TP.HCM: Đừng để cải cách hành chính chỉ… trên giấy!
NHNN tiếp tục xếp thứ hạng cao Chỉ số cải cách hành chính năm 2021 | |
Cải cách hành chính: Nền tảng cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ nền kinh tế | |
TP.Hồ Chí Minh: Đẩy mạnh cải cách hành chính |
Ông Phạm Phú Trường, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM cho rằng, thời gian qua, khi dịch bệnh diễn biến khó lường, bất ổn chuỗi cung ứng toàn cầu, lạm phát giá cả tăng, người tiêu dùng toàn cầu có thay đổi khó đoán về nhu cầu, hành vi tiêu dùng; tư duy về phương thức kinh doanh đang chuyển qua hướng số hóa, xanh sạch và bền vững… Tất cả những điều đó đã gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, vẫn còn trở lực từ tốc độ giải ngân chậm; cải cách hành chính chưa làm hài lòng người dân và doanh nghiệp; việc triển khai chiến lược số hóa chưa đạt kết quả như mong đợi; chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân đã ban hành nhưng triển khai vẫn còn chậm.
Chia sẻ thêm về những khó khăn cho doanh nghiệp, bà Hồ Thị Thu Uyên, Giám đốc Đối ngoại Intel Việt Nam kiêm Chi hội trưởng Chi hội doanh nghiệp Khu công nghệ cao TP.HCM (SBA) cho rằng, thủ tục hành chính kéo dài, phải qua nhiều quy trình, nhiều cơ quan khác nhau dẫn tới mất thời gian, làm tăng chi phí gián tiếp, gây suy giảm niềm tin của doanh nghiệp. Đặc biệt, việc điều chỉnh phê duyệt quy hoạch còn không ít bất cập đã gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp, dễ phát sinh tiêu cực.
Ảnh minh họa. |
Đại diện SBA cho rằng, các bước thẩm định phi kỹ thuật, mang nặng tính hành chính đã làm kéo dài thời hạn giải quyết thủ tục, dẫn tới những ảnh hưởng bất lợi lớn cho doanh nghiệp như: thời gian chờ đợi kéo dài, đội chi phí dự án và ảnh hưởng tới tiến độ thực hiện dự án.
Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp mong muốn, để TP.HCM tăng trưởng mạnh mẽ, cần tập trung vào các lĩnh vực có hàm lượng công nghệ cao, thể hiện tinh thần đổi mới sáng tạo. Muốn vậy, cần trang bị cho cộng đồng doanh nghiệp và các nhà làm chính sách những nền tảng và góc nhìn đồng thuận về kinh tế sáng tạo. Ngoài ra, cộng đồng doanh nghiệp cũng cần được tăng khả năng tiếp cận nguồn lực tài chính, đẩy mạnh việc huy động đầu tư từ xã hội để khai thác hiệu quả tài nguyên đất và không gian đô thị; rà soát những quỹ đất hiện có, xử lý tài sản nhà đất sử dụng không hiệu quả; thực hiện chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp sau dịch Covid-19; có chính sách hỗ trợ các ngành công nghiệp chủ lực của thành phố…
Theo bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực - Thực phẩm TP.HCM, thành phố rất cần có một bộ phận tiếp nhận ngay các ý kiến của các Hiệp hội khi phát sinh vấn đề; đồng thời tăng cường các buổi tiếp xúc với doanh nghiệp theo từng ngành nghề. Qua đó, trực tiếp lắng nghe và rà soát những quy trình thủ tục bất cập gây phiền hà cho doanh nghiệp và xác định những điểm nghẽn, cũng như tổng hợp, kiến nghị đến Trung ương những quy định không thuộc thẩm quyền giải quyết để sớm có biện pháp tháo gỡ. Theo bà Chi, thời gian qua, nhiều sáng kiến về cải cách hành chính đã được triển khai nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Do đó, cộng đồng doanh nghiệp rất mong thành phố siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh “Đây là yếu tố then chốt thúc đẩy sự phục hồi và phát triển của TP.HCM. Chỉ khi làm tốt và làm tốt hơn nữa thì mới tạo được bứt phá”, bà Chi nói.
Lắng nghe và chia sẻ ý kiến các doanh nghiệp, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, thành phố đang nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư để doanh nghiệp thuận lợi hơn trong hoạt động. Thành phố cũng tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm của các sở, ngành. Đặc biệt, để giải quyết nhanh chóng và kịp thời mọi vấn đề của doanh nghiệp, hiện tại UBND TP.HCM đang phối hợp với Văn phòng Chính phủ triển khai nền tảng số gồm 3 tiện ích: một là theo dõi phản ánh của người dân và doanh nghiệp; hai là điều hành kinh tế - xã hội; ba là theo dõi tiến độ giao việc của chủ tịch UBND TP.HCM cho các sở, ngành.
“Vào tháng 10 này, TP.HCM sẽ triển khai cổng dịch vụ công của thành phố. Các thủ tục dịch vụ công sẽ được giải quyết và thông tin ngay trên cổng này. Đây là cách tránh tiếp xúc trực tiếp nhằm hạn chế những tiêu cực và dễ dàng giám sát việc thực thi công việc” - ông Phan Văn Mãi nói.