Ứng dụng công nghệ giúp người nghèo tiếp cận dịch vụ tài chính
Tín dụng ưu đãi: “Chiếc cầu” giúp dân chuyển đổi mô hình sản xuất | |
Đưa tín dụng chính sách xã hội đến người nghèo đô thị |
Cán bộ NHCSXH đang hướng dẫn bà con sử dụng ứng dụng "Ngân hàng Chính sách xã hội - Giáo dục tài chính" |
Đánh giá về những rào cản đối với người nghèo khi cải thiện sinh kế hiện nay, bà Lê Kim Thái, đại diện Tổ chức Oxfam nhận định, thiếu kiến thức và kỹ năng để tiếp cận và sử dụng hiệu quả các dịch vụ tài chính, đặc biệt thông qua internet, là một trong những rào cản đối với người nghèo để cải thiện sinh kế của mình trong nền kinh tế đang ngày càng dựa vào dịch vụ tài chính và số hoá nhanh chóng.
Chính vì vậy, NHCSXH - đơn vị đi đầu trong công tác giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội đã phối hợp cùng Oxfam ký thoả thuận hợp tác về nghiên cứu khả năng tiếp cận giáo dục tài chính của người nghèo và các đối tượng yếu thế thông qua điện thoại di động. Nghiên cứu thử nghiệm giáo dục tài chính cho hộ nghèo và các đối tượng yếu thế thông qua điện thoại di động.
Đây là ứng dụng giúp người dùng có kiến thức về quản lý tài chính cho cá nhân và gia đình tốt hơn, nâng cao hiểu biết tài chính và phát huy hiệu quả sử dụng vốn, từng bước làm quen với công nghệ số, đặc biệt là khách hàng ở vùng nông thôn.
Thông qua giáo dục tài chính không chỉ góp phần giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận và sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tài chính của NHCSXH, mà còn góp phần phát triển Chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện, các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững.
Ông Phan Cử Nhân, Giám đốc Ban Hợp tác quốc tế và Truyền thông phát biểu tại toạ đàm |
Chia sẻ về ứng dụng, ông Phan Cử Nhân, Giám đốc Ban Hợp tác quốc tế và Truyền thông (Ban HTQT&TT) cho biết, NHCSXH đã phối hợp với chuyên gia Oxfam tiến hành nghiên cứu khảo sát về nhu cầu giáo dục tài chính của khách hàng tại 3 tỉnh Hải Dương, Thanh Hoá và Quảng Ngãi. Kết quả khảo sát cho thấy, trên 80% khách hàng được phỏng vấn đều nhận thức lợi ích của giáo dục tài chính đối với bản thân và gia đình.
Trên cơ sở kết quả khảo sát, NHCSXH thiết kế và thử nghiệm phần mềm ứng dụng giáo dục tài chính trên điện thoại di động (gọi tắt là App giáo dục tài chính). App giáo dục tài chính đã được đẩy lên kho ứng dụng của hệ điều hành iOS và CHPlay với tên gọi “Ngân hàng Chính sách xã hội - Giáo dục tài chính”. Với giao diện tính năng đơn giản, dễ hiểu, dễ sử dụng phù hợp với đối tượng hộ nghèo và các đối tượng chính sách.
Ông Phan Cử Nhân cũng cho biết, việc phổ biến ứng dụng này nhằm thực hiện một trong những mục tiêu phát triển của NHCSXH là đa dạng hoá sản phẩm, dịch vụ, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại vào hoạt động nghiệp vụ phù hợp với hoạt động NHCSXH, góp phần thúc đẩy chiến lược tài chính toàn diện của Việt Nam.
Chia sẻ về vai trò của công nghệ trong giáo dục tài chính, ông Nguyễn Hữu Ân, Giám đốc Công ty công nghệ TESO cho biết, công nghệ là một công cụ hiệu quả để giáo dục tài chính khi đã phổ biến đến tận tay tầng lớp người nghèo nói riêng và nhóm đối tượng yếu thế nói chung.
“Công nghệ giúp giáo dục tài chính có tính lan truyền cao hơn so với các phương thức truyền thống, giúp người tổ chức giáo dục tài chính nắm được hành vi, đo lường được kết quả của hoạt động chính xác và hiệu quả hơn. Các công cụ cho phép phân tích hành vi và tương tác với người dùng rất tiện lợi”, ông Nguyễn Hữu Ân khẳng định.
Toàn cảnh tọa đàm |
Tại buổi tọa đàm, ngoài các bài tham luận đến từ NHCSXH, tổ chức Oxfarm và khách hàng NHCSXH còn có nhiều ý kiến đóng góp về tính năng và giải pháp triển khai hiệu quả. Các đại biểu cũng đã thảo luận theo hình thức hỏi đáp, giao lưu với các đại biểu tham dự; thảo luận về định hướng, cơ hội và khuyến nghị, giáo dục tài chính là cầu nối với dịch vụ tài chính cho người nghèo.
Các đại biểu tham dự đều đánh giá việc áp dụng App giáo dục tài chính đối với khách hàng của NHCSXH sáng tạo, có tính thiết thực cao giúp đưa được kiến thức tài chính đến với khách hàng.
Đại diện cho đối tượng là “tay hòm chìa khoá” của các gia đình, bà Nguyễn Thị Kiều Chinh, Phó Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ huyện Thường Tín, TP. Hà Nội cho biết, đây là ứng dụng dễ cài đặt, nội dung truyền tải rất hữu ích. Đặc biệt, ứng dụng cung cấp cho khách hàng kiến thức về quản lý tài chính cá nhân, hộ gia đình, hỗ trợ sản xuất kinh doanh, giúp các chị em biết cách tính toán khoản vay, tiền gửi tiết kiệm ngân hàng.
Bên cạnh đó, chị Nguyễn Thị Thư, tổ trưởng tổ tiết kiệm vay vốn thôn Hà Thái, xã Duyên Thái, huyện Thường Tín, Hà Nội chia sẻ: "Trước đây, nhà tôi có bao nhiêu tiền chi bấy nhiêu chứ không tính được hàng tháng thu chi tiết kiệm như thế nào. Từ khi có ứng dụng này giúp tôi và nhiều thành viên khác trong thôn hiểu cách tính toán, thu chi, biết cách tính lãi suất tiền vay, lịch trả nợ, tiền gửi tiết kiệm. Qua đó, tạo điều kiện cho chúng tôi từng bước tạo lập nguồn vốn tự có để vươn lên làm giàu".
Tuy nhiên, biên cạnh những kết quả đã đạt được, thách thức của NHCSXH khi phát triển app cũng không hề nhỏ. Theo TS. Nguyễn Đức Hải, Giám đốc Trung tâm Tài chính vi mô (Học viện Ngân hàng), cơ hội để phổ biến giáo dục tài chính thông app là rất lớn nhưng thách thức lớn nhất vẫn là có giữ chân được khách hàng sử dụng lâu dài hay không. Điều này đòi hỏi ngân hàng phải liên tục thay đổi để tiếp cận và đáp ứng được đầy đủ nhu cầu của khách hàng.
Các ý kiến đóng góp, phản hồi tại tọa đàm giúp NHCSXH tiếp tục hoàn thiện, bổ sung thêm các thông tin, dịch vụ cần thiết và có ích cho khách hàng. Với những thành công bước đầu của dự án, trong thời gian tới NHCSXH sẽ tiếp tục phối hợp với Oxfarm truyền thông đào tạo, mở rộng tính năng và hướng dẫn sử dụng rộng rãi đến hộ nghèo, phụ nữ và các đối tượng yếu thế.