TP Hồ Chí Minh: Cạnh tranh gay gắt mặt bằng bán lẻ
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2019 doanh thu bán lẻ hàng hóa cả nước đạt gần 162 tỷ USD, tương đương 3.751 tỷ đồng, chiếm 75,9% tổng mức và tăng 12,7% so với năm 2018. Như vậy, doanh thu bán lẻ hàng hóa cả nước đã tăng thêm gần 18,9 tỷ USD so với mức 143 tỷ USD của năm 2018. Trong đó, ngành hàng vật phẩm văn hoá, giáo dục tăng 14,4%; lương thực, thực phẩm tăng 13,2%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 11,3%; may mặc tăng 10,9%; phương tiện đi lại tăng 7,8%. Tiến sĩ Đinh Thị Mỹ Loan – chuyên gia kinh tế cho biết, ngành phân phối bán lẻ đóng góp gần 14% GDP, đứng thứ 3 trong các ngành kinh tế của Việt Nam, thu hút hơn 6 triệu lao động.
Còn theo Báo cáo tổng hợp về tình hình đầu tư khởi nghiệp tại Việt Nam của ESP Capital - quỹ đầu tư mạo hiểm vào startup hoạt động tại Việt Nam và Singapore, chỉ riêng trong nửa đầu năm 2019, các startup ngành bán lẻ đã kêu gọi được 89 triệu USD, tương đương gần 90% giá trị vốn đầu tư kêu gọi thành công toàn năm 2018. Ông Hong Sun - Tổng thư ký Phòng Thương mại Hàn Quốc tại Việt Nam cũng cho rằng, các nhà đầu tư nước ngoài bị thu hút vào thị trường Việt Nam bởi họ thấy được tiềm năng về một quy mô thị trường rất lớn và sự gia tăng nhanh chóng liên tục về mức tiêu thụ.
Các “đại gia bán lẻ” Việt Nam cũng nhanh chóng nhảy vào cuộc chơi này. Họ cần những mặt bằng lớn, vị trí đẹp để triển khai hoạt động của mình. Bà Phạm Ngọc Thiên Thanh - Quản lý cấp cao CBRE Việt Nam cho biết: “Đầu tư vào bất động sản bán lẻ, trong thời gian gần đây, trở nên sôi động hơn trong những năm vừa qua. Gần đây, Masan Group mua lại hệ thống VinCommerce từ Vingroup, 6 tháng sau khi Vingroup mua lại hệ thống Shop&Go và có kế hoạch mở rộng hơn quy mô tại thị trường Việt Nam”.
CBRE Việt Nam cho biết, doanh thu ngành hàng thời trang nhanh của Zara và H&M tại Việt Nam đã tăng mạnh mẽ trong 2-3 năm qua từ khi có mặt tại đây. Zara đã đạt doanh thu 321 tỷ đồng năm 2016, đến năm 2017 đã tăng lên 1.100 tỷ đồng, năm 2018 đạt gần 1.700 tỷ đồng. Sau 3 năm xuất hiện tại Việt Nam, doanh thu của thương hiệu thời trang này gấp 6 lần năm 2016. Lợi nhuận gộp tương ứng qua các năm là 139 tỷ đồng, 431 tỷ đồng và 631 tỷ đồng.
Theo bà Phạm Ngọc Thiên Thanh: “Những khách thuê chủ chốt ngành hàng thời trang thường là những tên tuổi quốc tế nổi tiếng và được giới trẻ săn đón và có thể tạo lượng khách ghé thăm/mua sắm đều đặn kể cả những ngày thường. Chính vì vậy, các chủ tòa nhà thường có những chương trình chia sẻ doanh thu và giá thuê ưu đãi cho những khách thuê chủ chốt này. Chúng tôi tin xu hướng này sẽ được nhân rộng hơn vì nó mang lại nhiều giá trị khác cho dự án thương mại bên cạnh doanh thu từ việc cho thuê đơn thuần. Một vài xu hướng khác đã được đề cập đến nhiều lần như tiêu dùng xanh, chú trọng sức khỏe, ăn uống, giải trí, cửa hàng phong cách… sẽ tiếp tục trong thời gian tới”.
Tính đến cuối năm 2019, TP.HCM đã có trên 1.050.000 m2 diện tích thực thuê, tăng 13,5% so với năm ngoái. Tuy diện tích nguồn cung mới không quá cao, thị trường bán lẻ TP.HCM vẫn rất sôi động với hai dự án mới và hai dự án hiện hữu mở rộng diện tích. Hai trung tâm thương mại mới được khai trương trong năm 2019 là Giga Mall tại Quận Thủ Đức và TNL Plaza tại Quận 4. Aeon Mall Tân Phú và Crescent Mall tại Quận 7 mở rộng với diện tích tăng thêm lần lượt là 36.000 m2 và 12.000 m2 NLA. Trung tâm Parkson Saigontourist Plaza sau hai quý đóng cửa để cải tạo cũng mở lại một phần diện tích và đón chào cửa hàng flagship đầu tiên của Uniqlo tại Việt Nam.
Tại khu trung tâm, tỷ lệ trống trong hai năm nay vẫn duy trì tại mức thấp dưới 4% và ở mức 1,6% cho đến thời điểm hiện nay, giảm 1,8 điểm phần trăm so với năm ngoái. Không có thêm dự án bán lẻ nào xuất hiện tại khu trung tâm từ khi dự án Saigon Center ra đời vào năm 2016. Sự thiếu hụt nguồn cung tiếp tục tạo điều kiện cho một số dự án tăng trưởng giá thuê từ 10-20% sau mỗi đợt ký lại hợp đồng thuê. Trung bình, giá thuê khu trung tâm tăng 5,8% so với năm ngoái và đạt mức 135,5 USD/m2/tháng.
Dự đoán đến năm 2030, hình thức bán lẻ quy mô lớn sẽ chiếm lĩnh thị trường, đặc biệt là mô hình trung tâm thương mại điểm đến và trung tâm thương mại chú trọng đến phong cách sống tại những dự án khu đô thị. Nhà phố thương mại trong khu vực trung tâm sẽ được nâng cấp để thay đổi diện mạo thu hút người mua. Khu Đô thị mới Thủ Thiêm sẽ trở thành một điểm giải trí và mua sắm mới của toàn Việt Nam.