Ứng dụng Blockchain: Còn nhiều thách thức
Dòng tiền đổ vào công nghệ chuỗi khối | |
Ứng dụng công nghệ Blockchain: Không thể vội vàng | |
Khuôn khổ pháp lý hoàn thiện là chìa khóa quan trọng ứng dụng blockchain |
Chia sẻ tại Hội thảo “Cơ hội, thách thức ứng dụng Blockchain vào vận hành trong ngành tài chính - ngân hàng” do Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) vừa tổ chức, TS. Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký VNBA cho biết, với đặc tính phi tập trung, Blockchain (chuỗi khối) đã giải quyết được nhiều vấn đề nan giải. Nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam đã nhận ra tiềm năng của công nghệ Blockchain và tìm cách áp dụng vào các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, vận tải, logistics, y tế, giáo dục...
Ảnh minh họa. |
Theo Vụ Thanh toán, NHNN, số lượng các doanh nghiệp Fintech tham gia cung ứng dịch vụ trên thị trường Việt Nam hiện nay đã tăng từ 40 doanh nghiệp tại thời điểm năm 2016 lên hơn 150 doanh nghiệp, trải rộng trên nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó, doanh nghiệp Bitcoin/Blockchain chiếm 7,895%.
Ở góc độ các ngân hàng, BIDV là ngân hàng nội tiên phong ứng dụng Blockchain trong tài trợ thương mại, trở thành ngân hàng Việt Nam đầu tiên ứng dụng thành công công nghệ Blockchain trong giao dịch phát hành thư tín dụng tới một ngân hàng thông báo ngoài hệ thống. MB, VPBank, Vietcombank... đã công bố ứng dụng Blockchain trong giao dịch tài chính.
Ngoài ra, Blockchain cũng đang được một số doanh nghiệp trong lĩnh vực khác ứng dụng như Viettel ứng dụng vào hồ sơ bệnh án điện tử; Misa phát triển hóa đơn điện tử; Masan Group, AIA... ứng dụng thành công Blockchain vào kinh doanh.
Nhận định tiềm năng phát triển của hệ sinh thái Blockchain là rất lớn, nhưng theo đánh giá của TS. Nguyễn Quốc Hùng, việc phát triển ở Việt Nam đang gặp nhiều thách thức do Việt Nam không có nhiều chuyên gia về Blockchain, mức độ am hiểu của người dân về công nghệ này rất hạn chế, cơ sở hạ tầng chưa đảm bảo. Và đến hiện tại vẫn chưa có bất kỳ một hành lang pháp lý cụ thể nào cho công nghệ này.
Chia sẻ cụ thể hơn, bà Vũ Thị Hồng Nhung - Phó Trưởng phòng Chính sách Sản phẩm Bán buôn, Vietcombank cho biết, ứng dụng Blockchain mang đến nhiều ưu điểm vượt trội về minh bạch, bảo mật, tốc độ và chi phí.
Tuy nhiên, trong quá trình vận hành công nghệ này, Vietcombank cũng gặp nhiều thách thức. Đó là việc triển khai công nghệ Blockchain tại các NHTM vẫn mang tính chất thí điểm. Việt Nam chưa có khung pháp lý hoàn chỉnh cho các sản phẩm và dịch vụ ngân hàng ứng dụng công nghệ Blockchain nhằm bảo vệ quyền lợi của các bên tham gia giao dịch, hạn chế những rủi ro, tranh chấp phát sinh trong quá trình vận hành.
Bên cạnh đó, theo bà Nhung chi phí nghiên cứu, đầu tư hạ tầng cao, cùng với yêu cầu tích hợp, chuyển đổi đồng bộ với các hệ thống, cơ sở hạ tầng khác đòi hỏi yêu cầu thời gian chỉnh sửa hệ thống và tối ưu chi phí để đảm bảo hiệu quả hoạt động kinh doanh và tính bảo mật, an toàn thông tin. Các nền tảng Blockchain yêu cầu ngân hàng, khách hàng của ngân hàng trả phí dịch vụ khiến việc mở rộng danh mục khách hàng và hiệu suất sử dụng dịch vụ trên nền tảng Blockchain gặp nhiều thách thức.
Về tính pháp lý của blockchain, ông Vũ Công Hùng - đại diện Cục CNTT thông tin thêm, dự thảo gần nhất của Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) vẫn chưa có các tiêu chuẩn kỹ thuật về các hệ thống chữ ký điện tử dùng riêng. Điều này khiến việc đăng ký để công nhận giá trị pháp lý của các hợp đồng, giao dịch điện tử trong một hệ thống Blockchain là rất khó khăn.
Bên cạnh những mặt tích cực, thị trường Blockchain Việt Nam cũng đang xảy ra các sự vụ tiêu cực, ảnh hưởng to lớn đến lòng tin của dư luận đối với lĩnh vực công nghệ này như những người nổi tiếng sẵn sàng vì tư lợi mà quảng cáo cho những đồng tiền điện tử nhiều rủi ro hay những vụ lừa đảo, dụ dỗ những người thiếu hiểu biết tham gia vào sàn tiền ảo…
Do đó, để thị trường công nghệ Blockchain phát triển đúng hướng, lành mạnh, phát huy được tiềm năng, TS. Nguyễn Quốc Hùng nhấn mạnh cần nâng cao nhận thức, bổ sung các cơ chế, chính sách, thúc đẩy và nâng cao năng lực của các doanh nghiệp công nghệ, phát triển cơ sở hạ tầng, cũng như chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao.
Còn ông Tống Văn Tiến - đại diện TPBank cho biết, ngân hàng cần cơ thế thử nghiệm (sandbox) để ứng dụng và phát triển công nghệ Blockchain, nhưng cơ chế này vẫn còn nhiều vướng mắc. Vì vậy, đại diện ngân hàng kiến nghị cơ quan quản lý tham khảo các ngân hàng trong khu vực, tư vấn quốc tế để xây dựng hành lang pháp lý ổn định trong dài hạn.
Từ kinh nghiệm triển khai thực tiễn, ông Phan Đức Trung - Phó Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam đề xuất một số giải pháp như, xây dựng mô hình ngân hàng lấy dịch vụ truyền thống làm trung tâm nhưng chia sẻ đa nền tảng dịch vụ khác với doanh nghiệp dựa trên cấu trúc Enterprise Blockchain; ứng dụng các lợi thế của Blockchain với các bài toán thúc đẩy hệ sinh thái Fintech tạo ra một hệ sinh thái bao quanh lõi ngân hàng…
Có thể nói, công nghệ Blockchain vẫn đang trong giai đoạn đầu, nên hạn chế trong ứng dụng thực tế là khó tránh khỏi. Nhưng những thay đổi tích cực mà công nghệ này mang lại là không thể phủ nhận, đòi hỏi Việt Nam phải nỗ lực và quan tâm hơn nữa trong công cuộc phát triển công nghệ Blockchain.
Trong thời gian tới, TS. Nguyễn Quốc Hùng cho biết, VNBA cũng như Hiệp hội Blockchain sẽ cùng tổng hợp, nghiên cứu những ý kiến đưa ra trong buổi hội thảo hôm nay để đưa ra những đề xuất, kiến nghị nhằm hoàn thiện khung khổ pháp lý, gần nhất là Luật Phòng, chống rửa tiền và Luật Giao dịch điện tử.
“Đây là một giải pháp công nghệ mới mẻ nên cần đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông quảng bá”, TS. Nguyễn Quốc Hùng lưu ý thêm.