Ứng dụng Blockchain: Phải có sandbox
Sandbox cho Fintech: Thận trọng là cần thiết | |
Cơ chế Sandbox cho Fintech: Cần sớm được xây dựng | |
Lo chính sách cho Fintech |
Thời gian gần đây, việc ứng dụng blockchain trong hoạt động của NHTM đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ. Có thể kể tới như trung tuần tháng 10 vừa qua, TPBank nhận giải thưởng cho đối tác đột phá trong công nghệ blockchain thường niên 2020 của Ripple (công ty công nghệ tại Mỹ nổi tiếng với mạng lưới giao thức thanh toán RippleNet), ghi nhận thành công của TPBank trong hoạt động chuyển tiền quốc tế nhanh chóng và chính xác qua mạng lưới RippleNet dựa trên nền tảng công nghệ blockchain. Theo đó, TPBank cùng với VietinBank, VIB là ba ngân hàng phối hợp cùng Napas triển khai thử nghiệm thành công giao dịch chuyển tiền liên ngân hàng bằng blockchain năm 2018.
Hay như BIDV cũng ứng dụng thành công blockchain trong giao dịch phát hành thư tín dụng (L/C) tới một ngân hàng thông báo ngoài hệ thống khi đã phát hành thành công L/C xác nhận liên ngân hàng trên mạng lưới tài chính thương mại mở Contour cho một đơn hàng xuất nhập khẩu. HDBank hồi tháng 5 cũng ghi dấu ngân hàng Việt Nam đầu tiên tài trợ thương mại trên nền tảng blockchain…
Blockchain có thể giúp giảm chi phí cơ sở hạ tầng của NH khoảng 15-20 tỷ USD mỗi năm |
Công nghệ blockchain có nhiều ưu điểm nổi bật như: Đảm bảo tính minh bạch nhờ khả năng lưu trữ thông tin, dữ liệu giao dịch trong các chuỗi khối được liên kết chặt chẽ, được xác thực nhanh chóng trên toàn hệ thống; tính tin cậy cao nhờ tính năng không thể sửa đổi thông tin, dữ liệu đã lưu trong các khối lưu trữ, giúp giảm thiểu rủi ro gian lận trong giao dịch; không cần dựa vào bên trung gian thứ ba để ghi nhận và xác thực giao dịch, qua đó giảm bớt chi phí, độ trễ của giao dịch; tính bảo mật được đảm bảo nhờ việc sử dụng cặp khóa bí mật.
Lấy một ví dụ gần đây, Trung Quốc đã khai thác công nghệ blockchain để hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, khi kể từ kỳ nghỉ Tết Nguyên đán năm nay, 87 doanh nghiệp có trụ sở tại Trung Quốc đã nhận được khoản vay hơn 200 triệu USD thông qua một nền tảng tài chính blockchain xuyên biên giới. Như vậy, blockchain cho thấy giá trị của nó khi đóng vai trò giúp cộng đồng doanh nghiệp thuận tiện hơn trong việc nhận tài trợ và hỗ trợ tín dụng tài chính.
Đối với lĩnh vực ngân hàng, blockchain có thể được áp dụng để các ngân hàng nâng cấp hệ thống core-banking, hoặc cung cấp sản phẩm và dịch vụ trên nền tảng công nghệ này. Theo các chuyên gia công nghệ, việc ứng dụng blockchain trong hoạt động ngân hàng tập trung vào một số trường hợp như giao dịch liên ngân hàng, mua bán tài sản, gây quỹ, tín dụng, tài chính thương mại, chuyển tiền ngang hàng… Nhưng nổi bật nhất vẫn là ứng dụng chính của blockchain trong lĩnh vực thanh toán. Blockchain theo đó sẽ có thể sử dụng như một phương thức thực hiện thanh toán, không phụ thuộc vào Swift hay các phương tiện thanh toán khác.
Giới chuyên gia cho rằng, việc có thể đưa công nghệ blockchain vào ứng dụng trong lĩnh vực thanh toán sẽ giúp cho các giao dịch tăng tốc độ xử lý, tăng cường tính minh bạch. Blockchain cũng đồng thời giúp cho cả phía ngân hàng và khách hàng giảm chi phí và gánh nặng hành chính. Báo cáo Fintech 2.0 của Santander Ventures cho hay, ước tính công nghệ blockchain có thể giúp giảm chi phí cơ sở hạ tầng của ngân hàng khoảng 15-20 tỷ USD mỗi năm tính đến năm 2022.
Tuy nhiên theo các chuyên gia, để phát triển được thành công công nghệ blockchain phải phụ thuộc vào cơ chế chính sách, nghiên cứu để xây dựng hành lang pháp lý cho ứng dụng công nghệ blockchain vào hệ thống ngân hàng, một trong những giải pháp là phát triển một vài sandbox thử nghiệm ứng dụng công nghệ blockchain trong thanh toán giá trị thấp.
Tại sao sandbox là phù hợp trước khi triển khai rộng rãi ứng dụng blockchain? Vì khuôn khổ pháp lý này không quá chặt chẽ, song cũng không quá nới lỏng để mục tiêu là không tác động quá lớn tới thị trường tài chính. Thêm nữa, những đối tượng chịu sự tác động của công nghệ blockchain sẽ mang tính chọn lọc.
Theo Dự thảo Nghị định xây dựng Cơ chế thử nghiệm công nghệ tài chính (Fintech), các lĩnh vực được tham gia cơ chế thử nghiệm gồm thanh toán, tín dụng, cho vay ngang hàng, hỗ trợ định danh khách hàng, giao diện lập trình ứng dụng mở (Open API), các giải pháp ứng dụng công nghệ đổi mới sáng tạo như blockchain… Trên thực tế, những công ty Fintech được cấp phép tại Việt Nam chưa thực sự ứng dụng được công nghệ blockchain. Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động Fintech nếu ra đời cũng đồng thời sẽ giúp việc thử nghiệm ứng dụng blockchain được soi chiếu cụ thể, rõ ràng hơn, từ đó đưa ra những kinh nghiệm, kiến nghị, đề xuất phù hợp để tạo lập hành lang pháp lý về sau này.
Đánh giá tác động chính sách về việc xây dựng Nghị định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng, phía Vụ Thanh toán cũng khẳng định, để kiểm soát được các rủi ro có thể xảy ra với các dịch vụ, giải pháp Fintech, giải pháp quan trọng và phù hợp là từ ban đầu cần quy định một không gian, thời gian và quy mô phù hợp để tổ chức thử nghiệm, qua đó sẽ giúp cho việc thực hiện giám sát của cơ quan quản lý hiệu quả, hạn chế thấp nhất rủi ro để tránh các tác động tiêu cực so với việc triển khai trên quy mô rộng.