Ủy ban Kinh tế đánh giá cao hiệu quả các giải pháp Chính phủ đã và đang thực hiện
Ủy ban Kinh tế đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ và hiệu quả từ các giải pháp mà Chính phủ đã và đang thực hiện. Bên cạnh việc tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp nêu trong Nghị quyết số 85/2019/QH14 của Quốc hội, Ủy ban đề nghị quan tâm một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể.
Trong đó, đề nghị Chính phủ cần chủ động xây dựng các kịch bản phát triển kinh tế - xã hội trong ngắn hạn, dài hạn trong đó có kịch bản với dự báo chưa thể khống chế dịch Covid-19 trong năm 2020; đồng thời đánh giá lại các chỉ tiêu, các cân đối lớn của nền kinh tế năm 2020 và cho cả giai đoạn 2016-2020; kiểm soát có hiệu quả những nhiệm vụ chi cần thiết, thực hiện tiết giảm mạnh hơn chi thường xuyên trong các hoạt động hành chính của các cơ quan nhà nước.
“Các chính sách kinh tế, chính sách tài chính, ngân sách, tín dụng để kích thích sản xuất và khắc phục hậu quả đại dịch Covid-19 (nếu có) phải bảo đảm đúng đối tượng, liều lượng và thời điểm, tính toán kỹ khả năng hấp thụ của nền kinh tế”, Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh nêu.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh |
Báo cáo thẩm tra cho rằng, cần tiếp tục phòng, chống dịch Covid-19 quyết liệt, kiểm soát chặt các nguồn lây nhiễm từ nước ngoài, không để dịch bệnh bùng phát, lây lan trở lại. Triển khai nhanh, có hiệu quả các gói kích cầu phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội, bảo đảm công khai, minh bạch. Và lưu ý “cần thường xuyên kiểm tra, giám sát, thanh tra và xử lý nghiêm khắc, kịp thời các hành vi vi phạm nếu có xảy ra”.
Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện có hiệu quả, thực chất cải cách hành chính, giao dịch điện tử liên thông giữa các bộ, ngành, địa phương để thu hút mạnh đầu tư nước ngoài, phục hồi và phát triển doanh nghiệp trong nước. Có cơ chế, chính sách, giải pháp để phát triển sản xuất trong nước, tiêu dùng sản phẩm, hàng hóa dịch vụ nội địa.
Phát huy vai trò của Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tăng cường theo dõi, dự báo, có giải pháp đón đầu việc tái mở cửa của các nước và xu hướng dịch chuyển các dòng vốn đầu tư, cơ sở sản xuất từ các nước sang Việt Nam.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cũng nhấn mạnh, cần tập trung xử lý các điểm nghẽn, nút thắt về đất đai, thủ tục hành chính, thể chế, tháo gỡ khó khăn cho các dự án đầu tư chậm giải ngân; triển khai nhanh các dự án đầu tư công, nhất là đối với các dự án, công trình trọng điểm quốc gia có tác động lan tỏa lớn. Khẩn trương xây dựng và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt hệ thống quy hoạch theo Luật Quy hoạch để triển khai cho giai đoạn sau năm 2020.
Trong thời gian tới, cần tái cơ cấu cây trồng, vật nuôi để thích ứng với biến đổi khí hậu, gắn với bảo đảm an ninh nguồn nước, an ninh lương thực, chủ động triển khai xây dựng các công trình tích nước; nghiên cứu chuyển đổi từ trồng các loại cây xuất khẩu khó khăn, giá trị gia tăng thấp sang các loại cây thị trường trong nước có nhu cầu cao, nhập khẩu nhiều, giá trị gia tăng lớn.
Đặc biệt, cần tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tái đàn lợn trong nước, tạo thuận lợi để doanh nghiệp nhập khẩu lượng thịt lợn hợp lý, cân bằng cung cầu trong nước. Rà soát, đánh giá cân đối nhu cầu dự trữ đối với các mặt hàng thiết yếu (nhất là lúa gạo) để tranh thủ cơ hội cạnh tranh, nhu cầu và giá xuất khẩu tăng cao.
Trong lĩnh vực giáo dục, cần thực hiện tốt việc thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, cao đẳng. Nghiên cứu hoàn thiện quy chế, công nghệ đào tạo trực tuyến, trang thiết bị, phương thức đánh giá chất lượng để có thể phát triển ổn định.
Đầu tư mạnh mẽ hơn cho giáo dục nghề nghiệp, nâng cao năng suất lao động, tăng số lượng lao động lành nghề, đặc biệt là trình độ kỹ thuật tay nghề. Chú trọng đầu tư cho hệ thống y tế, củng cố hệ thống y tế công cộng, y tế dự phòng, chăm sóc sức khỏe và trang bị các thiết bị y tế đầy đủ; chủ động tăng cường phòng chống dịch bệnh.
Báo cáo thẩm tra cũng đề nghị khẩn trương thực hiện các thủ tục phê chuẩn và tổ chức thực thi Hiệp định EVFTA, EVIPA. Theo dõi sát diễn biến chính trị quốc tế, đặc biệt sự cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, trong đó có vấn đề thương mại và dịch bệnh. Tăng cường công tác đối ngoại, chủ động thực hiện các biện pháp bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo, biên giới.