Tối ưu tiện ích cho khách hàng từ Open API
Ông Trần Long, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) |
Theo ông Trần Long, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang ảnh hưởng mạnh mẽ đến tiến trình chuyển đổi số. Việc ứng dụng các công nghệ mới đã tạo ra những thay đổi chưa từng có trong hình thức kinh doanh, sản phẩm/dịch vụ cho khách hàng, từ châu Âu, Mỹ, Úc hay các nước châu Á.
Hiện nay, ngân hàng mở đang dần trở thành xu thế, làm thay đổi thị trường tài chính với hai xu hướng là tích hợp dịch vụ với bên thứ ba trên kênh của ngân hàng, gia tăng tiện ích trên ứng dụng của ngân hàng với các dịch vụ đặt vé máy bay, taxi, mua sắm…; tích hợp dịch vụ của khách hàng trên kênh của bên thứ ba, khách hàng có thể sử dụng dịch vụ do bên thứ ba cung cấp để chuyển tiền, thanh toán hóa đơn, đề nghị cấp tín dụng, rút gọn quá trình trên ngân hàng mở đó chính là Open API, kết nối ngân hàng với bên thứ ba và ngược lại.
Với mô hình ngân hàng mở, dịch vụ của ngân hàng sẽ không chỉ tồn tại trên kênh thuộc sở hữu của ngân hàng mà còn được “nhúng”, tích hợp trên phần mềm của bên thứ ba đem đến sự đơn giản, tiện lợi, tiết kiệm thời gian và chi phí cho khách hàng.
Tại Việt Nam, Quyết định số 749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 là “đòn bẩy” quan trọng thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động chuyển đổi số của nền kinh tế, trong đó có hoạt động ngân hàng.
Thời gian qua, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã xây dựng và ban hành nhiều văn bản quy định pháp lý là cơ sở, khuôn khổ, thuận lợi cho hoạt động của ngân hàng mở.
“Với 70.000 doanh nghiệp công nghệ thông tin đang cung cấp dịch vụ chuyển đổi số, 18.000 doanh nghiệp cung cấp phần mềm tại Việt Nam hợp tác với bên thứ ba mang đến tiềm năng phủ sóng mạnh mẽ dịch vụ ngân hàng trên các kênh số… Có thể thấy, tiềm năng phát triển ngân hàng mở tại Việt Nam là vô cùng lớn”, Phó Tổng Giám đốc BIDV khẳng định.
Với vị thế là ngân hàng có tổng tài sản lớn nhất Việt Nam, ông Trần Long cho biết, BIDV đã xác định “Công nghệ và chuyển đổi số” là một trong 3 trụ cột chính trong chiến lược hoạt động. Trong thời gian qua, BIDV đã đầu tư nguồn lực rất lớn cho hoạt động chuyển đổi số và liên tục ra mắt các giải pháp tài chính sáng tạo mới, trong đó có những kết quả trong hoạt động ngân hàng mở mà BIDV đã và đang mang đến cho khách hàng trên nền tảng Open API.
Ngày 29/11/2023 vừa qua, BIDV đã hợp tác với IBM chính thức ra mắt hệ thống BIDV Open API với 4 cấu phần chính: BIDV Open API Portal - Website trên internet cho các Nhà lập trình; cấu phần quản trị API; cấu phần Cổng kết nối API; cấu phần phân tích API.
Hệ thống BIDV Open API có 15 gói Public API để các nhà lập trình trải nghiệm trên môi trường thử nghiệm Sandbox, hỗ trợ các bên thứ ba nghiên cứu và phát triển các tính năng liên kết với ngân hàng như tra cứu thông tin mạng lưới - tỷ giá - lãi suất ngân hàng, các dịch vụ ngân hàng tích hợp cho khách hàng cá nhân, các dịch vụ ngân hàng tích hợp cho khách hàng doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, BIDV Open API kết nối với 56 ứng dụng tác nghiệp nội bộ, giúp cho các dịch vụ ngân hàng được xử lý một cách nhanh chóng, tự động, liền mạch.
BIDV Open API được thiết kế theo các chuẩn mực quốc tế, bảo mật nhiều lớp, có khả năng đáp ứng tải cao, tùy biến linh hoạt đáp ứng các giải pháp đa dạng trên môi trường thực tế.
Trong thời gian tới, BIDV sẽ tiếp tục mở rộng các gói API mới cho các dịch vụ tài trợ thương mại, bảo lãnh, tài trợ chuỗi cung ứng thông qua liên kết giữa các doanh nghiệp trung tâm và các nhà phân phối, nhà cung cấp.
Thông qua hệ thống BIDV Open API, kênh phân phối dịch vụ ngân hàng đã được mở rộng, hệ sinh thái tài chính được hình thành qua liên kết giữa ngân hàng và các đối tác mang đến nhiều tiện ích mới cho khách hàng như ứng dụng quản lý bán hàng cho tiểu thương, ứng dụng quản lý khách sạn, quản lý trường học, quản lý trong ngành logistics, bất động sản… được "nhúng" chức năng thu hộ và gạch nợ hóa đơn tự động, giúp đơn giản hóa việc quản lý doanh thu, gia tăng tiện ích cho cả người mua và người bán.
Ứng dụng ERP doanh nghiệp được "nhúng" các dịch vụ truy vấn số dư, chuyển tiền, thanh toán lương, thu chi hộ của ngân hàng, giúp việc ghi sổ, hạch toán kế toán của doanh nghiệp được xử lý nhanh chóng, tự động với các thông tin dữ liệu được hiển thị chi tiết, đồng bộ với dữ liệu ngân hàng, giúp doanh nghiệp tăng hiệu quả trong công tác theo dõi quản lý tài chính, dòng tiền và hỗ trợ ra quyết định kinh doanh.
Sau 5 tháng triển khai, đã có 90.000 lượt gọi API trên hệ thống, chúng tôi ước tính đến năm 2025, sẽ có khoảng hơn 500.000 khách hàng doanh nghiệp, 1 triệu khách hàng tiểu thương và hàng triệu khách hàng cá nhân sẽ được cung cấp các tiện ích từ hệ thống BIDV Open API.
Theo ông Long, với kinh nghiệm của BIDV, để hoạt động ngân hàng mở thực sự mang giá trị cho khách hàng và nền kinh tế không chỉ cần đầu tư vào hệ thống công nghệ mà các ngân hàng còn cần quan tâm chú trọng đến Quản trị dữ liệu, An toàn bảo mật trong quá trình lựa chọn đối tác và cung cấp hạ tầng cho giao dịch.
Ông Trần Long tin tưởng rằng với các chính sách của Chính phủ, định hướng của NHNN và sự phối hợp chặt chẽ của Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan và sự vào cuộc của các ngân hàng, hệ sinh thái tài chính số sẽ tiếp tục được mở rộng, mang đến các sản phẩm dịch vụ, tiện ích cho khách hàng, tiết kiệm chi phí, góp phần thúc đẩy nền kinh tế số phát triển mạnh mẽ.
Ông Trần Long - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), phụ trách hoạt động Khối Ngân hàng bán buôn. Ông là Tiến sĩ kinh tế, có hơn 25 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Tài chính - Ngân hàng. Với hiểu biết sâu rộng và kinh nghiệm phong phú trong lĩnh vực Tài chính - Ngân hàng cũng như xu hướng chuyển đổi số, ông đã có những đóng góp quan trọng thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số trong giao dịch tài chính ngân hàng cho khách hàng tổ chức, giúp doanh nghiệp tối ưu chi phí, gia tăng hiệu quả kinh doanh, hướng tới mục tiêu đưa BIDV trở thành ngân hàng có nền tảng số tốt nhất Việt Nam. |