![]() |
Việt Nam cần thu hút FDI hướng mạnh vào tăng trưởng xanh, chuyển đổi số |
![]() |
Thời điểm thuận lợi để Việt Nam thu hút FDI nội khối châu Á |
![]() |
TP.HCM: Thu hút vốn FDI 2 tháng tăng 59% so với cùng kỳ |
Ngay từ đầu năm 2023, hai doanh nghiệp lớn của Singapore là Công ty TNHH Fulian và Hainan Longi Green Energy Technology Company Limited đã đăng ký tổng vốn khoảng 760 triệu USD để đầu tư dự án nhà máy công nghệ chính xác, sản xuất linh kiện điện tử, máy vi tính, thiết bị truyền thông, sản xuất tấm pin năng lượng…
Cùng thời điểm này, một số doanh nghiệp lớn của Nhật Bản cho biết cũng đang mở rộng tìm kiếm cơ hội “rót vốn” vào thị trường Việt Nam như Công ty Fujikin mới đầu tư xây dựng một trung tâm R&D tại Đà Nẵng, Tập đoàn Tenma vừa đề xuất kế hoạch xây dựng một nhà máy ép khuôn nhựa máy in với quy mô 150 triệu USD.
Một nhà đầu tư khác của Nhật là Castem, cũng muốn đầu tư nhà máy đúc kim loại với tổng số vốn 14 triệu USD… Đây là tín hiệu đáng mừng cho thấy Việt Nam vẫn là điểm đến thu hút vốn đầu tư nước ngoài trong bối cảnh nền kinh tế thế giới vẫn còn nhiều khó khăn.
![]() |
Ảnh minh họa. |
Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến cuối tháng 2/2023, trên toàn quốc, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 3,1 tỷ USD. Trong đó, có 261 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, tăng 42,6% so với cùng kỳ, tổng vốn đăng ký đạt hơn 1,76 tỷ USD tăng gần 2,8 lần so với cùng kỳ. Có 133 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt gần 535,4 triệu USD…
Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 17 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế. Cụ thể, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt hơn 2,17 tỷ USD, chiếm 70,1% tổng vốn đầu tư đăng ký; ngành hoạt động kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư gần 396,9 triệu USD, chiếm hơn 12,8% tổng vốn đầu tư đăng ký, tiếp theo lần lượt là các ngành bán buôn, bán lẻ; vận tải kho bãi với tổng vốn đăng ký đạt lần lượt là gần 202,1 triệu USD và gần 141,9 triệu USD.
Một điểm đáng quan tâm là trong 51 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam, Singapore hiện đang dẫn đầu với tổng vốn hơn 978,4 triệu USD, chiếm gần 31,6%, Đài Loan đứng thứ hai với gần 407,1 triệu USD, chiếm 13,1% tổng vốn đầu tư. Ngoài ra một số quốc gia khác thuộc châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan… cũng có tổng số vốn “đổ” vào thị trường Việt Nam rất đáng kể.
Theo Ngân hàng HSBC, Việt Nam hiện có 15 FTA và nhiều hiệp định khu vực bao gồm Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Những nỗ lực của Việt Nam khi ngay trong bối cảnh đại dịch Covid-19, đã cam kết và kiên trì thực hiện các FTA quan trọng bao gồm Hiệp định tự do thương mại Anh - Việt Nam, RCEP và CPTPP. Đồng thời, thị trường tiêu thụ nội địa của Việt Nam cũng là một thị trường quan trọng đối với các công ty đa quốc gia khi đầu tư mở rộng, tìm kiếm cơ hội mới.
Thực tế, thời gian qua các nhà đầu tư FDI hoặc các công ty đa quốc gia trong khu vực và toàn cầu đang hoạt động tại Việt Nam đóng góp hiệu quả cho hơn 80% tổng kim ngạch xuất khẩu ra khỏi Việt Nam và hơn 25% giá trị đầu tư trong nước. Trong số các công ty đa quốc gia này, phần lớn là các công ty châu Á.
Việc thu hút các doanh nghiệp đa quốc gia trong nội khối không chỉ giúp Việt Nam nâng tầm giá trị gia tăng của các sản phẩm xuất khẩu, mà đồng thời có lợi cho việc mở rộng cả chiều sâu và chiều rộng của thị trường tiêu thụ nội địa. Vì vậy, trong bối cảnh kinh tế thế giới khó khăn vừa qua, những nhà đầu tư hàng đầu trong khu vực châu Á vẫn tiếp tục duy trì sự tập trung vào Việt Nam.
Mới đây, Văn phòng Cơ quan Xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro) đã tiến hành khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài năm tài chính 2022. Báo cáo cho thấy, tỷ lệ doanh nghiệp có lãi trong hoạt động kinh doanh tại Việt Nam năm 2022 là 59,5%, tăng so với năm trước và có tới 53,6% số doanh nghiệp được hỏi cho rằng sẽ có triển vọng hơn về lợi nhuận kinh doanh vào năm 2023. Chính vì kinh doanh thuận lợi hơn nên doanh nghiệp Nhật Bản sẵn sàng mở rộng các hoạt động đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam với 60% doanh nghiệp cho biết sẽ tiếp tục đầu tư tại Việt Nam, cao nhất trong các nước Asean.
Nhiều chuyên gia nhận định, bây giờ là thời điểm thuận lợi để Việt Nam thu hút nhiều hơn nữa các dòng vốn FDI từ khu vực châu Á, bởi xét về trung và dài hạn Việt Nam sẽ tiếp tục hưởng lợi nhờ có hệ sinh thái sản xuất đã được thiết lập, chi phí cạnh tranh, số lượng công nhân tay nghề cao, tài sản và thu nhập của tầng lớp trung lưu ngày càng tăng.
Bên cạnh đó, các nhà đầu tư trong khu vực châu Á có hiểu biết sâu sắc về thị trường Việt Nam cả từ góc độ văn hóa và cách thức kinh doanh. Sự thuận lợi về khoảng cách địa lý cũng là một điểm cộng cho quyết định đầu tư vào Việt Nam của những tập đoàn châu Á.
Tuyết Thanh
Nguồn: