![]() |
Tín dụng dẫn vốn hiệu quả cho nền kinh tế |
![]() |
TS. Nguyễn Hữu Huân |
TS. Nguyễn Hữu Huân - Trưởng bộ môn Tài chính, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh nhận định như vậy khi trả lời phỏng vấn Thời báo Ngân hàng.
Các nhà băng đang tích cực thúc đẩy tín dụng thông qua các gói tín dụng ưu đãi, ông đánh giá như thế nào về điều này?
Vừa qua, NHNN quyết định điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng định hướng năm 2022 thêm khoảng 1,5 - 2% cho toàn hệ thống các TCTD. Như vậy, tăng trưởng tín dụng năm nay sẽ vào khoảng 15,5 - 16% so với cuối năm 2021, nâng tổng hạn mức tín dụng cho tháng 12 vào khoảng 400.000 tỷ đồng.
Có thể thấy, thanh khoản trong hệ thống đã bớt căng thẳng trong thời gian gần đây chủ yếu nhờ các nghiệp vụ thị trường mở được điều tiết linh hoạt, NHNN liên tục bơm tiền qua kênh OMO giúp cho lãi suất liên ngân hàng giảm mạnh. Qua đó, tạo điều kiện cho các NHTM có thêm nguồn vốn giá hợp lý để tiếp tục mở rộng cho vay. Chỉ còn ít ngày nữa là kết thúc năm 2022, nên các nhà băng cũng tích cực tận dụng room của năm nay.
Động thái này của các TCTD có ý nghĩa rất lớn trong bối cảnh người dân, doanh nghiệp đang chạy nước rút đơn hàng cuối năm. Đặc biệt, nhiều ngân hàng đã tung ra chương trình cho vay với lãi suất ưu đãi. Theo tôi được biết, đến nay, đã có 16 ngân hàng cam kết giảm lãi suất cho vay với số tiền khoảng 3.500 tỷ đồng, với mức lãi suất giảm từ 0,5-3%/năm. Điều này sẽ góp phần hỗ trợ doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí vốn vay, có dòng tiền phục vụ cho sản xuất, kinh doanh.
Vậy theo ông, diễn biến của lãi suất trong thời gian tới thế nào?
Cần nhìn nhận rằng, tình hình huy động vốn từ dân cư hiện giờ đang rất khó khăn. Vừa qua, Hiệp hội Ngân hàng đã kêu gọi các TCTD thống nhất áp dụng mức lãi suất huy động tối đa là 9,5%/năm, bao gồm cả các khoản khuyến mại cộng tặng kèm khi gửi tiết kiệm. Việc làm này sẽ ngăn chặn tình trạng cạnh tranh lãi suất huy động giữa các TCTD, qua đó giúp các TCTD có điều kiện để giảm mặt bằng lãi suất cho vay, phấn đấu giảm từ 0,5-2%/năm.
Tuy nhiên, có thể thấy, tình hình thanh khoản trong hệ thống có dịu bớt nhưng vẫn có sự khác biệt giữa các ngân hàng. Hiện đang có tình trạng khách hàng ở ngân hàng nhỏ chuyển sang gửi tiền ở ngân hàng lớn để đảm bảo an toàn sau một số biến cố. Vì vậy, ngân hàng nhỏ sẽ gặp khó khăn hơn trong huy động vốn nên buộc phải giữ lãi suất huy động ở mức cao hơn để hút khách. Do đó lãi suất ưu đãi đang chủ yếu đến từ ngân hàng lớn. NHNN có thể xem xét hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng nhỏ.
Một vấn đề khác, trong khi Fed vẫn đưa ra tín hiệu sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong năm 2023, lãi suất sẽ không thể giảm nhanh được. Theo tôi, mặt bằng lãi suất duy trì ở mức hiện nay đã là một thành công, một cố gắng rất lớn của hệ thống ngân hàng.
Liệu ngân hàng có thể “nương tay” khi cho vay để xài hết room tín dụng không thưa ông?
Tôi nghĩ là không nên. Các NHTM vẫn phải lấy chất lượng tín dụng làm đầu. Theo đó các ngân hàng cần phải thẩm định kỹ khả năng trả nợ của khách hàng chứ không hẳn là tài sản đảm bảo. Tài sản đảm bảo hiện không có ý nghĩa nhiều vì thị trường bất động sản đang đóng băng; và cho dù có tài sản đảm bảo thì khâu xử lý tài sản để thu hồi nợ xấu cũng rất khó khăn.
Trong quá trình tiếp xúc với doanh nghiệp, tôi được chia sẻ rằng họ luôn có nhu cầu tiếp cận tín dụng nhưng vẫn khá khó khăn vì “sức khoẻ” của doanh nghiệp đã bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, chi phí hoạt động tăng nhưng đầu ra khó khăn hơn trong khi nhiều DN chưa hoàn toàn hồi phục sau đại dịch. Điều này cũng khó cho ngân hàng vì họ không thể hạ chuẩn điều kiện vay.
Để cung - cầu tín dụng gặp nhau, chất lượng khoản vay phải đảm bảo, doanh nghiệp cần chủ động nâng cao chất lượng hoạt động. Bên cạnh đó, Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh triển khai chương trình hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, khai thông gói hỗ trợ lãi suất tín dụng 2%. NHNN đã nới room tín dụng, Bộ Tài chính cũng cần ban hành các chính sách mới liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp, đảm bảo mục tiêu kép trong phát triển kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô.
Xin cảm ơn ông!
Quỳnh Trang thực hiện
Nguồn: