Tín dụng ưu đãi: “Chiếc cầu” giúp dân chuyển đổi mô hình sản xuất
Mặc dù là huyện miền núi, rẻo cao, có tới trên 20% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) gồm người Bru-Vân Kiều, Chứt, Thổ, Mường, Thái và Tày, nhưng với truyền thống cách mạng, tinh thần đoàn kết cộng đồng bền vững, tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, người dân Minh Hóa luôn cần cù lao động, tích cực tham gia thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội đầu tư trên địa bàn. Đặc biệt, từ khi có các chương trình tín dụng chính sách xã hội đã góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế, cũng như giải quyết vấn đề lao động, việc làm, đảm bảo đời sống cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách.
Trụ sở Phòng giao dịch NHCSXH huyện Minh Hóa – Địa chỉ tin cậy của người nghèo và đối tượng chính sách xã hội |
Đơn cử như gia đình anh Đinh Minh Lưu, ở thôn Thuận Hóa, xã Hóa Sơn, bằng ý chí vươn lên, quyết tâm tìm hướng làm ăn mới hiệu quả cùng với sự hỗ trợ đắc lực từ nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), hiện đã có cơ ngơi hàng trăm triệu đồng, làm giàu trên chính quê hương mình.
Anh Lưu kể, sau khi xây dựng gia đình, nhận thấy tại quê hương, bà con chủ yếu làm nghề đi rừng, phát rẫy, làm nương và rừng dần dần đang cạn kiệt. Anh bôn ba làm hết công việc này đến công việc khác mà vẫn không đủ ăn đủ mặc, nên năm 2005 anh bàn với vợ mạnh dạn đầu tư vào chăn nuôi đại gia súc. Tuy nhiên, câu hỏi lấy tiền ở đâu để đầu tư luôn thường trực trong suy nghĩ của anh. Rồi thật may mắn, thông qua Hội Nông dân xã tín chấp, anh Lưu được Phòng giao dịch NHCSXH huyện Minh Hóa cho vay số tiền 30 triệu đồng từ nguồn vốn hộ nghèo, cộng thêm vốn tự có của gia đình, anh mua được 3 con bò mẹ sinh sản. Ngoài ra anh Lưu còn trồng thêm 10ha keo lai, đào 2 hồ nuôi cá, nuôi lợn rừng sinh sản. Hiện nay, thu nhập từ các mô hình chăn nuôi, trồng trọt trên của anh Lưu cho thu nhập hơn 100 triệu đồng mỗi năm.
Cán bộ NHCSXH huyện Minh Hóa tại điểm giao dịch xã |
Theo đánh giá của các tổ chức chính trị - xã hội huyện Minh Hóa, sự lớn mạnh về quy mô tổ chức, mô hình hoạt động và các chương trình tín dụng chính sách đã thực sự là “chiếc cầu” để đưa những người nghèo của huyện chuyển từ kinh tế tự cung, tự cấp sang hướng sản xuất hàng hoá theo kinh tế thị trường. Từ chỗ chỉ có 2 chương trình cho vay đầu năm 2003 với dư nợ 19.164 triệu đồng, đến cuối tháng 6/2020, tổng dư nợ cho vay đã là trên 393 tỷ đồng, đạt 98,7% kế hoạch và tăng 26,45 tỷ đồng so với cuối tháng 12/2019 (tăng 7,2%). Dư nợ cho vay các chương trình ủy thác thông qua các tổ chức hội, đoàn thể hiện chiếm 98,1% tổng dư nợ cho 8.944 hộ vay ở 266 tổ tiết kiệm và vay vốn tại các xã, thị trấn.
Qua báo cáo tổng kết hàng năm, tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện Minh Hoá có nhiều chuyển biến tích cực, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn và nông dân. Huyện đã xác định chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng nông - lâm - tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ là có hiệu quả. Đồng vốn tín dụng ưu đãi của Chính phủ do NHCSXH đang thực hiện đầu tư thực sự đã đến với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác có vốn để tự vươn lên thoát nghèo và góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Đặc biệt, từ khi có Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Quyết định số 401/QĐ-TTg ngày 14/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ, Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH huyện đã tích cực tham mưu cho Ban thường vụ Huyện ủy, lãnh đạo UBND huyện ban hành kế hoạch, các văn bản để tập trung chỉ đạo hoạt động tín dụng chính sách xã hội nhằm nâng cao chất lượng hoạt động và thu được nhiều kết quả.
Nhiều khách hàng tích cực gửi tiết kiệm tại NHCSXH Minh Hóa để tạo điều kiện cho hộ nghèo và đối tượng chính sách khác vay |
Để nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đến với người dân, nhất là hộ đồng bào DTTS có hiệu quả, lãnh đạo Phòng giao dịch NHCSXH huyện Minh Hóa cho rằng, trước hết phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của chính quyền và vai trò tuyên truyền, vận động, tập hợp của Mặt trận, các đoàn thể. Trong thời gian qua, UBND huyện đã tập trung chỉ đạo phối hợp trong công tác tuyên truyền, như: lồng ghép các hội nghị giao ban, hội nghị người có uy tín; phối hợp Ban Dân vận huyện ủy, Mặt trận Tổ quốc huyện, Phòng Dân tộc, 3 Đồn Biên phòng cùng tập trung tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nhân dân, đặc biệt là đồng bào DTTS phát triển kinh tế gia đình, góp phần bảo vệ chủ quyền quốc gia, giữ vững an ninh biên giới. UBND huyện chỉ đạo UBND 04 xã biên giới thực hiện bình chọn người có uy tín hàng năm, tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho người có uy tín tại cơ sở. Tham mưu cho Ban Thường vụ Huyện ủy ban hành các chỉ thị, nghị quyết về chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các chính sách đầu tư của Đảng, của Nhà nước cho vùng đồng bào DTTS.
Nhằm thực hiện mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn đến cuối năm 2020 còn 10%, UBND huyện đã chỉ đạo NHCSXH huyện xây dựng kế hoạch tăng trưởng vốn tín dụng chính sách hàng năm từ 8-10% để đầu tư trên địa bàn. Thường trực Huyện ủy, Thường trực HĐND và Lãnh đạo UBND huyện đã chỉ đạo NHCSXH huyện Minh Hoá chủ động phối hợp Văn phòng HĐND&UBND, các phòng ban liên quan và Hội, đoàn thể nhận ủy thác huyện rà soát lại các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH tỉnh để tham mưu cho Huyện ủy, UBND huyện ban hành các văn bản chỉ đạo tập trung củng cố nâng cao chất lượng tín dụng chính sách.
Trong triển khai các chương trình tín dụng chính sách xã hội, huyện Minh Hóa sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm túc nguyên tắc dân chủ, công khai từ cơ sở để tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác có cơ hội tiếp cận với các chương trình tín dụng chính sách xã hội. Làm tốt công tác tuyên truyền rộng rãi trong nội bộ, trong nhân dân về hoạt động của NHCSXH để đồng bào DTTS hiểu đúng và tự giác thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách đang đầu tư trên địa bàn. Qua đó góp phần đắc lực trong phát triển toàn diện về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng ở vùng biên giới; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS, đấu tranh đẩy lùi các tập tục lạc hậu, luận điệu xuyên tạc; tập trung cho công tác xóa nghèo và xây dựng nông thôn mới hiệu quả.