“Điểm nghẽn” logistics vùng kinh tế trọng điểm phía Nam
Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam gồm 8 tỉnh, thành phố: TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh, Long An và Tiền Giang. Đây là một trong những vùng kinh tế năng động nhất, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của cả nước với 35% GRDP, hơn 40% thu ngân sách, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước. Không chỉ giữ vai trò đầu tàu kinh tế, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam còn là khu vực tập trung hạ tầng và dịch vụ logistics quan trọng, với hàng chục nghìn doanh nghiệp lớn nhỏ, đảm nhận phần lớn số lượng hàng hóa và khối lượng hàng container cả nước.
Theo nhận định của các chuyên gia, ngành logistics được ví như “mạch máu”của nền kinh tế đất nước, đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành năng lực sản xuất mới gắn với khoa học công nghệ, thúc đẩy các ngành kinh tế phát triển, nâng cao khả năng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Tuy vậy, vẫn còn những hạn chế, “điểm nghẽn” kìm hãm sự phát triển logistics của vùng chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có.
Hạ tầng giao thông tại TP.Hồ Chí Minh nói riêng và cả vùng Ðông Nam Bộ nói chung thiếu tính kết nối, thiếu đồng bộ |
Phân tích về những điểm nghẽn hiện nay khiến logistics phát triển “ì ạch”, ông Đặng Vũ Thành, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam cho rằng, nguyên nhân chính là do hạ tầng giao thông tại TP.Hồ Chí Minh nói riêng và cả vùng Ðông Nam Bộ nói chung thiếu tính kết nối, thiếu đồng bộ, gây tắc nghẽn trong vận chuyển hàng hóa, làm tăng chi phí về logistics của các doanh nghiệp.
"Vì vậy, trong bối cảnh nguồn vốn ngân sách còn hạn hẹp thì nên ưu tiên cho các công trình giao thông trọng điểm, huyết mạch như tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành; TP.Hồ Chí Minh - Mộc Bài, hay các dự án kết nối cửa ngõ với 13 tỉnh, thành phố miền Tây Nam Bộ và vùng Ðông Nam Bộ, các tuyến đường vào các cảng biển... Để ngành logistics phát huy đúng với tiềm năng, thế mạnh, cần sớm có các dự án nạo vét hệ thống kênh rạch để thu hút sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ. Quan trọng nhất, cần có chính sách kêu gọi và hỗ trợ đầu tư trung tâm logistics như các ưu đãi thuế, bảo lãnh khoản vay, bảo hiểm tín dụng, tài trợ lãi suất thấp, quy hoạch các trung tâm logistics đồng bộ gắn với quy hoạch chung, các mục tiêu phát triển của địa phương và cả vùng kinh tế", ông Thành nhận định.
Bàn về vấn đề này, ông Đỗ Xuân Minh - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ logistics thuộc Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn cho biết, việc phát triển logistics tại Việt Nam nói chung và khu vực miền Nam nói riêng đang gặp một số khó khăn về cơ sở hạ tầng, từ cảng, đường kết nối đến hệ thống kho bãi. Tại khu vực phía Nam, mặc dù đảm nhận 45% tổng khối lượng hàng hóa và hơn 60% khối lượng hàng container của cả nước thông qua hai hệ thống cảng TP.Hồ Chí Minh và Bà Rịa - Vũng Tàu, nhưng đường bộ vẫn là phương thức vận tải chủ yếu. Trong khi đó, hệ thống giao thông khu vực hiện quá tải, thiếu đường cao tốc gây tình trạng tắc nghẽn, gia tăng chi phí nhân lực, vật lực. Khu vực ĐBSCL mặc dù có hệ thống sông thuận lợi cho phát triển phương thức vận tải thủy nội địa, nhưng thực tế, hàng hóa tại ĐBSCL vẫn phải tập trung về các cảng Đông Nam Bộ để xuất khẩu, gây tốn kém, mất thời gian và phức tạp.
Thời gian qua, các cơ quan, ban, ngành đã tính cực đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi thương mại cho doanh nghiệp trong việc thông quan hàng hóa xuất khẩu, tuy nhiên vẫn còn một số vướng mắc tồn đọng về thủ tục hành chính và kiểm tra chuyên ngành chưa phù hợp, một số quy định còn chồng chéo, một số chính sách chưa kịp thời sửa đổi cho phù hợp với đặc thù của hoạt động logistics trong thực tiễn. Nhất là thiếu cơ chế để tạo ra sự liên kết, kết nối thực chất giữa các địa phương nhằm tận dụng tốt lợi thế của từng địa phương, tổng hợp, chia sẻ nguồn lực, cơ hội thay vì cạnh tranh cục bộ. Các thỏa thuận liên kết còn mang tính hình thức, chưa có sự phối hợp thực chất, liên kết giữa các địa phương chưa dựa trên sự chuyên môn hóa hay phân công lao động theo chuỗi giá trị... cũng khiến doanh nghiệp logistics và doanh nghiệp xuất nhập khẩu gặp khó khăn trong việc cắt giảm chi phí, thời gian, ảnh hưởng đến việc tiếp cận thị trường thế giới.
Trong đề án phát triển ngành logistics trên địa bàn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, TP.Hồ Chí Minh xây dựng chiến lược phát triển logistics trở thành ngành dịch vụ mũi nhọn của thành phố, chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu GRDP, nâng cao vai trò đầu mối giao lưu hàng hóa trong nước và kết nối thị trường trong nước với thị trường quốc tế; góp phần kéo giảm tỷ lệ chi phí logistics cả nước so với GDP quốc gia đến năm 2025 khoảng 10 đến 15%. |