Vui buồn thiết kế mỹ thuật sân khấu
Theo NSND Lê Huy Quang, thiết kế mỹ thuật sân khấu đương đại Việt Nam đến nay đã đi qua một chặng đường tròn 60 năm. Suốt hơn thời gian ấy, đã hình thành một đội ngũ các họa sĩ sân khấu Việt Nam có nghề nghiệp, có bản lĩnh và tài năng.
Những người làm thiết kế mỹ thuật sân khấu đã vượt qua không ít khó khăn, thiếu thốn, lạc hậu, bằng các thủ pháp tả thực, ước lệ, cách điệu, tượng trưng, kết hợp giữa nghệ thuật truyền thống của cha ông và sân khấu hiện đại, đã thiết kế hàng nghìn vở diễn từ tuồng, chèo, cải lương, kịch nói, dân ca, múa rối, xiếc. Trong chặng đường lịch sử của nền sân khấu cách mạng, thiết kế mỹ thuật đã đóng một dấu son và được ghi nhận như một bộ phận không thể thiếu được của tổng thể nghệ thuật sân khấu Việt Nam đương đại.
Thiết kế mỹ thuật vở “Công lý như mặt trời” được đánh giá cao về cả nội dung và tính thẩm mỹ |
Thực tế thời gian gần đây nhiều vở diễn có thiết kế mỹ thuật độc đáo, được khán giả đánh giá cao cho thấy sự sáng tạo của họa sĩ, nghệ sĩ làm nghề. Đó là vở “Bàn tay của trời” của đạo diễn Ái Như. Xuyên suốt vở kịch là màu sắc đối lập giữa gia đình Thầy Đồ và gia đình tướng cướp. Đạo diễn Ái Như đã cho cảnh trí chủ đạo là hai chiếc bục xoay vòng tạo bối cảnh nhà Thầy Đồ, nhà Tư Chớp. Sự tối giản này thú vị ở chỗ có lẽ cuộc đời suy cho cùng cũng chỉ có từng ấy thứ xoay vòng, nếu rơi vào nhà người tốt sẽ là ánh sáng và rơi vào nhà kẻ xấu sẽ là bóng tối và cách sử dụng ánh sáng vở kịch cũng theo quy luật này. Ánh sáng luôn soi chiếu về phía nhà Thầy Đồ với tiếng học bài ê a của con trẻ, với trái tim thanh sạch của cha con Thầy Đồ - những người không nhận lấy bất cứ thứ gì không phải của mình và bóng tối luôn ở phía nhà Tư Chớp - nơi chứa đựng điều ác và mưu toan.
Cách đây không lâu, rất đông khán giả đến xem tác phẩm cải lương “Nàng Xê Đa” (chuyển thể cải lương Thể Hà Vân, đạo diễn NSƯT Hoa Hạ) tại TP. Hồ Chí Minh và mãn nhãn trước một phiên bản mới của tác phẩm kinh điển này. 30 năm kể từ bản dựng gây sốt với khán giả, “Nàng Xê Đa” trong lần trở lại này có những điểm mới nhưng giá trị nội dung không thay đổi. Có chăng sự mới lạ là vở diễn không sử dụng màn hình LED, vì vậy cảnh trí đã ngốn một phần không nhỏ kinh phí. Đổi lại, khi sân khấu mở màn, nhiều người đã trầm trồ với vẻ đẹp lộng lẫy của đền đài, thành quách, ánh sáng tạo thêm sự lung linh, huyền ảo. Những cảnh rừng sâu cho thấy sự âm u, hoang dã. Các bài múa từ xứ sở Campuchia được dàn dựng sinh động. Phần nhìn, “Nàng Xê Đa” là một vở màu sắc hấp dẫn, hút người xem ngay từ đầu.
Một vở diễn về chống tham nhũng, thói hư tật xấu của con người gần đây hút khán giả là “Công lý như mặt trời” của tác giả Vương Huyền Cơ, đạo diễn Chánh Trực. Ngoài nội dung hấp dẫn, vở diễn còn ghi điểm bởi thiết kế sân khấu theo kiểu hội tụ, các hàng ghế vây quanh sàn diễn ở chính giữa, tạo sự gần gũi. Nhất là những hình ảnh ẩn dụ như hình ảnh đồng tiền, con hổ vẽ trang trí thật to ngay giữa huyện đường là đủ hiểu bản chất của những quan tham. Trang phục rất bắt mắt, nhất là trang phục dành cho các vai nữ trong vở rất mềm mại, đáng yêu. Nhiều người đánh giá, “Công lý như mặt trời” là vở diễn vừa đẹp về hình thức, vừa chuyển tải nội dung sâu sắc khiến khán giả cười rồi suy ngẫm.
Bên cạnh đó còn có vở kịch nói “Hoa cúc xanh trên đầm lầy” (tác giả Lưu Quang Vũ) do Nhà hát Tuổi Trẻ thực hiện, với một không gian sân khấu trung tính, mang tính ước lệ. Vở kịch “Tất cả là con tôi” (đạo diễn Neil S. Fleckman) cũng của Nhà hát Tuổi Trẻ được thiết kế sân khấu theo phong cách hiện thực. Tất cả từ bàn ghế, cây cối, nhà cửa, hàng rào, khung cửa sổ… đến từng cái lá trên sân khấu đều đậm hiện thực của nước Mỹ. “Ai là thủ phạm” (đạo diễn Chí Trung), sân khấu trang trí gợi mở không gian cho khán giả nhớ về bối cảnh thời bao cấp vất vả, khốn khó, in đậm trong ký ức của nhiều người thời đó.
Mặc dù vậy, nhiều nghệ sĩ thiết kế sân khấu cho biết, trong công cuộc đổi mới, cơ chế thị trường thì trang trí sân khấu có vẻ chững lại với sự đơn điệu và lặp lại chính mình. Nhiều vở diễn khán giả nhận thấy thiết kế mỹ thuật cứ làm theo cách mô phỏng thô sơ, giản đơn nên tác phẩm sân khấu trở nên nghèo nàn. Họa sĩ thiết kế sân khấu được coi chỉ là công cụ, là cái bút vẽ chứ chưa nhìn nhận đúng là một thành phần trong ê kíp sáng tạo. Trang trí sân khấu nặng về phông cảnh minh họa. Tên vở diễn có hoa hồng, cúc xanh, hoa sữa… thì nhất thiết bối cảnh thiết kế sân khấu phải minh họa sát với tên vở kịch. Chính vì điều này khó phát huy được óc tư duy, tưởng tượng, sáng tạo của nghệ sĩ và công chúng thưởng thức nghệ thuật.
Theo NSƯT Doãn Bằng - người thiết kế mỹ thuật cho hàng trăm vở diễn từ Nhà hát kịch Việt Nam, Nhà hát Tuổi trẻ; khi thiết kế cho các vở diễn ông luôn đọc kỹ kịch bản, phác thảo ý tưởng, tìm tòi cách thể hiện. Để không lặp lại mình, ngồi vào máy vi tính, như kẻ “nhập đồng”, NSƯT Doãn Bằng buộc phải xóa sạch trong đầu những thiết kế trước. Anh luôn có ý thức học hỏi người đi trước, để một mặt tiếp thu cái tốt, mặt khác là tránh không lặp lại đường người khác đã đi. Mỗi loại hình nghệ thuật sân khấu, người họa sĩ, nghệ sĩ thiết kế cần tìm cách xử lý hài hòa, thông minh; tạo được những bố cục sân khấu mới lạ, độc đáo, hình tượng làm rõ yếu tố tư tưởng.
NSND Trần Ngọc Giàu cho rằng, nhà nước cần có sự đầu tư thích đáng đối với từng đơn vị nghệ thuật tiêu biểu, kể cả xã hội hóa, để giúp các khâu sáng tạo, trong đó có thiết kế mỹ thuật, được nâng tầm chuyên nghiệp. Giá trị thẩm mỹ là cốt lõi mang đến cảm xúc cho người xem. Sân khấu hôm nay quá cũ, quá lạc hậu và nghèo nàn, để nâng tầm chuyên nghiệp thì cần sự đầu tư đồng bộ, trong đó có đội ngũ thiết kế mỹ thuật.