cáo và phân công một cơ quan quản lý về tình hình ký kết, thực hiện hợp đồng xuất khẩu gạo và hàng hóa lúa gạo tồn kho của thương nhân có đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo theo Nghị định 107/2018/NĐ-CP. Từ các số liệu tổng hợp được sẽ quy định giá sàn xuất khẩu gạo theo từng giai đoạn nhằm đảm bảo lợi ích cho người trồng lúa và tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa thương nhân xuất khẩu gạo.
Trên thực tế, trước đây Nghị định 109/2010/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo có quy định về giá sàn gạo xuất khẩu và giao Bộ Tài chính chủ trì hướng dẫn phương pháp xác định giá sàn gạo xuất khẩu. Bộ Tài chính cũng đã ban hành Thông tư số 89/2011/TT-BTC hướng dẫn về phương pháp xác định giá sàn gạo xuất khẩu làm căn cứ để Hiệp hội Lương thực Việt Nam xác định và công bố giá sàn gạo xuất khẩu trong từng thời kỳ; để thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo có cơ sở ký kết hợp đồng và đăng ký hợp đồng xuất khẩu gạo.
Tuy nhiên Nghị định 107/2018/NĐ-CP thay thế Nghị định 109 chỉ quy định, áp dụng giá sàn gạo xuất khẩu trên cơ sở đề nghị của Bộ trưởng các Bộ: Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính. Song đến nay vẫn chưa có quy định giá sàn xuất khẩu gạo. Trong khi thời gian qua, nhiều thương nhân kinh doanh xuất khẩu chưa thực hiện nghiêm túc trách nhiệm báo cáo theo quy định như: không báo cáo, báo cáo không đầy đủ nội dung theo quy định, có báo cáo nhưng không thường xuyên... Việc này đã gây rất nhiều khó khăn cho công tác điều hành xuất khẩu gạo.
Ngoài việc đề xuất quản lý chặt chẽ đối với cơ chế giá sàn, VFA cũng cho rằng, thời điểm này, lượng lúa gạo tồn kho của các doanh nghiệp không lớn. Giá lúa nguyên liệu trong nước đang ở mức cao. Trong khi đó, vụ hè thu 2023 các địa phương đã xuống giống được khoảng 2/3 diện tích (khoảng 1 triệu ha/1,48 triệu ha diện tích gieo sạ). Vì thế nhu cầu tiêu thụ lúa cũng bắt đầu tăng và các doanh nghiệp cũng sẽ cần bổ sung nguồn vốn lưu động để thanh toán tiền mua lúa trong dân. Vì vậy thời điểm này, VFA cho rằng, nên xem xét để có cơ chế hỗ trợ về vốn cho thương nhân để các doanh nghiệp kịp thời thu mua lúa gạo với mức giá tốt nhất cho người dân trong thời gian tới.
Kim ngạch xuất khẩu dự báo khoảng 4,5 tỷ USD Với diễn biến thuận lợi về giá như hiện nay, Bộ Công thương dự báo kim ngạch xuất khẩu gạo cả năm 2023 sẽ đạt kỷ lục với 4,5 tỷ USD. Về diễn biến giá gạo xuất khẩu, theo giới phân tích, với những diễn biến thắt chặt nguồn cung lúa gạo của nhiều quốc gia, khả năng làn sóng tăng giá sẽ còn kéo dài đến cuối năm. Mức giá sẽ xoay quanh mức 600-800 USD/tấn và khó đạt được mức đỉnh 1.000 USD/tấn như năm 2008. |