Sandbox cho Fintech: Thận trọng là cần thiết
Sandbox cho Fintech: Cần một bước đi thận trọng | |
Cơ chế Sandbox cho Fintech: Cần sớm được xây dựng |
Ảnh minh họa |
Cần điều kiện gì để Sandbox có khả thi? Xung quanh vấn đề này, Thời báo Ngân hàng đã có trao đổi với ông Ngô Tấn Vũ Khanh - Giám đốc quốc gia Kaspersky khu vực Indochina.
Theo ông việc sớm triển khai sandbox cho Fintech nói chung và lĩnh vực P2P Lending nói riêng có giúp cho việc quản lý các app cho vay biến tướng?
Hiện thị trường Fintech có hai “khu vực” nhiều biến tướng nhất. Thứ nhất là các đồng tiền kỹ thuật số hay các ứng dụng hoàn tiền mà đằng sau là mô hình kinh doanh đa cấp. Thứ hai là cho vay ngang hàng (P2P Lending) mà chúng ta khó xác định mô hình kinh doanh nào là tốt hay xấu cho thị trường.
Hiện tất cả các doanh nghiệp P2P chính thống đều được cấp giấy phép kinh doanh, quản lý duy nhất dựa trên Luật Doanh nghiệp, ngoài ra không có bất kỳ hành lang pháp lý nào khác đặc thù cho mô hình kinh doanh này. Tại Việt Nam, giai đoạn 2018-2019 có trên 200 DN hoạt động theo mô hình P2P Lending hay cho vay online, hiện đã giảm dần xuống còn 50 DN và cũng chỉ có trên dưới 10 DN thật sự đầu tư nghiêm túc cũng như có giao dịch đủ lớn mỗi ngày. Sự suy giảm nhanh chóng số lượng các DN này chủ yếu đến từ tác động của quy luật cạnh tranh công nghệ và truyền thông trong việc giảm thiểu vấn nạn tín dụng đen núp bóng cho vay ngang hàng.
Do đó áp dụng Sandbox sớm sẽ giúp những DN làm ăn nghiêm túc, chân chính phát triển và đâu đó từng bước “dẹp” được các DN biến tướng lợi dụng mô hình kinh doanh P2P Lending để trục lợi.
Ông nhìn nhận thế nào về sự chuẩn bị từ NHNN trong triển khai Sandbox cho Fintech?
NHNN có sự thận trọng nhất định trong tiến trình thực hiện Sandbox cho Fintech, đây là điều cần thiết. Bởi hầu hết các quốc gia phát triển Fintech bước đầu đều có thời gian chuẩn bị tương đối dài, nhất là nguồn lực con người phục vụ cho Fintech Sandbox. Theo tôi được biết, NHNN cũng đã tham khảo và có sự tham vấn, chia sẻ kiến thức trong xây dựng Sandbox từ những quốc gia phát triển như Hàn Quốc, Nhật Bản hay Singapore…
Tuy nhiên, Việt Nam có một số đặc thù riêng, mức độ phát triển ngành tài chính công nghệ tại Việt Nam cũng có những điểm khác biệt xuất phát từ văn hoá và tình hình kinh tế chính trị. Do đó chiến lược chờ đợi (wait-and-see) cũng như chiến lược kiểm tra và học hỏi nhằm giám sát các xu hướng trước khi can thiệp chính thức (ví dụ như Grab/Uber hay Agent Banking ở Indonesia) cũng là một sự lựa chọn cần phải có.
Có ý kiến e ngại cho rằng nếu chỉ thử nghiệm trong nhóm nhỏ sau đó đợi điều chỉnh luật thì các Fintech sẽ khó tồn tại trước khi được cấp phép hoạt động?
Tôi cho rằng đây không phải điều đáng lo ngại, bởi hiện nay các lĩnh vực dịch vụ NHNN dự kiến triển khai Sandbox lần này đã là đủ và tương đối rộng trong thời gian này và như tôi đã nói ở trên nguồn lực con người của chúng ta đang rất hạn chế. Đơn cử như trường hợp của Kaspersky hiện nay có gần như 3/7 lĩnh vực áp dụng cơ chế thử nghiệm Fintech là: Chống gian lận thanh toán và chuyển tiền (một giải pháp eKYC theo cách nhìn kỹ thuật), các giải pháp ứng dụng công nghệ đổi mới blockchain và các dịch vụ hỗ trợ hoạt động ngân hàng.
Chúng tôi hiểu rõ những khó khăn về sự am hiểu các dịch vụ và ứng dụng trong các lĩnh vực mà NHNN đang chọn, vì bản thân Kaspersky cũng vấp phải nhiều khó khăn trong triển khai kinh doanh ở những lĩnh vực này trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.
Theo ông, có cần thêm các chính sách đi kèm cho Sandbox?
Trong thời gian chờ hoàn thiện cơ chế Sandbox, chúng ta có thể tiếp tục tham khảo và thu thập càng nhiều tình huống được thông qua Sandbox ở các quốc gia khác, điều này giúp làm giàu dữ liệu cho cơ chế Sandbox. Bản chất Sandbox là khuyến khích đổi mới sáng tạo, nhưng nếu không có chính sách đi kèm, không có sự tác động của các đơn vị có liên quan như giảm thế, ưu đãi chính sách tuyển dụng, thuế thu nhập cá nhân… cho người đang trong ngành Fintech hay hỗ trợ từ nhà nước về sân chơi thì việc đưa Sandbox vào cũng chỉ là giải pháp ngắn hạn ở mức tình thế.
Thêm vào đó, Sandbox cũng phải minh bạch ngay trong nội bộ và các công ty tham gia cũng nên được đồng hành cùng NHNN trong việc minh bạch trách nhiệm nghĩa vụ cho vay, thanh toán khoản vay và giảm tỷ lệ nợ xấu. Cụ thể hơn, cần có trung tâm thông tin tín dụng Fintech, hay một KYC chung đủ sức chia sẻ và phân tích từ NHNH khi kết hợp với các công ty Fintech.
Xin cảm ơn ông!