Tổ chức tín dụng phi ngân hàng sẽ phải điều chỉnh chính sách cho vay
Tăng tính an toàn cho các tổ chức tín dụng phi ngân hàng | |
Phát triển tổ chức tín dụng phi ngân hàng: “Lượng” phải đi cùng “chất” | |
Sửa quy định về hoạt động của tổ chức tín dụng phi ngân hàng |
TS.Nguyễn Trí Hiếu |
NHNN đang lấy ý kiến Dự thảo quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của TCTD phi ngân hàng, trong đó nội dung đáng chú ý là hướng điều chỉnh hệ số rủi ro đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Thời báo Ngân hàng đã có trao đổi nhanh với TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính xung quanh nội dung được quan tâm nhất tại dự thảo lần này.
Ông có thể đánh giá qua hoạt động tín dụng của các TCTD phi ngân hàng hiện nay?
Phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, hoạt động cho vay của TCTD phi ngân hàng vẫn tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Những năm gần đây, những hạn chế của nhóm TCTD phi ngân hàng cũng đã bộc lộ, như là một số công ty tài chính hoạt động kém hiệu quả, một số công ty cho thuê tài chính thua lỗ kéo dài, tỷ lệ nợ xấu cao… Bên cạnh đó, Việt Nam chưa có hệ thống chấm điểm tín dụng cá nhân để làm cơ sở cho các công ty tài chính nhìn vào đó xem xét, cân nhắc cho vay khách hàng nào, với lãi suất ra sao. Đặc biệt với các TCTD phi ngân hàng thì chế độ quản lý rủi ro còn khá lỏng lẻo bởi mục đích cho vay nhiều để kiếm lời, chưa được kiểm soát quy định chặt chẽ như ngân hàng nên rủi ro cho các TCTD phi ngân hàng tất yếu cao hơn.
Thực tế này đặt ra yêu cầu về cả công tác quản lý của NHNN cũng như thực tiễn triển khai hoạt động kinh doanh tại các TCTD phi ngân hàng, đưa ra những chính sách phù hợp, nhằm thúc đẩy nhóm TCTD phi ngân hàng phát triển một cách lành mạnh, hiệu quả, thực hiện đúng vai trò của nhóm TCTD phi ngân hàng trong hệ thống TCTD, phát triển thị trường dịch vụ tài chính đa dạng, phong phú, đáp ứng được nhu cầu của nền kinh tế.
Vậy ông đánh giá thế nào về việc nâng hệ số rủi ro đối với những lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao?
Trước hết, theo dự thảo, các khoản phải đòi được đảm bảo toàn bộ bằng nhà ở, quyền sử dụng đất, công trình xây dựng gắn với quyền sử dụng đất của bên vay và đáp ứng một số điều kiện sẽ có hệ số rủi ro 50%. Tại Mỹ, nếu một khoản vay được bảo đảm bằng bất động sản và số tiền vay tối đa 70% tài sản đảm bảo thì hệ số rủi ro sẽ bằng 0, vì họ xét nếu có rủi ro thì bất động sản đó đủ để thu hồi lại tiền. Song đó là trong thị trường của một quốc gia phát triển khi vấn đề thu giữ tài sản khá nhanh gọn và ít bị vướng mắc; còn tại Việt Nam, nếu chủ nhà chống đối thì rất có thể sẽ phải ra toà. Thêm nữa, khách hàng ở phân khúc vay nhà ở, nhà ở xã hội dưới 1,5 tỷ đồng tại Việt Nam còn khá lớn, nên việc áp hệ số rủi ro 50% tôi cho rằng là tương đối phù hợp. Điều này cho thấy phía cơ quan quản lý đã cố gắng tạo điều kiện hỗ trợ tín dụng tiêu dùng với người vay mua nhà, xây nhà với giá hợp lý.
Tương tự, với nhóm tài sản có hệ số rủi ro 120% (có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2021 đến hết ngày 31/12/2021) và 150% (có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2022) đối với các khoản phải đòi đối với cá nhân phục vụ nhu cầu đời sống mà tổng số tiền thỏa thuận cho vay/mức cho vay tại các hợp đồng tín dụng của khách hàng đó từ 4 tỷ đồng trở lên. Áp một hệ số rủi ro cao đối với khoản vay từ 4 tỷ đồng trở lên cho thấy vấn đề kiểm soát rủi ro, giảm thiểu thiệt hại trong cho vay cá nhân mua nhà ở phân khúc cao cấp rất được NHNN lưu tâm.
Như vậy các tỷ lệ này sẽ tác động đến thị trường như thế nào?
Việc điều chỉnh hệ số rủi ro từ phía cơ quan quản lý cho thấy mục tiêu và định hướng của NHNN nhằm hướng tín dụng bất động sản vào nhu cầu thực của người dân, thúc đẩy phát triển phân khúc nhà ở thương mại giá rẻ và nhà ở xã hội. Các quy định này cũng tạo động lực cho các DN kinh doanh bất động sản nâng cao năng lực tài chính, uy tín để huy động vốn trên thị trường vốn, giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng.
Tất nhiên, khi áp dụng hệ số rủi ro có chiều hướng tăng thêm chắc chắn sẽ ảnh hưởng nhu cầu vay vốn, khi làm tăng chi phí vốn, khiến lãi suất đẩy lên, dẫn tới giảm quy mô tín dụng của các TCTD phi ngân hàng. Nói cách khác, nếu TCTD phi ngân hàng muốn giữ nguyên quy mô thì phải bổ sung vốn tự có để đảm bảo hệ số an toàn vốn.
Nhưng nói đi cũng phải nói lại, những đề xuất được đưa ra tại dự thảo Thông tư chắc chắn sẽ giúp cho các TCTD phi ngân hàng giảm thiểu rủi ro, kiểm soát chặt với hoạt động cho vay nhu cầu đời sống nhưng sử dụng vào mục đích kinh doanh bất động sản, thị trường bất động sản nhờ thế cũng sẽ phát triển lành mạnh hơn. Các TCTD phi ngân hàng buộc phải sử dụng vốn tự có hiệu quả hơn, không thể cho vay mạnh mẽ được mà phải “chọn mặt gửi vàng” để giữ được tỷ lệ an toàn vốn theo quy định.
Nâng cao an toàn của các TCTD phi ngân hàng cũng chính là củng cố thêm sự vững mạnh của hệ thống TCTD và của cả nền kinh tế. Nhìn chung, thông tư nếu được ban hành sẽ gia tăng tính an toàn, kiểm soát chặt hơn với những lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro buộc TCTD phi ngân hàng phải điều chỉnh lại chính sách cho vay của mình.
Xin cảm ơn ông!