Tránh sập bẫy lừa đảo xuất khẩu lao động
Thời gian qua, cùng với việc mở cửa thị trường xuất khẩu lao động, nhu cầu đi lao động ở nước ngoài cũng tăng cao. Lợi dụng tình hình đó, nhiều đối tượng đã lợi dụng để lừa đảo.
Ngày 2/11/2022, Công an huyện Thanh Trì (Hà Nội) đã khởi tố bị can, bắt tạm giam Lê Quý Cường về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Cường là cựu sinh viên du học tại Hàn Quốc. Sau khi trở về nước, Cường đã lên mạng xã hội lập tài khoản Facebook “Cường Lê”, đăng tải thông tin tuyển dụng đi xuất khẩu lao động theo diện “bảo lãnh của những phụ nữ Việt Nam lấy chồng ở Hàn Quốc”. Nhiều người đã tin tưởng chuyển cho đối tượng 1.500 USD đặt cọc, làm hồ sơ. Tuy nhiên, thời gian dài sau đó, Cường không thực hiện đưa họ đi xuất khẩu lao động như đã hứa hẹn.
Theo cơ quan công an, ngoài các nạn nhân ở Hà Nội, còn một số người ở Bắc Giang, Hưng Yên, Quảng Bình, Thanh Hóa, Vĩnh Phúc, Đồng Nai... cũng bị Cường lừa đảo như vậy. Hiện vụ án đang tiếp tục được làm rõ.
Người lao động nếu muốn đi xuất khẩu lao động thì nên đến các trung tâm giới thiệu việc làm tin cậy để được đào tạo, đưa đi làm hợp pháp. |
Trước đó, tháng 10/2022, Công an tỉnh Hải Dương cũng đã ra quyết định khởi tố bị can và bắt tạm giam Quản Trọng Long (38 tuổi, trú tại P. Quang Trung, TP. Hải Dương) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Theo đó, với chiêu trò có khả năng đưa người đi xuất khẩu lao động, từ năm 2019 đến nay, bị can đã lừa đảo chiếm đoạt của 17 bị hại với tổng số tiền gần 1,2 tỷ đồng. Bị hại gần đây nhất của Long là chị Vũ Thị Huyền (46 tuổi, trú tại huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định). Tháng 6/2022, Long đã lừa đảo chiếm đoạt của chị này 145 triệu đồng.
Thời gian qua, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Đức Thọ cũng khởi tố vụ án, khởi tố bị can Nguyễn Thị Hồng Nhung (36 tuổi, trú xã Tân Dân) để điều tra hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đối tượng Nhung lừa đảo tiền đặt cọc của các khách hàng có nhu cầu đi xuất khẩu lao động để chiếm đoạt số tiền gần 2 tỷ đồng...
Có thể thấy, tình trạng lợi dụng xuất khẩu lao động để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản diễn ra tại nhiều tỉnh thành trên cả nước. Mới đây, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) đã có công văn cảnh báo việc lợi dụng chính sách tiếp nhận lao động thị thực E7 của Hàn Quốc để lừa đảo.
Theo đó, Cục này đã nhận được nhiều phản ánh về việc một số cá nhân, tổ chức không có chức năng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài nhưng quảng cáo, mời chào người lao động nộp tiền tham gia các khóa học nghề và thi tuyển để đi làm việc tại Hàn Quốc theo thị thực E7.
Đại diện Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, vừa qua, Chính phủ Hàn Quốc mở rộng chính sách tiếp nhận lao động nước ngoài sang làm việc trong các ngành nghề kỹ thuật (thị thực E7), trong đó có lao động lĩnh vực đóng tàu (thợ hàn, thợ sơn, thợ điện…) theo hướng tăng chỉ tiêu tiếp nhận và giảm yêu cầu về trình độ chuyên môn, kinh nghiệm làm việc.
Lợi dụng chính sách này, nhiều đối tượng đã tổ chức lừa đảo những người có nhu cầu. Cục Quản lý lao động ngoài nước đề nghị người lao động cảnh giác với các thông tin mời chào, lừa đảo nêu trên. Người lao động có nhu cầu đi làm việc tại Hàn Quốc trong các ngành nghề kỹ thuật thị thực E7 (công nghệ, cơ khí, điện, điện tử, hàn…) cần liên hệ trực tiếp với các doanh nghiệp có giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; Các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng chỉ được tổ chức sơ tuyển, tuyển chọn lao động sau khi được Cục Quản lý lao động ngoài nước chấp thuận việc chuẩn bị nguồn lao động hoặc đăng ký hợp đồng cung ứng lao động.
Hiện nay, những thông tin quảng cáo về xuất khẩu lao động tràn lan trên các trang mạng xã hội. Nhiều người dân mong muốn đi làm việc ở nước ngoài không nắm rõ thông tin dễ bị rơi vào "bẫy" lừa đảo với nhiều hình thức, thủ đoạn khác nhau.
Đại diện Cục Quản lý lao động ngoài nước cho hay, tình trạng lừa đảo thường diễn ra ở những thị trường có thu nhập cao như Nhật Bản, Hàn Quốc, một số quốc gia châu Âu… Phương thức chủ yếu là đưa ra các thông tin gian dối, không đúng sự thật như sử dụng danh nghĩa đại diện pháp nhân thương mại của công ty ở nước ngoài hoặc một số công ty môi giới, xuất khẩu lao động ở Việt Nam; lợi dụng sự thiếu hiểu biết thông tin, cũng như tâm lý chi phí giá rẻ để ký hợp đồng, chiếm đoạt tiền của người lao động.
Nhiều tổ chức, cá nhân không có chức năng hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài nhưng đã lập thành công ty, có văn phòng và đội ngũ nhân viên như các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, tổ chức quảng cáo trên mạng xã hội như facebook, zalo…
Để ngăn chặn tình trạng lừa đảo xuất khẩu lao động, thời gian qua các cơ quan chức năng đã tiến hành điều tra, xử lý nhiều đối tượng lừa đảo. Đồng thời, phối hợp với cơ quan công an các tỉnh thành tuyên truyền cảnh báo đến người dân về tình trạng lừa đảo xuất khẩu lao động. Chính vì vậy, người lao động nếu muốn hợp tác xuất khẩu lao động thì nên đến các trung tâm giới thiệu việc làm tin cậy để được đào tạo, đưa đi làm hợp pháp. Đồng thời, tìm hiểu thật kỹ về địa điểm, công việc nơi chuẩn bị đến làm việc, tìm hiểu về thân nhân, lai lịch của người giới thiệu việc làm.
Người dân cũng cần tham khảo ý kiến của người thân trước khi xuất khẩu lao động; không nghe lời bạn bè, người quen đi qua biên giới tìm việc, kể cả khi đi bằng con đường chính ngạch. Đặc biệt, phải hết sức cảnh giác những lời hứa hẹn “việc nhẹ, lương cao”. Trường hợp phát hiện doanh nghiệp, cá nhân có dấu hiệu lừa đảo xuất khẩu lao động, người dân cần kịp thời thông báo cho cơ quan công an gần nhất để phối hợp xử lý.