TP.HCM: Quyết “quản” được các doanh nghiệp hóa chất vi phạm
Theo thống kê của Sở Công thương TP.HCM, trên địa bàn thành phố có nhiều cơ sở hoạt động sản xuất, kinh doanh sử dụng nguyên liệu đầu vào là hóa chất các loại thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau (công nghiệp, y tế, nông nghiệp, tiêu dùng...), đồng thời số lượng cơ sở này có sự biến động thường xuyên trong quá trình hoạt động cũng như thành lập mới.
Tính đến quý I/2020, trên địa bàn TP.HCM có thêm 150 đơn vị được Sở Công thương TP.HCM thẩm định các điều kiện an toàn và cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hóa chất thuộc hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực công nghiệp. Đồng thời, tiếp tục thực hiện chủ trương của thành phố với định hướng không đặt các kho hóa chất nguy hiểm xen cài trong khu dân cư, nơi tập trung đông người, Sở Công thương TP.HCM đã hướng dẫn doanh nghiệp và rà soát chặt chẽ các điều kiện hoạt động an toàn trong công tác thẩm định, kiểm tra. Hiện nay, phần lớn các cơ sở kinh doanh hóa chất đăng ký hoạt động theo hình thức kinh doanh không có kho chứa trên địa bàn TP.HCM và thuê kho, sử dụng kho của các đơn vị khác trên địa bàn tỉnh, thành khác, đáp ứng đủ điều kiện theo quy định hoặc chủ trương di dời, đăng ký đầu tư tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố.
Tuy nhiên, trong lĩnh vực kinh doanh này, thì khu chợ Kim Biên (quận 5) được xem là “quả bom” hóa chất ở giữa khu dân cư; Sở cũng thống kê tại đây có hơn 70 cơ sở kinh doanh hóa chất công nghiệp và 25 cơ sở kinh doanh hương liệu, phụ gia thực phẩm. Như vậy, số lượng cửa hàng kinh doanh hóa chất công nghiệp đã tăng vọt so với 5 năm trước, dù “quả bom” này đã có lệnh tháo gỡ.
Ảnh minh họa |
Tính đến hết năm 2019, Sở Công thương TP.HCM đã kiểm tra, phát hiện được 53 vụ vi phạm trong kinh doanh hóa chất, hương liệu, lập biên bản xử phạt hành chính với tổng số tiền phạt gần 850 triệu đồng. Các hành vi vi phạm phổ biến thường là nhân viên tham gia hoạt động kinh doanh tại cơ sở chưa được tập huấn đầy đủ về nghiệp vụ, kỹ thuật an toàn hóa chất. Một số đơn vị chưa thực hiện đầy đủ việc báo cáo định kỳ về tình hình hoạt động kinh doanh hóa chất. Thậm chí, một số đơn vị kinh doanh hóa chất thuộc Danh mục có điều kiện hoặc Danh mục hạn chế kinh doanh nhưng chưa được cấp Giấy chứng nhận. Có đơn vị kinh doanh không đúng địa điểm kinh doanh đã được cấp đăng ký hoặc kinh doanh hóa chất ngoài danh mục đã được Sở Công thương cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh.
Để thực hiện công tác quản lý an toàn hóa chất trong lĩnh vực công nghiệp trên địa bàn, đồng thời tạo điều kiện, hỗ trợ cho các doanh nghiệp hoạt động theo đúng quy định, ông Nguyễn Phương Đông, Phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM kiến nghị Bộ Công thương sớm ban hành quy định cụ thể về tiêu chí kỹ thuật xác định khoảng cách an toàn từ cơ sở tồn chứa hóa chất nguy hiểm đến khu dân cư làm cơ sở xác định, khoanh vùng các cơ sở hoạt động hóa chất trên địa bàn thành phố bắt buộc phải di dời. Xây dựng, chia sẻ cơ sở dữ liệu về các cơ sở hoạt động sản xuất, kinh doanh hóa chất; hỗ trợ việc tìm kiếm, tra cứu thông tin xác nhận các cơ sở có sản xuất, kinh doanh hóa chất hạn chế (do Bộ Công thương cấp giấy phép), các cơ sở được phê duyệt Kế hoạch phòng ngừa ứng phó sự cố hóa chất nhằm tạo thuận lợi cho các địa phương trong quá trình quản lý nhà nước về lĩnh vực hóa chất...
Về phía quản lý địa phương, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến chỉ đạo UBND Quận 5 tập trung tăng cường kiểm tra cơ sở kinh doanh hương liệu, hóa chất khu vực bên trong và các tuyến đường xung quanh khu vực chợ Kim Biên, xử lý nghiêm các trường hợp đăng ký văn phòng giao dịch không tồn chứa nhưng có hoạt động lưu giữ hoặc san chiết các loại hóa chất độc hại, nguy hiểm. UBND Quận 5 và các quận huyện phải phối hợp rà soát, thống kê các cơ sở tồn chứa, sử dụng hóa chất độc hại, nguy hiểm trên địa bàn quản lý theo hướng dẫn của Sở Công thương.
“Giám đốc Sở Công thương phải chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan tổng kiểm tra tất cả các cơ sở kinh doanh hương liệu hóa chất trên địa bàn thành phố; Rà soát, tổng hợp danh sách các cơ sở tồn chứa, sử dụng hóa chất độc hại, nguy hiểm lĩnh vực công nghiệp, đặc biệt là các cơ sở hoạt động có kho chứa xen cài trong khu dân cư, chuyển Sở Tài nguyên và Môi trường xem xét đưa vào danh sách yêu cầu di dời; Tăng cường kiểm tra đột xuất các cơ sở kinh doanh hóa chất lĩnh vực công nghiệp trên địa bàn thành phố; Chuyển cơ quan điều tra các trường hợp cố tình vi phạm quy định về an toàn phòng chống cháy nổ”, ông Tuyến chỉ đạo.
TP.HCM đã lập Dự án xây dựng Trung tâm kinh doanh hương liệu, hóa chất (gần 11 ha trên địa bàn quận 8) với vốn đầu tư hơn 1.350 tỷ đồng, để đưa các cơ sở kinh doanh kho chứa hóa chất gây mất an toàn trên địa bàn thành phố nói chung và chợ hóa chất Kim Biên nói riêng vào quản lý tập trung, kiểm soát chặt chẽ và hiệu quả hơn. Tuy nhiên đến cuối năm 2017 mới xác định được chủ đầu tư dự án này và thời gian để hoàn tất dự án đưa vào hoạt động dự trù đến 5 năm. Ngành sản xuất hóa chất chiếm tỷ trọng 40,39% trong ngành hóa chất - nhựa - cao su và chiếm 5,78% toàn ngành công nghiệp. Tuy nhiên, TP.HCM xác định đây ngành sản xuất có tốc độ tăng trưởng khá thấp đồng thời cũng là ngành có khả năng gây ô nhiễm môi trường nên xu hướng dịch chuyển về các tỉnh lân cận. |