Xanh hóa nền kinh tế để phát triển bền vững
Mục tiêu giảm 15-30% phát thải khí nhà kính
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, thế giới đang diễn ra nhiều thay đổi quan trọng, đòi hỏi các quốc gia phải đổi mới mô hình tăng trưởng để tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, hướng tới phát triển bền vững và bao trùm.
Cùng với đó, từ đầu năm 2020, đại dịch COVID-19 đã gây ra một cuộc khủng hoảng chưa từng có trên toàn cầu. Trong khi đó, Việt Nam cũng là một trong những quốc gia bị tác động nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh và các yếu tố tác động từ bên ngoài. Việt Nam cũng đang tiếp tục đà đổi mới, đẩy mạnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, đề cao chất lượng và hiệu quả, đồng thời nỗ lực hết sức mình để phục hồi hậu COVID-19. Chính vì vậy, phục hồi tăng trưởng kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh hay khôi phục xanh hiện đang là xu hướng tất yếu.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Hội nghị Ảnh: MPI |
Việc Thủ tướng Chính phủ Việt Nam phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 có ý nghĩa quan trọng, thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam bằng các hành động thiết thực về nội địa hóa các mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính hài hòa với các mục tiêu phát triển bền vững, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, đảm bảo công bằng xã hội.
Thông tin cụ thể về các nội dung chủ yếu của Chiến lược, ông Lê Việt Anh, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường - Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, chiến lược tăng trưởng xanh đặt ra bốn mục tiêu quan trọng gồm: Giảm phát thải khí nhà kính; xanh hóa các ngành kinh tế; xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững; xanh hóa quá trình chuyển đổi.
Đặc biệt, mục tiêu đầu tiên của Chiến lược là giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP. Theo đó, Chiến lược đặt ra mốc đến năm 2030, cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP giảm ít nhất 15% so với năm 2014. Xa hơn, năm 2050, cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP giảm ít nhất 30% so với năm 2014.
Về định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực chủ yếu, như năng lượng sẽ nâng cao hiệu suất, hiệu quả sử dụng, giảm mức tiêu hao năng lượng trong sản xuất, vận tải, thương mại, công nghiệp. Cùng với đó, đảm bảo an ninh năng lượng, chuyển đổi cơ cấu nguồn năng lượng, giảm phụ thuộc năng lượng hóa thạch, tăng tỷ trọng các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới trong sản xuất.
Các ngành kinh tế, sản xuất xanh sẽ từng bước hạn chế phát sinh chất thải lớn, gây ô nhiễm, suy thoái môi trường; phát triển công nghệ xanh, hệ thống quản lý, kiểm soát hoạt động sản xuất theo kinh nghiệm thực hành tốt để tiết kiệm tài nguyên, giảm phát thải, cải thiện môi trường sinh thái.
Trao đổi tại Hội nghị, đại diện Đại sứ quán Hà Lan nhận định, Việt Nam đang có cơ hội lớn và giàu tiềm năng để có thể trở thành cường quốc về năng lượng tái tạo; đồng thời cho biết sẽ tích cực hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu.
Đại diện Ngân hàng Thế giới (WB) cũng cho rằng đại dịch là hồi chuông cảnh báo trước sự dễ tổn thương của các nền kinh tế, rất nhiều quốc gia đang chuyển đổi mô hình kinh tế theo hướng xanh hơn, Việt Nam đang đi đầu với việc ban hành Chiến lược tăng trưởng xanh.
Tại Hội nghị, các đối tác phát triển và các tổ chức quốc tế cũng cam kết sẽ đồng hành và hỗ trợ Việt Nam trong việc triển khai Chiến lược tăng trưởng xanh trong thời gian tới.
Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: MPI |
Tăng cường hợp tác công tư
Đại diện WB cho rằng Chiến lược đã được xác định rõ ràng, nhưng muốn có hiệu quả cao thì cần sự nỗ lực của Chính phủ trong việc điều phối và phối hợp giữa các bộ, ngành, giữa Trung ương với địa phương; đồng thời cũng cần sự phối hợp giữa các tỉnh với nhau, nếu mỗi tỉnh chỉ thực hiện chiến lược của mình thì không đảm bảo mục tiêu quốc gia sẽ được thực hiện.
Bên cạnh đó, cần tăng cường hợp tác công tư trong việc huy động nguồn lực đầu tư cho tăng trưởng xanh; trong đó, khối tư nhân đóng vai trò rất quan trọng. Vì vậy, cần đưa ra những công cụ nâng cao vai trò của khối tư nhân, doanh nghiệp; tạo ra cơ chế chính sách linh hoạt để mở rộng hơn nữa tiềm năng đầu tư.
Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh công tác phối hợp tổ chức, thực hiện có tầm quan trọng đặc biệt, trong đó sự hỗ trợ, phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành, cơ quan, các tổ chức trong nước và quốc tế, cộng đồng doanh nghiệp, các chuyên gia đóng vai trò nền tảng nhằm đảm bảo việc triển khai Chiến lược tăng trưởng xanh.
Ngay sau Hội nghị, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về tăng trưởng xanh, tổ chức xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh cũng như các nội dung quan trọng khác được giao thực hiện.