Dòng tiền đổ vào công nghệ chuỗi khối
Ứng dụng công nghệ Blockchain: Không thể vội vàng | |
Để ứng dụng thành công blockchain | |
Khuôn khổ pháp lý hoàn thiện là chìa khóa quan trọng ứng dụng blockchain |
Khởi nghiệp blockchain hút vốn
Quỹ đầu tư mạo hiểm Mistletoe tháng 8/2022 đầu tư vào Hectagon - một công ty khởi nghiệp mới nổi trong lĩnh vực blockchain tại Việt Nam. Theo đó, quỹ này kỳ vọng với nguồn vốn đầu tư, Hectagon sẽ có những bước chuyển mạnh trong lĩnh vực “ươm mầm” các startup lĩnh vực Web3 và blockchain tại Việt Nam. Bởi những người sáng lập Hectagon cũng chính là hạt nhân đã hình thành Quỹ đầu tư mạo hiểm Vietnam Silicon Valley - quỹ đã từng rót vốn cho hơn 80 startup Việt Nam, trong đó có các tên tuổi lớn như Loship, Base.vn, Modmo, Vulcan, Ship60, Hachi - những startup đã tăng trưởng gấp 1.000 lần so với định giá ban đầu.
Trường hợp đầu tư của Mistletoe vào Hectagon là một trong những dẫn chứng cho thấy lĩnh vực blockchain dù mới chỉ phát triển mạnh tại Việt Nam trong 4-5 năm trở lại đây nhưng đã bắt đầu thu hút đáng kể dòng vốn từ các quỹ tài chính và các nhà đầu tư quốc tế. Thống kê của Hiệp hội Blockchain Việt Nam cho biết tính đến hiện tại, con số vốn hóa của 10 doanh nghiệp khởi nghiệp lớn nhất tại Việt Nam trong lĩnh vực blockchain đã đạt trên 100 triệu USD.
Công nghệ robot, blockchain được ứng dụng trong nhiều ngành nghề sản xuất - kinh doanh. |
Trong vòng 5 năm gần đây, lĩnh vực blockchain đã thu hút các tên tuổi lớn, như: Genesis Coin, Coinsource, Paymynt, Bitaccess, Coinkite, Ledger, SatoshiLabs, Sirin Labs, Pundi X… gia nhập thị trường và góp vốn đầu tư cho các startup. Các quỹ đầu tư mạo hiểm như: Do Ventures, Polychain Capital, Grayscale Bitcoin Trust, AME Cloud Ventures… hiện nay đều đã đầu tư vào hàng trăm dự án lớn lĩnh vực blockchain, Gaming, GameFi, NFT, Metaverse...
Ngay cả đối với các nhà đầu tư trong nước, việc chủ động hình thành các quỹ tài chính để đầu tư lĩnh vực blockchain cũng đã khá sôi động. Chẳng hạn, trong năm 2021, Quỹ đầu tư công nghệ cao Alpha Moon Capital đã chính thức ra mắt và đầu tư vào hơn 20 dự án GameFi, NFT với số vốn hàng chục triệu USD. Trong khi đó, Tập đoàn NextTech cũng công bố Quỹ Next100 blockchain quy mô 50 triệu USD, đầu tư vốn cổ phần và tài sản số (Token). Quỹ này cũng đã rót 500.000 USD vào startup Enrex đến từ châu Âu.
Ghi nhận từ thị trường cho thấy trong hai năm gần đây, blockchain là lĩnh vực dẫn đầu trong danh sách đầu tư của các quỹ mạo hiểm quốc tế tại Việt Nam. Các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực này, như Sky Mavis, OnBlock, Whydah, Sipher, Etermon, ASPO World… đã nhận được khoản đầu tư từ 2 triệu USD đến 200 triệu USD trong các vòng gọi vốn quốc tế.
Với xu hướng này, tổ chức TechSci Research nhận định rằng thị trường blockchain Việt Nam nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng trưởng hai con số trong giai đoạn 2023-2027. Bên cạnh dự án Axie Infinity của Sky Mavis đã trở thành “kỳ lân công nghệ” năm 2021 thì các dự án tài chính phi tập trung (DeFi) và hạ tầng blockchain tiêu biểu như: Kyber Network, Kardiachain, TomoChain, GameFi.org, Sipher... sẽ là những dự án được kỳ vọng đón nhận “vốn khủng” và ghi dấu ấn trên thị trường blockchain quốc tế.
Tạo thêm điểm tựa để hút vốn FDI
Theo các chuyên gia lĩnh vực tài chính, xu hướng đầu tư vào các doanh nghiệp, dự án thuộc lĩnh vực blockchain sẽ tăng trưởng mạnh nhất trong vài năm sắp tới, đặc biệt là từ các khoản đầu tư quốc tế.
Dẫn báo cáo từ Fortune Business Insights, ông William Do - Giám đốc Quỹ đầu tư HOBBIT Investment, cho biết thị trường blockchain toàn cầu dự kiến sẽ đạt 7,18 tỷ USD năm 2022 và 163,83 tỷ USD vào năm 2029, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 56,3%. Riêng tại Việt Nam, các dự án về NFT, Gaming GameFi, NFT và Metaverse đang là các dự án được các nhà đầu tư quốc tế quan tâm nhiều nhất. Trong khi đó, 6 tháng đầu năm 2022, ở phạm vi toàn cầu đã có 5,4 tỷ USD được rót vốn vào các dự án tương tự.
“Vì thế, cơ hội để nhận vốn từ các quỹ đầu tư quốc tế đối với các dự án liên quan đến blockchain là rất lớn”, ông William Do nhận định.
Ở khía cạnh thị trường, ông Trần Minh Duy - Giám đốc chiến lược Tập đoàn Huobi Global, cho rằng mặc dù tiềm năng thu hút vốn rất lớn nhưng độ mở của lĩnh vực ứng dụng blockchain tại Việt Nam còn khá hạn chế. Hiện, blockchain tại Việt Nam mới chỉ được ứng dụng chủ yếu trong lĩnh vực tài chính, đặc biệt là tài sản số. Trong khi đó, các lĩnh vực này hiện chưa có hành lang pháp lý cụ thể nên quá trình gọi vốn, nhận vốn của các dự án gặp khá nhiều vướng mắc về thủ tục đầu tư.
Để cởi mở hơn với công nghệ blockchain, theo ông Đỗ Văn Long - Giám đốc điều hành CTCP Vietnam blockchain, việc mở rộng áp dụng công nghệ blockchain trong thương mại, quản trị doanh nghiệp và sản xuất, xuất khẩu cần được đẩy mạnh. Trong đó, trước tiên là hành lang pháp lý cho công nghệ blockchain cần được Chính phủ và các bộ, ngành hoàn thiện. Từ đó, tạo điểm tựa cho doanh nghiệp các lĩnh vực xây dựng hạ tầng đô thị thông minh, công nghệ tài chính, kinh tế chia sẻ, chuỗi cung ứng, logistics, thương mại điện tử, nông nghiệp và du lịch làm cơ sở để kêu gọi vốn FDI đầu tư cho các dự án chuyển đổi số và tái cấu trúc mô hình kinh doanh.
Nhiều chuyên gia tài chính cũng nhận định rằng với xu hướng dịch chuyển mạnh của dòng vốn đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực sản xuất giá trị cao, giai đoạn này Việt Nam cần xem blockchain là một trong những công cụ then chốt trong chuyển đổi số. Do đó, cơ quan quản lý cần cởi mở hơn trong tiếp cận và nhanh chóng tạo ra hành lang pháp lý để các doanh nghiệp, địa phương có thể tranh thủ nguồn vốn đầu tư nước ngoài, giảm thiểu những trường hợp “tuột” vốn ngoại cho dự án tốt chỉ vì vướng mắc các thủ tục hành chính đầu tư.
Ngân hàng là một trong những lĩnh vực đi đầu trong việc đầu tư, ứng dụng công nghệ blockchain vào hoạt động, đặc biệt là trong thanh toán quốc tế. Chẳng hạn cuối năm 2021, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) đã chính thức triển khai thương mại dịch vụ thư tín dụng (L/C) ứng dụng công nghệ blockchain. Dịch vụ L/C ứng dụng blockchain của MB cho phép thực hiện trọn vẹn toàn bộ quy trình nghiệp vụ thư tín dụng chứng từ, từ khâu phát hành đến khâu xuất trình chứng từ theo L/C trên cùng một mạng lưới Contour. Theo ông Vũ Hoàng Liên, Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam, ứng dụng blockchain vào hoạt động ngân hàng sẽ giúp các ngân hàng tận dụng được 4 ưu điểm: tính hiệu quả; tính phi tập trung; tính minh bạch; tính bền vững và bảo mật cao của công nghệ chuỗi khối. |