Vững vàng trong gian khó
Vững vàng đi lên
Có những giai đoạn luồng gió ảm đạm đã thổi đến Sơn Đồng, nơi chuyên chế tác tượng, đồ thờ, trang trí nội thất. Từ đầu năm 2013 đến 2016 được cho là giai đoạn trầm nhất kể từ chục năm qua; từ 2016 đến nay, hoạt động sản xuất kinh doanh khởi sắc hơn nhiều.
Tuy nhiên, trong thời dịch bệnh Covid-19, có lẽ, những người có cửa hàng trưng bày sản phẩm ngay ngã tư Sơn Đồng nhận thấy đầu tiên và rõ nhất cảm giác hẫng hụt. Tuy nhiên, với những xưởng chế tác trong làng, các nghệ nhân có uy tín vẫn giữ được nhịp độ sản xuất bởi có lượng khách hàng quen đông đảo.
Gìn giữ thương hiệu làng Sơn Đồng |
Ông Nguyễn Trung Vũ, một nghệ nhân giỏi nghề cho hay, nhiều năm qua, người Sơn Đồng đã được hưởng lộc từ nghề. Dù công việc thật vất vả, nhưng đã giúp nhiều hộ dân thoát nghèo, không ít người trở nên giàu có mà trước đó, họ phải quần quật quanh năm ở ruộng đồng mà chẳng đủ ăn. Cũng theo ông Vũ, nghề không gây ô nhiễm môi trường, đồng thời được cả nước biết đến, được tôn vinh và khiến mỗi người con của làng đều thấy tự hào. “Sản phẩm làng nghề bán nhanh hay chậm cũng phụ thuộc vào tình hình kinh tế của người dân trong cả nước. Thời gian này, dẫu biết khách mua hàng có giảm, sản xuất chậm, nhưng tôi vẫn nuôi thợ làm, duy trì nghề và lúc nào cũng tin rằng ngày mai sẽ đông khách trở lại”, ông Vũ tự tin nói.
Đây cũng là sự khẳng định và niềm tin của rất nhiều hộ dân nơi đây. Bởi lẽ, ngược dòng thời gian, Sơn Đồng đã từng có lúc gần như mất nghề. Một thời gian dài hàng chục năm, người dân vừa làm ruộng, vừa thu mua đồng nát. Một số hộ chuyển làm sơn mài, thêu ren và từng có sản phẩm xuất khẩu. Thế rồi, những biến động làm thị trường Đông Âu mất hẳn. Nhiều người lại quay về sắm quang gánh thu mua phế liệu.
May thay, Sơn Đồng còn một số nghệ nhân như Nguyễn Viết Thạc, Nguyễn Chí Dậu… âm thầm gìn giữ nghề điêu khắc tượng, sơn son thếp vàng, truyền dạy cho một nhóm học trò. Trải qua bao khó khăn, đến năm 1984 mới đào tạo được vài chục người, với những hy vọng phục hồi. Dẫu thế, cũng không thể phát triển được, khi đời sống người dân trong cả nước chưa cao, kinh tế còn lạc hậu. Phải hơn chục năm sau, năm 1998, bộ mặt của làng mới thực sự thay đổi. Sản phẩm đã được ưa chuộng, người dân tự tổ chức các nhóm đi nhận công trình và mở xưởng tại gia đình, làng sôi động, nghề lên ngôi. Đến nay, cả xã có đến hơn 4.000 thợ, nghệ nhân.
Không chỉ tự hào
Xưởng sản xuất của nghệ nhân Nguyễn Danh Sơn ở cuối làng hiện vẫn giữ được không khí sôi động. Trong đó thường xuyên có 17 lao động làm việc liên tục, vào thời điểm “nóng” số thợ còn đông hơn. Anh Sơn đang mở rộng khu sản xuất, trưng bày sản phẩm, tạo điều kiện cho công nhân làm việc, vừa tiện giao dịch với khách hàng. “Thế hệ trẻ chúng tôi không chỉ biết phát huy tinh hoa của cha ông để lại, mà còn biết áp dụng công nghệ phát triển nghề, làm đa dạng sản phẩm. Không những chế tác các sản phẩm mỹ nghệ từ điêu khắc gỗ là tượng Thánh, tượng Phật, tượng anh hùng, linh vật, câu đối, hoành phi, ban thờ, cuốn thư…, mà còn sáng tạo ra nhiều đồ trang trí nội thất, đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng. Chúng tôi còn có thể tu sửa đình chùa, ban thờ, kiệu và phát huy được công nghệ sơn son, thếp vàng”, anh Sơn nói.
Hiện nay ở Sơn Đồng, những ông chủ trẻ, năng động như anh Sơn với tuổi đời từ 26 đến 40 có đến cả trăm người, đã và đang “phất” lên, nắm trong tay nhiều thợ lành nghề. Nguyễn Bá Vũ, 29 tuổi, chủ cơ sở Vạn Phúc biết làm nghề từ rất sớm, cũng rất hiểu giá trị và thương hiệu của làng. Anh khẳng định: “Em tự hào về nghề truyền thống mà các cụ để lại. Em tin nghề sẽ mãi mãi phát triển vì sản phẩm làng làm ra mang yếu tố văn hóa, tâm linh. Thế hệ trẻ chúng em không chỉ tự hào, mà còn có trách nhiệm giữ nghề, phát triển kinh tế và mang thương hiệu làng đi xa”.
Có lẽ, ý thức được điều đó nên những người trẻ ở đây không ngừng tham gia các lớp học nâng cao tay nghề, trực tiếp tiếp thu kinh nghiệm của các nghệ nhân đi trước. Họ cũng lập các trang web để vừa quảng bá sản phẩm, vừa tiện trao đổi kinh nghiệm. Đặc biệt, từ năm 2001, một số nghệ nhân đã tự nguyện hợp nhau lại viết đơn xin thành lập Hiệp hội Làng nghề mỹ nghệ Sơn Đồng. Tiêu chí được xác định cụ thể là hội tụ, bảo tồn tinh hoa làng nghề, liên kết cùng phát triển, tạo công ăn việc làm cho lao động nông nhàn, xóa đói giảm nghèo.
Nâng cao vị thế
Phải khẳng định đã có rất nhiều vùng đất, nhiều công trình in dấu những đôi bàn tay khéo léo, tài hoa của người làng Sơn Đồng. Tinh hoa của người nghệ nhân đã được khái quát: “Mắt người chưa thấy dung nhan Phật/Mà tự tay người Phật hiện ra”.
Là làng nghề cổ truyền, khi bước vào hội nhập, không chỉ phát triển thị trường trong nước, mà những năm qua sản phẩm của Sơn Đồng đã tìm đường ra nước ngoài và dần khẳng định được vị thế. Các thành viên Hiệp hội Làng nghề xác định, phải xây dựng Sơn Đồng thành một thương hiệu mạnh trên thị trường quốc tế.
Còn nhớ, năm 2007, chủ doanh nghiệp Lộc Phát, anh Nguyễn Bỉnh Hiệp đã được Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa kỳ đặt một bộ đồ thờ cùng với hoành phi, câu đối để giới thiệu tại nước bạn. Các nghệ nhân cũng mạnh dạn đưa sản phẩm đi giới thiệu ở Thái Lan, Hoa Kỳ, nhiều nước châu Âu, tham gia hội chợ khối ASEAN… và được khách hàng đón nhận.
Những năm gần đây, khoảng 12% sản lượng các sản phẩm làng nghề được xuất đi nước ngoài. Đặc biệt, cùng với nguyện vọng của các Việt kiều, những nghệ nhân Sơn Đồng đã dùng sản phẩm của làng tại các công trình như chùa Trúc Lâm Kharkov tại Ucraine, chùa Một Cột tại Pháp.