Dịch bệnh Covid-19 tạo thách thức cho thị trường tài chính
Dịch Covid-19: Phép thử trên con đường phát triển | |
3 kịch bản tăng trưởng với Covid-19: GDP có thể giảm từ 0,32 đến 2,71 điểm phần trăm |
Các NHTM triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 |
Chứng khoán giảm, dịch vụ ngân hàng cũng chịu ảnh hưởng
“Nếu không có Corona, thị trường chứng khoán (TTCK) quý 1 rất có thể đã khởi sắc nhờ thỏa thuận Mỹ - Trung và dòng vốn nước ngoài. Cho đến giữa tháng 1/2020, dòng vốn vào các thị trường mới nổi liên tục tăng và cũng với đó là đà mua ròng của NĐT nước ngoài tại TTCK Việt Nam”, Báo cáo Thị trường tài chính tiền tệ từ CTCK Sài Gòn (SSI) cho biết.
Tuy nhiên kể từ cuối tháng 1, xu hướng dòng vốn trên toàn cầu bắt đầu đảo chiều. Thị trường giảm điểm nhanh, lấy đi toàn bộ giá trị tích lũy không chỉ giai đoạn trước nghỉ tết mà cả năm trước đó. Corona làm giảm mạnh dự báo tăng trưởng của các nước Đông Á, đẩy các nhà quản lý quỹ phải thay đổi chiến lược. Nhóm các thị trường mới nổi ở khu vực châu Á bị rút vốn mạnh do có mức độ liên thông về sản xuất và tiêu dùng lớn với Trung Quốc. “Triển vọng thu hút vốn nước ngoài cho TTCK trong tháng 2 và kể cả các tháng tiếp theo của Việt Nam vì vậy đã giảm xuống mức thấp”, báo cáo nhận định.
Diễn biến phức tạp của dịch bệnh có thể khiến thời gian phong tỏa ở Trung Quốc kéo dài, ảnh hưởng trực tiếp đến chuỗi sản xuất và xuất khẩu của các DN. Đây sẽ là đợt tác động tiêu cực thứ 2 sau đợt 1 (sụt giảm du lịch và tiêu dùng). Tiếng “kêu cứu” của các DN hay hiệp hội DN sẽ ngày một lớn và cho dù có cơ sở hay không thì tâm lý của thị trường chắc chắn cũng sẽ bị ảnh hưởng theo.
Trong lĩnh vực tiền tệ và tỷ giá có thể thấy trong cả tháng 1, tỷ giá USD/VND gần như đi ngang quanh mức chốt năm 2019, nguồn cung ngoại tệ hết sức dồi dào và NHNN vẫn liên tục mua vào ngoại tệ trong những tuần trước tết. Chốt tháng, tỷ giá giao dịch trên ngân hàng là 23.100/23.270 đồng/USD - tăng 20 và 40đ/USD; tỷ giá tự do là 23.200/23.300 đồng/USD so với cuối năm 2019. Tỷ giá trung tâm được điều chỉnh tăng thêm 39 đồng/USD, lên 23.196 đồng/USD trong khi tỷ giá mua vào của NHNN vẫn được giữ nguyên ở mức 23.175 đồng/USD. Chênh lệch tỷ giá mua vào và bán ra nới rộng.
Theo báo cáo của SSI, thương mại và du lịch giảm sút vì dịch bệnh có thể khiến nguồn cung ngoại tệ không dồi dào như năm 2019. “Tuy vậy, với dự trữ ngoại hối đã tích lũy được trong các năm qua, bộ đệm để ứng phó với các biến động tỷ giá là khá vững. Tỷ giá giao dịch trên ngân hàng dự báo sẽ có biến động nhưng mức tăng không nhiều, xoay quanh mức 23.175 đồng/USD – là tỷ giá mua vào của NHNN và vẫn cách khá xa mức đỉnh ghi nhận trong 2019, trừ khi có những diễn biến trầm trọng hơn của dịch bệnh”, SSI dự báo.
Trong khi đó theo một báo cáo của Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến hệ thống ngân hàng sẽ chủ yếu thông qua tác động đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN, khách hàng và bản thân ngân hàng.
Theo đó, dự báo dịch bệnh Covid-19 sẽ tác động ở 3 khía cạnh quan trọng: Cầu tín dụng giảm, do nhu cầu tín dụng của các DN, hộ gia đình thấp hơn, đặc biệt là trong quý 1 và quý 2; Tiềm ẩn nợ xấu tăng, khi các DN, hộ gia đình chịu tác động tiêu cực từ dịch bệnh, dẫn đến hoạt động sản xuất - kinh doanh gặp khó khăn; Nhu cầu giao dịch qua ngân hàng số, thanh toán không dùng tiền mặt tăng do một số khách hàng ngại tiếp xúc.
Sau mưa, trời lại nắng…
Một trong những tác động và cũng là thách thức lớn nhất của dịch bệnh này chính là yếu tố tâm lý. Khi tâm lý lo ngại gia tăng, nhu cầu giải trí, du lịch, tiêu dùng sẽ giảm xuống (trong khi thường sẽ tăng tốt hơn vào dịp đầu năm); hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là các ngành sản xuất theo chuỗi cung ứng sẽ cầm chừng, thậm chí bị gián đoạn; hoạt động xuất – nhập khẩu sẽ khó khăn hơn… Ngược lại nếu tâm lý vững vàng và ổn định hơn, cũng với đó là những tiến triển trong đối phó với dịch bệnh ở cả cấp độ toàn cầu và trong nước, các hoạt động sẽ dần trở lại bình thường, thậm chí hồi phục nhanh chóng.
Để đối phó với các tác động của dịch đối với hoạt động ngân hàng, NHNN đã có nhiều chỉ đạo các TCTD có phương án tổ chức kinh doanh phù hợp, không ảnh hưởng đến khách hàng, xem xét giảm lãi suất, giãn nợ cho các DN, hộ gia đình chịu nhiều ảnh hưởng, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt… Đáng chú ý trong cuộc họp với 21 NHTM ngày 6/2/2020 vừa qua, NHNN đã yêu cầu các NHTM không được tăng lãi suất cũng như có các biện pháp hỗ trợ khách hàng vay để giảm thiểu thiệt hại với nền kinh tế do ảnh hưởng của virus Corona.
Theo nhận định của SSI, dịch bệnh này có thế khiến lãi suất huy động và cho vay khó giảm hơn nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và NHNN, lãi suất vẫn có khả năng giảm, rõ nhất là ở nửa cuối năm khi dịch bệnh lắng xuống và giải ngân đầu tư công có kết quả tốt. Thực tế trong những ngày gần đây, các TCTD cũng đang chủ động, tích cực thực hiện và một số TCTD đã công bố giảm lãi suất hoặc có các gói hỗ trợ tín dụng cũng như tư vấn, thông tin đến khách hàng về dịch bệnh và phòng ngừa.
Đối với TTCK, thông thường trong các năm trước, sóng đầu năm luôn là sự khởi đầu thuận lợi cho TTCK Việt Nam, để lại dư âm tích cực cho các tháng tiếp theo. Năm 2020, sóng đầu năm có thể không xuất hiện nên sức nóng của thị trường sẽ cần thêm rất nhiều thời gian để tích lũy.
Tuy nhiên ở kịch bản tích cực, nếu việc khống chế dịch bệnh thành công ngay trong tháng 2, cùng với đó sức cầu tiêu dùng và chuỗi sản xuất ít bị ảnh hưởng sẽ mang lại diễn biến khả quan hơn cho thị trường. Điểm thuận lợi trong đợt dịch năm nay đó là mức độ công bố thông tin và sự quyết tâm kiểm soát dịch bệnh của các Chính phủ, đặc biệt là Việt Nam. Minh bạch thông tin có thể khiến tâm lý chịu sức ép ở giai đoạn đầu, tuy nhiên khi dịch bệnh được kiểm soát, tâm lý cũng sẽ được phục hồi nhanh.
Hiện tại có 2 diễn biến mà các nhà đầu tư có thể trông đợi. Thứ nhất là làn sóng kích thích kinh tế, hạ lãi suất tại hàng loạt các quốc gia. Ở Việt Nam, đó là tích cực giải ngân đầu tư công và hạ lãi suất cho vay. Dịch bệnh ở góc độ tích cực cũng là một động lực rất lớn để gia tăng quyết tâm tái cơ cấu, từ đó mang lại sức bật mạnh cho kinh tế Việt Nam cả ngắn hạn cũng như dài hạn. Thứ hai là kết quả xếp hạng thị trường, với việc Việt Nam có thể được FTSE cân nhắc nâng hạng. Dù khả năng này không lớn nhưng những nỗ lực vừa qua của Việt Nam chắc chắn sẽ được ghi nhận, từ đó mang lại tâm lý tích cực cho thị trường.