Vấn đề, sự kiện kinh tế toàn cầu năm 2020
Tương lai nào cho thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung | |
Fed giữ nguyên lãi suất và việc mua tài sản |
Đại dịch Covid-19 gây khủng hoảng toàn cầu
Đại dịch Covid-19 bùng phát đầu tiên ở Vũ Hán, Trung Quốc vào cuối tháng 12/2019 và đã nhanh chóng lan ra khắp thế giới. Tới cuối tháng 12/2020, Covid-19 đã xuất hiện tại 218 quốc gia và vùng lãnh thổ, lây nhiễm cho hơn 82 triệu người, trong đó có hơn 1,8 triệu ca tử vong. Đại dịch đã đẩy nhiều nước lâm vào cuộc khủng hoảng kép về y tế và kinh tế, khiến GDP toàn cầu mất hàng nghìn tỷ USD.
Trong đó, chịu tác động lớn nhất là ngành du lịch và các lĩnh vực liên quan như hàng không, nhà hàng, khách sạn, bán lẻ… Đồng thời, tác động sâu rộng tới mọi phương diện của đời sống của cá nhân và cả nền kinh tế, làm thay đổi cách thức làm việc, sinh hoạt, giao tiếp và buộc thế giới phải thích nghi với trạng thái “bình thường mới”.
Cho đến nay, dù việc nghiên cứu, phát triển vắc xin ngừa Covid-19 đang tiến triển nhanh, một số loại đã được phê duyệt và đưa vào sử dụng song đại dịch vẫn diễn biến phức tạp, bắt đầu xuất hiện các chủng biến thể mới và tiếp tục là đám mây u ám che phủ kinh tế toàn cầu khi thế giới bước vào năm 2021. Có lẽ vì vậy mà Covid-19 bùng phát chính là sự kiện đáng chú ý nhất, là nguyên nhân trực tiếp và gián tiếp có ảnh hưởng lớn nhất, cũng như là nguồn cơn của nhiều sự kiện lớn tiếp theo trong năm qua.
Kinh tế thế giới suy giảm tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ
Covid-19 xuất hiện và đã nhanh chóng đẩy nền kinh tế toàn cầu - vốn đang trong giai đoạn phục hồi mong manh - rơi vào đợt suy giảm tồi tệ nhất kể từ Chiến tranh Thế giới thứ II. Hàng nghìn tỷ USD của kinh tế thế giới “ra đi” vì dịch bệnh, làm mất đi nhiều thành quả có được trong những năm qua.
Theo dự báo mới nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), kinh tế toàn cầu ước tính suy giảm khoảng 4,4% trong năm 2020, chủ yếu do tác động của Covid-19. Trong đó, GDP của Mỹ và EU sẽ giảm lần lượt 4,3% và 8,3%. Trong khi đó, theo Ngân hàng Thế giới (WB), tỷ lệ nghèo trên toàn cầu tăng lên, với khoảng 88 triệu - 115 triệu người dự kiến sẽ lại rơi vào cảnh nghèo cùng cực trong năm 2020, xóa bỏ đi kết quả phát triển trong hàng thập kỷ.
Một điểm rất đáng chú ý là trong khi tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm sút thì một số thị trường chứng khoán lại chạm những mốc cao nhất mọi thời đại. Liệu xu hướng đi lên của chứng khoán – vẫn được xem là phong vũ biểu của nền kinh tế, có là chỉ báo cho sự phục hồi tích cực của nền kinh tế thực trong năm 2021 hay không đang là câu hỏi lớn và không thể dùng các nguyên lý kinh tế đơn thuần để trả lời, bởi bối cảnh hiện nay – trong giai đoạn Covid-19 vẫn đang hoành hành – là rất khác thường.
“Bom nợ” có thể phát nổ giai đoạn hậu Covid-19
Có lẽ chưa bao giờ mà nhất loạt và cùng lúc mọi lĩnh vực, mọi hoạt động kinh tế - xã hội, mọi sinh hoạt và công việc của người dân khắp thế giới đều chịu ảnh hưởng như vậy. Các biện pháp phong tỏa và đóng cửa biên giới để khống chế đại dịch đã khiến thương mại đình trệ, chuỗi cung ứng đứt gãy, dẫn tới làn sóng DN phá sản, tạm ngừng hoạt động trên khắp thế giới. Các nước đã phải tung ra các gói kích thích kinh tế trị giá hàng nghìn tỷ USD cùng các công cụ điều hành tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế vượt qua khoảng thời gian khó khăn này. Theo ước tính đưa ra vào tháng 10/2020 của IMF, các biện pháp tài khóa mà các chính phủ trên toàn cầu đưa ra để đối phó cú sốc do Covid-19 gây ra đã tiêu tốn khoảng 12 nghìn tỷ USD.
Các chi tiêu khổng lồ như vậy, cộng hưởng với vay nợ của khu vực DN, khu vực hộ gia đình… đang đẩy nợ trên toàn cầu lên mức cao chưa từng thấy. Theo một báo cáo của Viện Tài chính Quốc tế (IIF), nợ toàn cầu đã tăng hơn 15 nghìn tỷ USD kể từ năm 2019, đạt mức kỷ lục mới hơn 272 nghìn tỷ USD vào quý III/2020 và dự báo sẽ đạt 277 nghìn tỷ USD vào cuối năm 2020. Nếu tính tỷ lệ nợ trên GDP toàn cầu, mức tăng sẽ từ 320%/GDP năm 2019 lên 365%/GDP năm 2020.
Làn sóng tăng nợ lớn như vậy khiến các nhà phân tích lo ngại về khả năng “quả bom nợ” sẽ phát nổ trong tương lai, vì những làn sóng vay nợ trước đây thường kéo theo sau đó là các cuộc khủng hoảng nợ, khủng hoảng tài chính. Cho dù khả năng xảy ra khủng hoảng hiện nay đã giảm đi rất nhiều nhờ các điều kiện vĩ mô của kinh tế thế giới thuận lợi hơn, khả năng can thiệp và hỗ trợ (đặc biệt trong cung cấp thanh khoản) của các NHTW cũng tốt hơn, hệ thống ngân hàng được cấp vốn dồi dào hơn và sử dụng đòn bẩy nợ ít hơn… nhưng đây vẫn là rủi ro không thể xem nhẹ.
Tuy nhiên, kỳ vọng là một cuộc khủng hoảng nợ nghiêm trọng, mang tính toàn cầu như vậy có thể chỉ xảy ra khi kinh tế thế giới đã thực sự thoát khỏi đại dịch Covid, thoát khỏi tình trạng suy giảm trong khi lạm phát tăng mạnh trở lại - tình thế buộc các NHTW phải mạnh tay thắt chặt chính sách tiền tệ. Đến nay thì gần như chắc chắn rằng, sẽ phải mất khá nhiều thời gian nữa thì nền kinh tế toàn cầu mới chuyển sang trạng thái như vậy. Và khi rơi vào trạng thái đó nhưng với tâm thế chủ động khi mọi hoạt động đã trở lại bình thường, thế giới nói chung, từng nền kinh tế nói riêng sẽ bắt tay vào giải quyết được nguy cơ này một cách ổn thỏa nhất.
Khủng hoảng trên thị trường lao động
Một trong những hệ lụy vô cùng lớn mà đại dịch Covid-19 gây ra là việc làm của người lao động bị ảnh hưởng, tỷ lệ thất nghiệp hoặc phải chấp nhận giảm giờ làm tăng vọt. Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cho biết, tại một số quốc gia, ảnh hưởng ban đầu của Covid-19 lên thị trường việc làm lớn gấp 10 lần so với những gì quan sát được trong những tháng đầu tiên của khủng hoảng tài chính toàn cầu hồi năm 2008.
Trong khi đó, theo một báo cáo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), chỉ trong 4 tháng đầu năm 2020 đã có tới 81% lực lượng lao động toàn cầu (khoảng 3,3 tỷ người) chịu tác động do nơi làm việc bị đóng cửa một phần hoặc toàn bộ. Trong quý II/2020, số giờ làm việc trên thế giới đã giảm 6,7%, tương đương 195 triệu người lao động làm việc toàn thời gian.
Tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, ILO ước tính số giờ làm việc đã giảm 15,2% trong quý II và 10,7% trong quý III/2020 so với mức trước khủng hoảng. ILO cũng dự báo có khoảng 81 triệu lao động tại khu vực này mất việc làm trong năm vừa qua, đưa tỷ lệ thất nghiệp tăng từ 4,4% năm 2019 lên mức 5,2% - 5,7% trong năm 2020. Thất nghiệp hoặc giảm giờ làm khiến thu nhập của người lao động giảm mạnh, trực tiếp ảnh hưởng tới khả năng chi tiêu. ILO cảnh báo khó khăn trên thị trường lao động do ảnh hưởng của Covid-19 có nguy cơ để lại hậu quả lâu dài về nghèo đói và những bất ổn về kinh tế - xã hội.
Ngành du lịch, hàng không toàn cầu lao đao
Dù mọi ngành nghề đều chịu ảnh hưởng, nhưng chịu tác động nặng nề nhất vì Covid-19 trong năm qua chính là ngành du lịch, hàng không. Theo dữ liệu du lịch mới nhất của Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), trong giai đoạn từ tháng 1-10/2020 các điểm đến trên toàn cầu đã đón ít hơn 900 triệu khách du lịch quốc tế so với cùng kỳ năm 2019, dẫn đến thiệt hại khoảng 935 tỷ USD doanh thu từ du lịch quốc tế - mức thiệt hại gấp hơn 10 lần so với năm 2009, năm chịu tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu. UNWTO dự kiến lượng khách quốc tế sẽ giảm 70% - 75% trong cả năm 2020, tương đương với giảm 1 tỷ lượt khách và 1,1 nghìn tỷ USD doanh thu du lịch quốc tế. Sự sụt giảm này có thể dẫn đến tổng thiệt hại khoảng 2 nghìn tỷ USD cho kinh tế toàn cầu, tương đương 2% GDP thế giới tính theo năm 2019.
Cùng với đó là những thiệt hại rất lớn của ngành hàng không. Báo cáo đánh giá chi tiết về ngành hàng không năm 2020 của tổ chức phân tích dữ liệu Cirium cho biết, chỉ trong vòng vài tháng qua, đại dịch Covid-19 đã xóa tan thành quả 21 năm tăng trưởng lưu lượng hành khách hàng không toàn cầu. Theo đó, lưu lượng hành khách năm 2020 giảm xuống mức tương đương năm 1999 và ước tính giảm 67% so với năm 2019. Còn theo số liệu của Hiệp hội Vận tải Hàng không quốc tế (IATA), dự kiến năm 2020 ngành hàng không toàn cầu lỗ khoảng 118,5 tỷ USD.
Giá dầu lần đầu tiên về mức âm
Ngày 20/4/2020 đã trở thành ngày lịch sử của ngành dầu mỏ thế giới khi giá dầu thô WTI giao tháng 5/2020 chốt phiên 20/4 rơi xuống mức -37,63 USD/thùng. Sự kết hợp “hoàn hảo” giữa đại dịch Covid-19; cuộc chiến giá dầu giữa Nga và Saudi Arabia; sức chứa và cung - cầu tại Mỹ thời điểm đó là những nguyên nhân chính gây ra tâm lý lo ngại khiến một số NĐT đã quyết định “bán tháo” bằng mọi giá, đẩy giá dầu WTI rơi xuống mức âm như vậy chỉ trong vài giây cuối cùng chốt phiên giao dịch. Thực chất,
-37,63 USD/thùng là mức giá được giao dịch giữa các trader trên sàn giao dịch chứ không phải là giá giao dịch giữa nhà sản xuất dầu thô và người sử dụng cuối cùng (các nhà máy lọc dầu) và số lượng giao dịch ở mức này rất thấp, chỉ khoảng 600 ngàn thùng.
Việc giá dầu WTI giảm đột ngột như vậy tuy chỉ mang tính cục bộ tại Mỹ và diễn ra trong thời gian rất ngắn nhưng cũng có ảnh hưởng mạnh tới tâm lý trên thị trường. Dù không còn xuất hiện tình trạng giá dầu âm kể từ đó đến nay nhưng giá dầu cũng duy trì ở mức thấp trước khi dần phục hồi trở lại và xu hướng tăng nhanh hơn vào những tháng cuối năm 2020, hiện đã quanh ngưỡng 51 USD/thùng (dầu Brent) và 48 USD/thùng (dầu WTI) - các mức cao nhất trong 10 tháng qua.
Giá vàng liên tục lập đỉnh mới
Nếu mức đỉnh 1.920 USD/ounce của giá vàng được ghi nhận vào tháng 9/2011 được xem là mốc khó có thể vượt qua (và thực tế trong suốt giai đoạn 2011-2019 giá vàng không vượt qua mức này) thì Covid-19 với những bất ổn mà nó gây ra đã khiến giá vàng bước vào chu kỳ tăng mạnh trở lại. Mức đỉnh trên đã liên tục bị phá vỡ (giá vàng chạm mốc 1.940 USD/ounce vào ngày 27/7/2020; chạm mốc 2.070 USD/ounce ngày 7/8/2020), trước khi giảm nhẹ trở lại quanh mức 1.900 USD/ounce trong những ngày cuối cùng của năm 2020.
Vàng vẫn luôn được xem là kênh trú ẩn an toàn mỗi khi nền kinh tế rơi vào khó khăn, khủng hoảng. Viễn cảnh bất ổn và dự báo kinh tế toàn cầu tiếp tục ảm đạm trong năm 2021 vì Covid-19 có thể khiến kênh trú ẩn an toàn này vẫn tiếp tục được lựa chọn, nhưng cũng có thể nó sẽ không còn an toàn khi giá đã ở các mức quá cao. Một số dự báo của các tổ chức cho thấy giá vàng có thể chạm mốc 2.300 USD/ounce hoặc cao hơn trong năm nay, nhưng cũng có một số ít dự báo giá vàng có thể về mức 1.500 USD/ounce.
BTC vượt mốc 34.000 USD
Mọi người rất có thể đã đi tới nhận định rằng, đồng tiền điện tử Bitcoin (BTC) là một trong những “hàng hóa” ít chịu ảnh hưởng nhất bởi Covid-19 nếu không có 2 đợt biến động lớn trong năm 2020. Một là đợt sụt giảm mạnh từ mức trên 9.000 USD/BTC xuống dưới 5.000 USD vào tháng 3/2020, sau đó hồi phục và duy trì biến động trong khoảng 9.000-12.000 USD đến tháng 10/2020.
Nhưng câu chuyện với đồng tiền ảo này chưa kết thúc ở đó khi chỉ trong tháng 11 và đặc biệt là tháng 12/2020, giá BTC lại tăng chóng mặt, để kết thúc ngày cuối cùng của năm 2020 (31/12/2020) ở mức đỉnh 29.115 USD, tăng khoảng 3 lần so với giá trung bình và hơn 6 lần so với mức giá thấp nhất trong năm 2020.
Và chỉ trong những ngày đầu năm 2021, giá BTC tiếp tục đà tăng mạnh, có lúc gần chạm mốc 42.000 USD vào ngày 9/1 trước khi quay đầu giảm mạnh trở lại. Giới phân tích cho rằng, khi dễ dàng “công phá” thành công mức kháng cự 30.000 USD như vậy, rất có thể Btc sẽ sớm tiếp quay lại đà tăng và có thể đạt đỉnh tại 48.000 USD trong tương lai không xa. Giá BTC tăng mạnh cũng tạo lực đẩy giúp các tiền ảo vốn hóa nhỏ hơn tăng tốc trong những ngày gần đây.
Châu Phi có AfCFTA, châu Á có RCEP
Nếu các vấn đề, sự kiện kinh tế quốc tế lớn trong năm 2020 đều mang theo hàm ý bất định, rủi ro và tiêu cực gia tăng thì cũng có những tín hiệu tích cực cần được ghi nhận. Đơn cử trong năm vừa qua, thế giới ghi nhận hai siêu hiệp định: Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) giữa ASEAN cùng 5 đối tác (Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand) và Hiệp định thương mại tự do khu vực châu Phi (AfCFTA).
Trong đó, RCEP (ký ngày 15/11/2020 tại Hà Nội, Việt Nam) được coi là động lực thúc đẩy hội nhập kinh tế, bảo vệ hệ thống thương mại đa phương vào thời điểm chủ nghĩa đa phương đang mất dần chỗ đứng và tăng trưởng toàn cầu suy giảm. Với quy mô thị trường 2,2 tỷ dân, chiếm khoảng 30% dân số thế giới và gần 30% GDP toàn cầu, RCEP mở ra một khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới.
Theo các nhà phân tích, RCEP mở ra một giai đoạn hợp tác kinh tế thương mại mới đầy hứa hẹn. Khuôn khổ hợp tác mới của RCEP sẽ góp phần đẩy mạnh tiến trình xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN 2025, từ đó giúp đưa ASEAN trở thành đối tác năng động, mạnh mẽ, hợp tác vì sự thịnh vượng chung. RCEP vì vậy không chỉ được kỳ vọng sẽ giúp các quốc gia ASEAN phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19, mà còn là biểu tượng nêu bật tầm quan trọng của ASEAN trong giai đoạn tới. Với tổng GDP đã đạt 2.570 tỷ USD năm 2019, nhiều dự báo cho rằng ASEAN có thể trở thành nền kinh tế lớn thứ tư thế giới vào cuối thập kỷ này.
Một siêu hiệp định khác là AfCFTA. Đây là khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới về số lượng các quốc gia thành viên tham gia kể từ khi WTO được thành lập, gồm 54/55 quốc gia châu Phi (chỉ còn Eritrea chưa ký kết thỏa thuận này). Trong đó các nước thành viên AfCFTA cam kết cắt giảm 90% thuế quan trong thời hạn 5 năm và AfCFTA dự kiến sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2021. Hiệp định nhằm mục đích gắn kết thị trường 1,2 tỷ dân, tạo ra một khối kinh tế trên 4.000 tỷ USD, có thể mở ra một kỷ nguyên phát triển mới tại khu vực châu Phi.
Brexit có hậu với một thỏa thuận thương mại
Sau 47 năm gắn bó trong "ngôi nhà chung" Liên minh châu Âu (EU), Vương quốc Anh đã chính thức rời EU ngày 31/1/2020. Trong giai đoạn chuyển tiếp, hai bên có 11 tháng (đến hết ngày 31/12/2020) để tiếp tục duy trì mô hình quan hệ cũ, đồng thời đàm phán để đạt được một thỏa thuận thương mại hậu Brexit. Sau nhiều nỗ lực đàm phán với nhiều thời điểm tưởng như không thể đạt được đồng thuận, cuối cùng vào ngày 24/12 Anh và EU đã thông báo chính thức đạt được thỏa thuận thương mại hậu Brexit, qua đó tránh được một Brexit không thỏa thuận.
Với các điều khoản về hợp tác trong tương lai, bao gồm nội dung về thương mại hàng hóa và dịch vụ, giao thông, năng lượng, thủy sản, bảo vệ dữ liệu... thỏa thuận trên giúp tránh thuế quan và đảm bảo cho thương mại song phương vận hành một cách tốt nhất khi Anh thực sự tách khỏi EU. Sau khi rời EU, Anh cũng đã thúc đẩy các cuộc đàm phán các FTA song phương với nhiều nền kinh tế khác, như ký FTA với Nhật Bản, ký thỏa thuận thương mại tạm thời với Canada, hay mới đây nhất là ký FTA với Singapore và Việt Nam.