Văn hóa là cái còn lại sau khi tất cả mất đi
Đó cũng là chủ đề trao đổi giữa phóng viên Thời báo Ngân hàng với ông Huỳnh Văn Hùng, Giám đốc Sở Văn hoá - Thể thao TP. Đà Nẵng.
Ông Huỳnh Văn Hùng (người ngoài cùng từ trái sang) trong lễ công bố quyết định và đón nhận bằng xếp hạng di tích quốc gia Hải Vân Quan |
Đã có giai đoạn, trong quá trình tập trung đầu tư nhằm tăng trưởng kinh tế, thực hiện đô thị hóa, nhiều di sản văn hóa, lịch sử của TP. Đà Nẵng đã bị xâm hại nặng nề?
Đúng là đã có một thời gian dài như vậy. Các di tích quốc gia như Thành Điện Hải, Nghĩa trủng Phước Ninh, Hải Vân Quan bị xâm hại từ vùng đệm đến vùng lõi. Nhà Chứng tích tội ác chiến tranh, sân vận động Chi Lăng với tư cách là một di tích lịch sử, rồi các công trình kiến trúc nghệ thuật từ thời Pháp thuộc lần lượt bị chuyển nhượng. Danh thắng Ngũ Hành Sơn có lúc được xem là Khu du lịch hơn là một di tích văn hóa, lịch sử… Khi một di tích bị xâm phạm hay bị hủy hoại thì việc phục hồi sẽ vô cùng khó khăn, giá trị di sản bị giảm sút rất nhiều. Nhắc lại những chuyện không vui như trên để từ nay, chúng ta có trách nhiệm hơn, có ý thức hơn trong việc bảo vệ, giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa - lịch sử trên địa bàn thành phố.
Lịch sử là một dòng chảy liên tục từ quá khứ sang hiện tại đến tương lai. Di sản văn hóa vật thể và phi vật thể là chứng tích của quá khứ, là dấu ấn của bao lớp cha ông trong quá trình dựng nước và giữ nước. Sự ứng xử đối với các di tích văn hóa lịch sử của chúng ta hôm nay, thể hiện tình cảm, đạo lý, trách nhiệm đối với các bậc tiền nhân. Nếu chúng ta bàng quan, vô cảm, thiếu trách nhiệm với các di sản thì các thế hệ mai sau cũng sẽ ứng xử với chúng ta như vậy, thậm chí còn tệ hại hơn. Nhà văn Nga Rasul Gamzatov từng cảnh báo: “Nếu anh bắn vào quá khứ bằng súng lục thì tương lai sẽ bắn vào anh bằng đại bác”.
Và Đà Nẵng đã khắc phục "những chuyện không vui" đó như thế nào, thưa ông?
Có thể nói rằng, chưa bao giờ lĩnh vực văn hóa - xã hội được thành phố quan tâm đầu tư như thời gian qua. Tình trạng xem nhẹ văn hóa, coi văn hoá như “bánh xe thứ 5”, cơ bản được khắc phục. Kinh phí đầu tư cho sự nghiệp văn hóa thoát khỏi nhóm tỉnh, thành đầu tư kém nhất nước. Nhiều di tích lịch sử, văn hóa của thành phố được bảo tồn, tôn tạo, phục hồi, quản lý tốt như di tích Thành Điện Hải, Hải Vân Quan, danh thắng Ngũ Hành Sơn. Thành phố có 2 bảo tàng trong tốp 5 bảo tàng thu hút nhiều khách tham quan nhất nước là Bảo tàng Điêu khắc Chăm và Bảo tàng Lịch sử. Gần đây việc chọn cơ sở 42 Bạch Đằng (trụ sở làm việc cũ của chính quyền thành phố) để đầu tư trên 500 tỷ đồng xây dựng Bảo tàng Đà Nẵng thời gian đến là một quyết định lịch sử, để lại dấu ấn trăm năm sau, bởi như nhiều người đã nói: “Văn hóa là cái còn lại sau khi tất cả mất đi”. Chỉ có như vậy, Đà Nẵng mới không bị coi là thành phố thiếu thốn phần hồn, thành phố không biết lưu giữ ký ức. Và chỉ có như vậy, chúng ta mới có điều kiện giáo dục truyền thống yêu quê hương, đất nước cho các thế hệ hiện nay và mai sau.
Có một thực tế hiện nay là, phần đông học sinh, sinh viên của chúng ta không thích học môn lịch sử, nhiều em biết các nhân vật lịch sử, câu chuyện lịch sử ở nước ngoài nhiều hơn ở trong nước. Việc chúng ta đầu tư xây dựng hệ thống các bảo tàng, tôn tạo, phục hồi các di tích văn hóa, lịch sử sẽ góp phần khắc phục tình trạng nêu trên, bởi các hiện vật, các di tích luôn gắn liền với các câu chuyện lịch sử sống động, hấp dẫn. Di sản văn hóa, lịch sử và hệ thống các bảo tàng cũng là nguồn tài nguyên, là sản phẩm quan trọng của ngành du lịch. Nếu bảo tồn di sản mà không phát huy giá trị, không vì lợi ích của cộng đồng thì việc bảo tồn sẽ không bền vững. Ngược lại, nếu khai thác tùy tiện vì du lịch thì sẽ đánh mất tài nguyên di sản. Do vậy, hoạt động du lịch phải có trách nhiệm góp phần bảo tồn di sản nhằm phát triển du lịch bền vững.
Người Quảng có một đặc điểm rất nổi tiếng là “hay cãi”. Ở khía cạnh nào đó, “cãi” cũng là di sản văn hóa phi vật thể nhưng đang dần mai một. Còn ý kiến của riêng ông?
“Cãi” là dùng lý lẽ để phản bác ý kiến người khác, bảo vệ quan điểm của mình. Người “hay cãi” cũng là người hay tranh luận, phản biện - yếu tố quan trọng để thúc đẩy sự phát triển xã hội… Xứ Quảng từng sản sinh ra nhiều người con “hay cãi” nổi tiếng, được sử sách khắc ghi, người đời ca tụng. Cụ Phạm Phú Thứ từng dâng sớ can ngăn vua Tự Đức, đừng ham vui chơi mà quên lo cho dân, cho nước. Các cụ Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng, Phan Thanh dám đương đầu chống đối đường lối cai trị hà khắc của chế độ thực dân, phong kiến. Nhà văn, nhà báo Phan Khôi từng châm ngòi cho các cuộc bút chiến nảy lửa từ Nam ra Bắc trước năm 1945. Ông Hồ Nghinh - cố Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng, tỏ rõ quan điểm không bằng lòng với chủ trương cải tạo quản lý nông nghiệp và cải tạo công thương nghiệp sau năm 1975. Giáo sư Hoàng Tụy đề nghị nhất thiết phải cải cách đường lối giáo dục nước nhà… Quan sát trong cuộc sống hiện nay, dường như văn hóa “hay cãi” đang bị mai một, nhiều người “dám nghĩ” mà không “dám nói”, hoặc nói quanh co, lòng vòng, ít bày tỏ chính kiến, ít tranh luận, phản biện đến cùng về một vấn đề gì đó. Nếu đây là thực tế thì có thể nói là một bước lùi trong tư duy phản biện của con người Xứ Quảng.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi khá thú vị này!