TPHCM khẩn trương tìm cách tháo gỡ hồ sơ nhà đất tồn đọng
Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa có buổi làm việc phối hợp xử lý vướng mắc với UBND T. Hồ Chí Minh (TPHCM) về áp dụng bảng giá đất theo Luật Đất đai 2024 để thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ đối với việc hướng dẫn việc áp dụng bảng giá đất theo Luật Đất đai 2024 trên địa bàn. Cuộc họp có sự tham dự của lãnh đạo UBND TPHCM và đại diện Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, các Bộ, ngành liên quan, Sở Tài nguyên và Môi trường và Hiệp hội bất động sản TPHCM (HoREA).
Để hỗ trợ TPHCM và các địa phương triển khai thực hiện Luật Đất đai 2024, trong đó có việc hướng dẫn thực hiện Luật Đất đai 2024 quy định Bảng giá đất do Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh ban hành theo quy định của Luật Đất đai số 45/2013/QH13 được tiếp tục áp dụng đến hết ngày 31/12/2025. Trường hợp cần thiết Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định điều chỉnh bảng giá đất theo quy định của Luật này cho phù hợp với tình hình thực tế về giá đất tại địa phương.
Tại cuộc họp, Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM đã kịp thời có Kết luận về việc xây dựng Bảng giá đất điều chỉnh để áp dụng trên địa bàn Thành phố từ nay đến ngày 31/12/2025 là rất cần thiết, cấp bách và việc xây dựng Bảng giá đất điều chỉnh phải tuân thủ quy định về trình tự, thủ tục xây dựng bảng giá đất của Luật Đất đai 2024 và Nghị định số 71/2024/NĐ-CP để xây dựng các mức giá đất theo khu vực, vị trí cho phù hợp với tình hình thực tế về giá đất tại địa phương.
Trên cơ sở đánh giá tác động của Dự thảo Bảng giá đất điều chỉnh đối với đối tượng chịu tác động và tiếp thu, giải trình đầy đủ các ý kiến góp ý, nhất là các đối tượng chịu tác động để đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân, doanh nghiệp và Nhà nước đại diện cho lợi ích công cộng.
Nhất là, việc ban hành Bảng giá đất điều chỉnh không làm ảnh hưởng tới người dân, doanh nghiệp. Do vậy, theo quy định của Luật Đất đai 2024 TPHCM có đầy đủ thẩm quyền và trách nhiệm xây dựng Bảng giá đất điều chỉnh để áp dụng trên địa bàn thành phố.
Chính vì vậy theo HoREA, TPHCM cần rất khẩn trương xây dựng và ban hành Bảng giá đất điều chỉnh để áp dụng cho 11 trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 159 Luật Đất đai 2024 góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội. Đồng thời, Thanh phố cũng kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương tổng hợp các ý kiến của cuộc họp, tiếp thu và báo cáo Thủ tướng Chính phủ để xem xét, chỉ đạo.
Nhiều hồ sơ, giấy tờ nhà đất tồn đọng chưa được giải quyết |
Trước đó, tại TPHCM diễn ra tình trạng 8.808 hồ sơ thuế tồn đọng, chưa được giải quyết thủ tục giấy tờ, phát sinh từ ngày 01/08/2024 cho đến thời điểm hiện tại trên địa bàn gây ảnh hưởng, tác động lớn đến thị trường và tâm lý người dân.
Trong đó, bao gồm 5,448 hồ sơ thuế thu nhập cá nhân do chuyển nhượng bất động sản và 2.737 hồ sơ thuộc các trường hợp không phát sinh nghĩa vụ tài chính với Nhà nước (thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng bất động sản, lệ phí trước bạ…) và 346 hồ sơ thu tiền sử dụng đất khi công nhận quyền sử dụng đất và 277 hồ sơ thu tiền sử dụng đất khi chuyển mục đích sử dụng đất thì cơ quan Thuế thực hiện đúng nguyên tắc áp dụng pháp luật là hồ sơ nhận tại thời điểm nào thì áp dụng quy định pháp luật có hiệu lực tại thời điểm đó để xem xét, giải quyết.