Việt Nam tự tin ứng phó với các diễn biến khó lường
Quan điểm này được nhấn mạnh tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ tư với chủ đề “Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập kinh tế sâu rộng trong tình hình mới”, do Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp với Chính phủ tổ chức ngày 5/6 tại TP. Hồ Chí Minh.
Điều hành CSTT giúp tăng khả năng chống chịu cú sốc bên ngoài
Ông Trần Tuấn Anh, Trưởng ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh, sau những năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu phát triển ấn tượng với những kết quả nổi bật. Cụ thể, quy mô nền kinh tế tăng gấp 12 lần, thu nhập bình quân đầu người tăng 8,3 lần, kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 29,5 lần, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng 22 lần, tỷ lệ hộ nghèo cả nước từ 58% năm 1993 xuống chỉ còn 2,23% năm 2021. Hiện nay, Việt Nam có quan hệ thương mại với trên 220 đối tác, 71 nước đã công nhận quy chế kinh tế thị trường đối với Việt Nam.
Các đại biểu trong nước và quốc tế đánh giá cao khả năng chống chịu trước các cú sốc của nền kinh tế Việt Nam |
“Để đạt được những thành tựu trên, nhân tố then chốt là chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội, nhất là về xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và chủ động, tích cực hội nhập quốc tế”, ông Trần Tuấn Anh khẳng định.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu nổi bật, thì năng lực tự chủ, khả năng thích ứng và sức chống chịu của nền kinh tế trước các cú sốc hoặc tác động bên ngoài còn yếu, do chịu ảnh hưởng mạnh từ biến động của khu vực FDI và một số thị trường lớn. Những diễn biến gần đây trên thị trường tài chính trong và ngoài nước cũng cho thấy tính dễ tổn thương của thị trường tài chính Việt Nam trước các cú sốc từ bên ngoài. Trong bối cảnh đó, CSTT vừa phải thực hiện chức năng ổn định thị trường, vừa hỗ trợ nền kinh tế phát triển. Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà chia sẻ, độ mở nền kinh tế của Việt Nam cuối năm 2021 là khoảng 187% GDP, luôn nằm trong top 10 quốc gia có độ mở lớn nhất toàn cầu kể từ năm 2014. Vì vậy, việc xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, tạo nền tảng vĩ mô bền vững để nền kinh tế thích ứng cao với biến động quốc tế là cần thiết hơn bao giờ hết.
Những năm qua, thực hiện chủ trương của Đảng, chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, điều hành của NHNN luôn kiên định mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô thông qua việc sử dụng đồng bộ, linh hoạt các công cụ, giải pháp CSTT. Theo đó, NHNN điều tiết thanh khoản phù hợp để vừa đảm bảo nguồn cung vốn cho tăng trưởng kinh tế, vừa kiểm soát lạm phát; lãi suất, tỷ giá được điều hành phù hợp, khuyến khích người dân nắm giữ VND, tăng dần tính linh hoạt của tỷ giá để hấp thụ các cú sốc; điều hành tín dụng để tăng trưởng đi đôi với chất lượng tín dụng, chỉ đạo các TCTD hướng dòng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, hỗ trợ tăng trưởng bền vững.
Phó Thống đốc khẳng định, công tác điều hành của NHNN đã góp phần đưa Việt Nam thành công vượt qua giai đoạn lạm phát ở mức hai con số, đi kèm với lãi suất tăng cao và thanh khoản bấp bênh; chuyển sang giai đoạn ổn định lạm phát từ năm 2012 đến nay. Môi trường vĩ mô ổn định là yếu tố quan trọng để củng cố nội lực qua phát triển sản xuất kinh doanh trong nước, tăng cường ngoại lực qua thu hút FDI, tạo thành sức mạnh tổng hợp giúp nền kinh tế Việt Nam phát triển nhanh và bền vững, gia tăng khả năng chống chịu khi điều kiện thị trường bất lợi.
Với nền tảng vĩ mô được củng cố vững chắc, xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam đã liên tục được cải thiện. Việt Nam được xếp hạng lần đầu vào tháng 4/1997. Trong suốt hành trình 25 năm đó, chúng ta đã được nâng xếp hạng 7 lần, với 6 lần tăng trong giai đoạn 2012 đến nay. “Kết quả này cho thấy có mối tương quan giữa việc duy trì ổn định kinh tế vĩ mô với việc từng bước nâng cao xếp hạng tín nhiệm quốc gia. Vì vậy chúng ta cần luôn kiên định mục tiêu kiểm soát lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô”, Phó Thống đốc nhấn mạnh.
Chủ trương đúng đắn, khách quan, nhất quán và xuyên suốt
Chia sẻ tại diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định việc xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ đi đôi với tích cực, chủ động hội nhập là chủ trương đúng đắn, khách quan, tư tưởng nhất quán và xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta. “Chúng ta phải có độc lập, tự chủ thì mới chủ động, tích cực hội nhập được; và ngược lại, việc chủ động, tích cực hội nhập chính là để có nền kinh tế độc lập, tự chủ”, Thủ tướng lưu ý. Xử lý mối quan hệ giữa độc lập, tự chủ với hội nhập quốc tế là một trong chín mối quan hệ lớn được Đảng ta khẳng định.
Theo Thủ tướng, vừa qua chúng ta đã trải qua và tiếp cận các vấn đề mang tính toàn cầu, toàn dân. Ví dụ ứng phó với dịch Covid-19, vấn đề biến đổi khí hậu, hay Cách mạng công nghiệp 4.0… là những vấn đề toàn cầu song cũng đồng thời mang tính toàn dân. Cách tiếp cận của Việt Nam là toàn cầu, tức là đề cao đoàn kết quốc tế, chủ nghĩa đa phương; cùng với tiếp cận toàn dân là lấy người dân làm chủ thể, người dân phải tham gia vào mọi chính sách có liên quan tới họ. “Trên thực tế chúng ta đã đi đúng hướng khi kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại”, Thủ tướng nhấn mạnh. Qua hơn 35 năm đổi mới, Việt Nam đối diện rất nhiều biến cố từ thế giới bên ngoài và từ nội tại nền kinh tế. Tuy nhiên, đến nay chúng ta vẫn giữ được ổn định trong một thế giới biến động. Đây là điều quan trọng nhất, khẳng định sự tự tin của chúng ta để xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.
Thủ tướng lưu ý, việc thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách phải luôn trên cơ sở tôn trọng thực tiễn, bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo. Thế giới ngày càng biến động khó lường, với những vấn đề vượt ngoài khả năng dự báo của chúng ta. Vì vậy Thủ tướng cảnh báo khó khăn, thách thức nhiều hơn là cơ hội và thuận lợi, song chúng ta tự tin, không hoang mang, lo sợ, mất bản lĩnh, cũng không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác để ứng phó với mọi diễn biến của tình hình mới.
Thủ tướng nhấn mạnh một số điểm như độ mở của nền kinh tế lớn, do đó sẽ chịu tác động, ảnh hưởng nhanh, nhạy trước các cú sốc bên ngoài. Hiện nay khả năng hấp thụ, nội lực hóa ngoại lực còn hạn chế; yêu cầu cấp thiết phải xử lý các thách thức đối với phát triển bền vững; sự cần thiết phải huy động hiệu quả các nguồn lực, đa dạng hóa các chuỗi cung ứng, nhất là trong bối cảnh thế giới đầy biến động, khó dự báo hiện nay... Thủ tướng nêu rõ, cần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ dựa trên ý chí tự lực, tự cường và phát huy sức mạnh tổng hợp của dân tộc gắn với sức mạnh thời đại; thể hiện nội lực là cơ bản, chiến lược và quyết định, nhưng ngoại lực là quan trọng, lâu dài, thường xuyên.
Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà chia sẻ, năm 2022, điều hành CSTT của NHNN đối mặt với khó khăn, thách thức, áp lực lệch pha so với thế giới trong việc thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát ngày càng tăng, trong khi cũng cần đồng thời triển khai các giải pháp hỗ trợ phục hồi kinh tế. Để hỗ trợ quá trình phục hồi kinh tế, ngành Ngân hàng sẽ thực hiện đồng bộ 3 nhóm giải pháp. Thứ nhất, nỗ lực triển khai hiệu quả gói hỗ trợ lãi suất 40.000 tỷ đồng, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh phục hồi. Thứ hai, tiếp tục theo dõi sát diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường tài chính tiền tệ để điều hành chủ động, linh hoạt CSTT, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khoá và các chính sách kinh tế vĩ mô khác, thích ứng linh hoạt với tình hình nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu, góp phần duy trì ổn định kinh tế vĩ mô. Thứ ba, đảm bảo an toàn hệ thống các TCTD, kiểm soát chất lượng tín dụng trong bối cảnh tín dụng tăng cao so với mọi năm, đi đôi với tiếp tục kiểm soát nợ xấu. |