Tỷ giá sáng 22/9: Tỷ giá trung tâm tăng trở lại
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 21/9 | |
Tỷ giá sáng 21/9: Tỷ giá trung tâm đi ngang |
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) sáng nay niêm yết tỷ giá trung tâm ở 23.316 đồng, tăng 15 đồng so với phiên trước. Như vậy, tỷ giá trung tâm đã tăng trở lại sau phiên đi ngang.
Sáng nay, Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vẫn giữ nguyên giá mua - bán USD. Hiện, giá bán ra đang ở 23.700 đồng/USD; giá mua vào vẫn tạm để trống.
Trong khi đó, giá mua - bán bạc xanh tại các ngân hàng không đổi so với cuối phiên trước nhưng đã tăng so với sáng qua.
Cụ thể, tính đến 9h sáng nay, giá mua thấp nhất đang ở mức 23.515 VND/USD, giá mua cao nhất đang ở mức 23.600 VND/USD. Trong khi đó ở chiều bán ra, giá bán thấp nhất đang ở 23.820 VND/USD, giá bán cao nhất đang ở 23.950 VND/USD.
Chỉ số đô la Mỹ (DXY), đo lường biến động của bạc xanh so với 6 đồng tiền chủ chốt, cập nhật đến đầu giờ sáng nay theo giờ Việt Nam ở mức 111,665 điểm, tăng 0,314 điểm (+0,28%) so với thời điểm mở cửa.
Bạc xanh tăng lên mức cao nhất trong hai thập kỷ so với các đồng tiền chủ chốt khác trong khi chứng khoán giảm, sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất và dự báo sẽ có nhiều đợt tăng hơn so với dự kiến của các nhà đầu tư.
Euro sáng nay giảm 0,2% xuống mức thấp nhất 20 năm so với bạc xanh ở 0,9817 USD, sau khi Nga ra lệnh huy động quân dự bị trong cuộc xung đột leo thang ở Ukraine.
Trong khi đó, bảng Anh sáng nay giảm 0,37% xuống 1,1228 USD, chạm mức thấp nhất trong vòng 37 năm.
Hôm qua, Fed đã tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản, lần tăng thứ ba liên tiếp ở mức này, để nâng lãi suất chính sách lên 3-3,25%.
Thông tin từ cuộc họp, các quan chức Fed cho biết trong thời gian tới, lãi suất sẽ cao hơn nữa và đi kèm là tốc độ tăng trưởng kinh tế kém đi, đồng thời dự báo lãi suất sẽ đạt đỉnh khoảng 4,4% vào cuối năm nay - cao hơn dự báo của thị trường và cao hơn 100 điểm cơ bản so với dự tính của Fed đưa ra cách đây ba tháng.
“Fed sẽ không sớm dừng lại (việc tăng lãi suất) và khoảng thời gian thắt chặt chính sách tiền tệ sẽ kéo dài ít nhất là sang năm tới hoặc lâu hơn”, Sally Auld, Giám đốc đầu tư của JB Were tại Sydney nói và đặt câu hỏi: Bạn nên mua gì khác ngoại trừ đô la Mỹ vào lúc này, khi triển vọng tăng trưởng kinh tế không tươi sáng ở châu Âu, Anh và Trung Quốc trong khi yên Nhật giảm do Nhật Bản giữ lãi suất ở mức thấp?
Lợi suất trái phiếu Mỹ đã tăng trở lại khi các nhà đầu tư đánh giá cơ hội "hạ cánh mềm" đối với nền kinh tế Mỹ là khó khăn và chuẩn bị cho các rủi ro khi tăng trưởng thấp trong dài hạn.
Lợi suất trái phiếu Mỹ kỳ hạn 2 năm đã tăng lên 4,0848%, trong khi lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm giảm nhẹ xuống 3,5120%.
Chủ tịch Fed Jerome Powell nói với các phóng viên sau cuộc họp về chính sách tiền tệ rằng: “Cơ hội hạ cánh mềm có khả năng giảm khi chính sách tiền tệ vẫn cần phải thắt chặt hơn hoặc kéo dài việc thắt chặt hơn".
Các cuộc họp của ngân hàng trung ương Nhật Bản, Philippines, Indonesia, Anh và Na Uy... sẽ diễn ra vào cuối ngày hôm nay với dự kiến lãi suất sẽ đồng loạt tăng, trừ Nhật Bản.
Nhật Bản trong tuần này tiếp tục cam kết duy trì chính sách tiền tệ "cực kỳ" ôn hòa bằng cách chi hơn 2 nghìn tỷ yên (13,8 tỷ USD) trong hai ngày qua để giữ mức trần 0,25% đối với lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản kỳ hạn 10 năm.
Tuy nhiên, ngay cả khi không có thay đổi chính sách nào xảy ra, thị trường vẫn sẽ theo dõi chặt chẽ quan điểm của Thống đốc Haruhiko Kuroda về sự "trượt dốc" của đồng yên Nhật, bởi nếu nó tiếp tục giảm sẽ có thể dẫn đến những thay đổi trong chính sách điều hành.
Sáng nay, yên Nhật giảm 0,19% so với đô la Mỹ, xuống mức thấp nhất 24 năm ở 144,34 JPY/USD. Đồng tiền này đã giảm khoảng 20% so với bạc xanh kể từ đầu năm đến nay.
“Chúng tôi cho rằng tỷ giá USD/JPY có thể sẽ chạm mức 147 trong những tháng tới”, chiến lược gia Jane Foley của Rabobank nói.
Đồng đô la Úc và New Zealand trong sáng nay đã chạm mức thấp nhất kể từ giữa năm 2020, với đô la Úc giảm 0,59% so với mở cửa xuống 0,6591 USD và đô la New Zealand giảm 0,55% xuống 0,5820 USD.