Viện Chiến lược Ngân hàng - 10 năm một chặng đường
Bà Nguyễn Thị Hòa |
Thưa bà, Viện CLNH tiền thân là Vụ Chiến lược phát triển Ngân hàng, việc thay đổi tên gọi có thay đổi vị trí, vai trò của Viện trong ngành Ngân hàng?
Năm 2008, Viện CLNH được thành lập trên cơ sở Vụ Chiến lược phát triển Ngân hàng. 10 năm qua Viện đã trải qua một số lần thay đổi về cơ cấu tổ chức vào các năm 2014 và 2018 để phù hợp với thực tiễn hoạt động, từ đó củng cố và kiện toàn bộ máy để đảm bảo hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.
Về nhiệm vụ nghiên cứu và xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành Ngân hàng, thời gian qua Viện đã hoàn thành việc xây dựng nhiều đề án, chiến lược quan trọng đáp ứng yêu cầu phát triển của Ngành.
Về nhiệm vụ tổ chức nghiên cứu, triển khai và quản lý việc thực hiện các nhiệm vụ KH&CN của ngành Ngân hàng. Với vai trò là Thường trực Hội đồng KH&CN, Viện đã từng bước củng cố, nâng cao hoạt động công tác nghiên cứu, quản lý KH&CN ngân hàng cả về chất lượng và phương thức hoạt động; tạo môi trường pháp lý thống nhất quản lý hoạt động KHCN ngành Ngân hàng. Bên cạnh đó, là một đơn vị nghiên cứu, công tác nghiên cứu khoa học là một trong những nền tảng cơ bản, đóng góp quan trọng cho hoạt động chuyên môn chung của Viện.
Vì vậy, trong những năm qua Viện đã luôn chủ động, đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học qua nhiều hình thức như tham gia các đề tài trọng điểm cấp Nhà nước, chủ trì nghiên cứu nhiều đề tài cấp Ngành, cấp cơ sở; nghiên cứu các chủ đề theo yêu cầu của Ban Lãnh đạo NHNN; chủ động đề xuất nghiên cứu các vấn đề mới hoặc phối hợp với các đơn vị, vụ, cục trong NHNN để xác định nhu cầu cần nghiên cứu, hỗ trợ cho công tác quản lý Nhà nước… từ đó xây dựng các báo cáo chuyên đề có tính chuyên sâu đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn.
Nhìn lại chặng đường 10 năm qua, Viện CLNH có đóng góp nổi bật nào vào sự phát triển chung của toàn Ngành?
Có thể nói những kết quả đã đạt được của Viện đều cho thấy những dấu ấn, thể hiện được vai trò của Viện CLNH. Có thể kể đến những kết quả cụ thể như sau: Về nhiệm vụ nghiên cứu và xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành Ngân hàng, thời gian qua Viện đã xây dựng và trình Chính phủ, Thống đốc NHNN ký ban hành nhiều đề án, chiến lược quan trọng của Ngành. Đó là Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Đề án nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế; Đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam; Chủ trì xây dựng Chiến lược quốc gia về Tài chính toàn diện…
Về nhiệm vụ tổ chức nghiên cứu, triển khai và quản lý việc thực hiện các nhiệm vụ KH&CN của ngành Ngân hàng, Viện đã xây dựng và trình Thống đốc ký ban hành Quy chế, Thông tư quản lý hoạt động nghiên cứu KH&CN ngành Ngân hàng; cải tiến quy trình xây dựng và triển khai các định hướng, chủ đề NCKH theo hướng khoa học và đa chiều. Các nhiệm vụ trên có tầm ảnh hưởng sâu rộng đến toàn ngành Ngân hàng, thể hiện vai trò tham mưu đặc trưng của Viện CLNH, được sự đánh giá cao của các cấp lãnh đạo. Trong đó, Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng là một dấu ấn đậm nét, thể hiện sự nỗ lực của cả tập thể Viện CLNH qua nhiều năm và đánh dấu một giai đoạn mới của ngành Ngân hàng.
Ngoài các nhiệm vụ được Ban Lãnh đạo NHNN giao và các nhiệm vụ thường xuyên, trong những năm gần đây Viện đã chủ động có những giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả trong việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của đơn vị.
Một số điểm mới có thể kể đến như: Chú trọng vào các nghiên cứu, kiến nghị chính sách phục vụ trực tiếp cho công tác điều hành, quản lý Nhà nước thông qua việc xây dựng các báo cáo chuyên đề chuyên sâu với chủ đề đa dạng, liên quan đến mọi lĩnh vực chủ chốt về quản lý Nhà nước của NHNN như: Chính sách tiền tệ, Thanh toán, Thanh tra giám sát và liên quan đến hoạt động kinh doanh của các tổ chức tín dụng…
Đẩy mạnh ứng dụng các NCKH vào thực tiễn thông qua tổ chức phổ biến kết quả đối với các đề tài cấp Bộ nghiệm thu đạt loại giỏi trở lên; Tăng cường hợp tác với các tổ chức trong và ngoài Ngành nhằm nâng cao hơn nữa tính thực tiễn và ứng dụng của các NCKH, tổ chức và phối hợp tổ chức thành công nhiều sự kiện có ý nghĩa quan trọng.
Con người được xem là yếu tố tiên quyết cho sự phát triển, bà có thể chia sẻ thêm về quá trình xây dựng đội ngũ nhân lực của Viện?
Ngay từ những ngày đầu thành lập, với nhận thức con người là yếu tố quyết định cho mọi thành công. Xuyên suốt quá trình xây dựng và phát triển, Viện CLNH luôn chú trọng đến công tác phát triển nguồn nhân lực cả về số lượng và chất lượng cán bộ.
Trong 10 năm qua, Viện đã tuyển dụng và tiếp nhận 37 cán bộ. Trong đó, có 5 tiến sĩ, 14 thạc sĩ, 18 cán bộ tốt nghiệp đại học trong nước đạt loại khá, giỏi, có trình độ ngoại ngữ, tin học tốt. Viện cũng rất chú trọng đến công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực với sự đa dạng trong hình thức đào tạo. Nhờ đó đến nay, Viện đã hình thành được một đội ngũ cán bộ có hàm lượng tri thức để đảm đương nhiệm vụ. Trong thời gian tới đây, công tác tổ chức cán bộ của Viện sẽ tiếp tục được chú trọng để xây dựng đội ngũ cán bộ có chất lượng cao hơn đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của công việc.
Bước sang một giai đoạn mới, vậy những mục tiêu và định hướng trong thời gian tới đây của Viện là gì, thưa bà?
Trong giai đoạn tới, bối cảnh trong nước và thế giới có nhiều biến động, xu thế hội nhập và cách mạng khoa học công nghệ đang lan tỏa đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Với mục tiêu thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ được giao và từng bước nâng cao vị thế của Viện CLNH, trong thời gian tới Viện cần tập trung vào những công việc sau:
Thứ nhất, tham mưu xây dựng, ban hành và giám sát chặt chẽ việc thực hiện đối với các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, đề án mà Ban Lãnh đạo NHNN giao cho Viện CLNH. Đặc biệt là việc giám sát thực hiện Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Thứ hai, phát huy hơn nữa vai trò là đơn vị đầu mối quản lý hoạt động KH&CN ngành Ngân hàng; nghiên cứu đề xuất các giải pháp cải tiến quy trình quản lý KH&CN để khai thác tối đa mọi nguồn lực tri thức phục vụ cho sự phát triển của ngành Ngân hàng.
Thứ ba, nâng cao năng lực nghiên cứu cho đội ngũ cán bộ; tăng cường phối hợp, trao đổi với các đơn vị nghiên cứu, các chuyên gia trong và ngoài ngành Ngân hàng để nâng cao chất lượng NCKH; gia tăng các sản phẩm nghiên cứu có tính định hướng, ứng dụng cao và các nghiên cứu có tính hàn lâm.
Có thể nói 10 năm là quãng đường còn khá non trẻ đối với một Viện nghiên cứu, nhưng đủ để đánh dấu một giai đoạn phát triển. Những thành quả đạt được là nền tảng bước đầu để vươn tới những mục tiêu xa hơn và để vị thế của Viện CLNH ngày càng được nâng cao.
Cảm ơn những chia sẻ của bà!