"Số hóa" ngành logistics hiện đại, bền vững: Doanh nghiệp cần tư duy mở và sự đồng hành
Ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 cùng những rủi ro, bất ổn về kinh tế, chính trị trên phạm vi toàn cầu khiến chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy và đảo lộn, trong đó có các hoạt động logistics vốn được coi là “xương sống” của chuỗi cung ứng cũng bị ảnh hưởng mạnh mẽ. Vì vậy để khắc phục được những vấn đề nảy sinh trong đợt dịch bệnh vừa qua, vừa có thể tận dụng được lợi thế hiện nay của cách mạng số và thành tựu Cách mạng công nghiệp 4.0, tại Hội thảo Chuyển đổi số để xây dựng ngành logistics hiện đại, bền vững do Bộ Công Thương tổ chức chiều 27/4/2023, các chuyên gia và doanh nghiệp đều nhấn mạnh cần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực logistics để nắm bắt cơ hội và khẳng định vị thế của mình trên thị trường trong và ngoài nước.
Theo bảng xếp hạng của Agility 2022, thị trường logistics Việt Nam được xếp hạng thứ 11 trong nhóm 50 thị trường logistics mới nổi toàn cầu. Tỷ lệ tăng trưởng kép hằng năm (CAGR) giai đoạn 2022-2027 của thị trường logistics Việt Nam được dự báo đạt mức 5,5%.
Việt Nam hiện là quốc gia đứng đầu trong các nước ASEAN về số lượng doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics được Cơ quan Quản lý hoạt động hàng hải của Mỹ (FMC) cấp phép. Số lượng và chất lượng dịch vụ logistics được nâng cao, qua đó giúp xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ chiếm tỷ lệ ngày càng cao so với quy mô GDP, tăng từ 72,9% năm 2015 lên 93,3% năm 2021. Việt Nam cũng là nước có xếp hạng ở Top đầu trong các thị trường mới nổi. Tốc độ tăng trưởng ngành bình quân hàng năm từ 14-16%, số lượng và chất lượng dịch vụ logistics được nâng cao, đóng góp quan trọng trong việc đưa tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của Việt Nam năm 2022 lên 730,2 tỷ USD, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm 2021. Đây là kết quả đáng khích lệ trong bối cảnh thương mại toàn cầu và trong nước gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và những rủi ro, bất ổn về kinh tế, chính trị trên phạm vi toàn cầu.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Phan Văn Chinh – Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Bộ Công Thương cho biết: “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, logistics là 1 trong 8 ngành cần được ưu tiên chuyển đổi số trước. Một trong những nhiệm vụ nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025 theo Quyết định số 221/QĐ-TTg ngày 22/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ là ‘‘Nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ và tiến bộ kỹ thuật, đẩy mạnh chuyển đổi số trong dịch vụ logistics’’.
Là một trong những ngành then chốt, được ví như “mạch máu” của nền kinh tế quốc dân, logistics cần được đầu tư mạnh mẽ, đặc biệt trong khía cạnh “số hóa” để có thể đáp ứng, thích nghi với bối cảnh thị trường, hỗ trợ tối đa thúc đẩy sự phát triển của các ngành nghề khác.
Vừa qua, trước áp lực của dịch bệnh COVID-19 cùng với sự bùng nổ của nền kinh tế số và thương mại điện tử, các doanh nghiệp logistics đã phần nào nhận thức được vấn đề đẩy nhanh chuyển đổi số và ứng dụng những thành tựu công nghệ vào hoạt động kinh doanh nhằm tăng cường hiệu quả kinh tế, cũng như tối ưu hóa trong các dây chuyền sản xuất, cung ứng sản phẩm. Trong bối cảnh khôi phục và phát triển dịch vụ logistics sau ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, hiện nay, một số doanh nghiệp lớn đã áp dụng thành công giải pháp công nghệ mang lại hiệu quả cho dịch vụ logistics, giảm đáng kể chi phí liên quan. Đây là những kết quả rất đáng khích lệ, tạo động lực để triển khai quyết liệt hơn nữa chuyển đổi số trong ngành.
“Sếu đầu đàn” trong ngành cung cấp dịch vụ logistics
Ông Trương Tấn Lộc, Giám đốc Marketing, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn (TCT TCSG) chia sẻ, Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn đã và đang từng bước ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) vào công tác chăm sóc khách hàng và nâng cao trải nghiệm khách hàng. Trợ lý ảo Pi của Tân cảng Sài Gòn được học máy (Machine Learning) 25 kịch bản, 301 bước quy trình, 4532 câu mẫu để trả lời tự động cho khách hàng.
Với kiến thức được trang bị đó, Chatbot Pi có thể trả lời ngay lập tức các vấn đề của khách hàng với tỷ lệ 100% khách hàng liên hệ đều nhận được phản hồi. Hiện trợ lý ảo Pi đã xuất hiện trên ePort và fanpage, hỗ trợ giải đáp thắc mắc và cung cấp thông tin cho khách hàng, giúp giảm bớt thời gian, công sức cho tư vấn viên của trung tâm chăm sóc khách hàng và nâng tầm chất lượng dịch vụ của TCT TCSG.
Hiện AI của TCSG có thể trả lời hầu hết các câu hỏi thông thường về các quy trình thủ tục tác nghiệp tại Cảng Cát lái. AI được tích hợp trên Website và các trang Fanpage, Zalo OA và E-port, tạo tiện lợi cho khách hàng có thông tin kịp thời. Nhờ công nghệ, chúng tôi có thể tạo ra chatbot, nhưng để hoàn thiện nó, đó là nhờ những phản hồi của khách hàng. TCSG rất trân trọng những phản hồi của khách hàng, và luôn lấy đó làm động lực để không ngừng đổi mới, trong tương lai, chúng tôi sẽ tích hợp thêm các công nghệ để thiết lập mô hình đa kênh (omni-channel) để đem đến cho khách hàng những trải nghiệm tốt nhất, xứng đáng với vai trò “sếu đầu đàn” trong ngành khai thác cảng và cung cấp dịch vụ logistics.
Ông Nguyễn Triều Quang, Giám đốc Khối Vận hành miền Bắc, Lazada Việt Nam điểm ra triển vọng của ngành logistics từ “sức nóng” của thương mại điện tử. Đó là Việt Nam nằm trong Top 5 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử mạnh nhất trên toàn thế giới với tốc độ tăng trưởng 20%/năm. Giá trị giao dịch thương mại điện tử trong nước dự kiến đến năm 2025 đạt 32 tỷ USD. Doanh thu từ thương mại điện tử được doanh nghiệp chi ra cho mảng logistics có tốc độ tăng trưởng khoảng 10%/năm. Tuy nhiên, các doanh nghiệp trong ngành cũng đang phải đối mặt với 3 thách thức lớn đó là quản lý chất lượng đồng nhất trên mọi điểm, trạm giao nhận; nâng cao cơ sở mạng lưới giao nhận; giảm thiểu đến môi trường.
"Trong bối cảnh toàn cầu đang hướng tới phát triển bền vững, doanh nghiệp logistics cũng cần xây dựng hệ sinh thái bền vững và toàn diện để nắm lấy cơ hội của thương mại điện tử, đồng thời nâng cao trải nghiệm giao nhận hàng hóa từ mọi điểm chạm; Ứng dụng công nghệ & chuẩn hóa quy trình để tối ưu hiệu suất vận hành; Phát triển logistics xanh bền vững", ông Nguyễn Triều Quang, Giám đốc Khối Vận hành miền Bắc, Lazada Việt Nam khuyến nghị.
Ông Trương Tấn Lộc, Giám đốc Maketing, Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn khuyến nghị cần có sự chung tay giữa các doanh nghiệp trong ngành, hợp tác đồng hành cùng phát triển, tăng cường liên kết gia tăng tính cạnh tranh của dịch vụ logistics Việt Nam. Doanh nghiệp cần thay đổi tư duy cũ sang lối tư duy mới, thay đổi cách làm cũ và cần sự đồng hành, sự ủng hộ, hợp tác của doanh nghiệp, giảm thiểu các rủi ro và đơn giản hóa quy trình trong xây dựng và phát triển giải pháp mới cho hệ thống logistics tại địa phương cũng như kết nối liên vùng nhằm tạo ra mạng lưới kết nối hoàn chỉnh, đồng bộ, thông suốt góp phần tăng năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp.
Với các doanh nghiệp cảng biển tại Việt Nam, việc xây dựng hệ thống dữ liệu chung cho hệ thống cảng biển Việt Nam, kết nối với các cảng trong khu vực và trên thế giới sẽ góp phần tăng hiệu suất khai thác, tăng sức cạnh tranh của Việt Nam với các cụm cảng lân cận như Singapore hay Thái Lan, Hong Kong.
Ông Lộc cũng đề nghị trước những yêu cầu phát triển xanh, bền vững, đặc biệt trong ngành logistics, Nhà nước và các địa phương cần xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, đẩy nhanh tiến độ các dự án kết nối hạ tầng giao thông, kết nối đa phương thức tạo thuận lợi phát triển dịch vụ logistics, tăng cường đầu tư vào hạ tầng hậu cần và kho bãi để tăng cường hệ sinh thái logistics, tháo gỡ các “nút thắt” về giao thông để việc kết nối, vận chuyển hàng hóa được thuận lợi, đẩy mạnh liên kết vùng, giảm chi phí logistics cho các doanh nghiệp.
Ngoài ra, cần đơn giản hóa thủ tục, xây dựng và kết nối cơ sở dữ liệu dùng chung, tiến tới số hóa và giải quyết các thủ tục trực tuyến. Hệ thống cơ sở pháp lý cũng cần được cập nhật theo kịp các xu hướng công nghệ nhằm khuyến khích các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư, phát triển các dịch vụ, công nghệ mới. Có thể thấy sự cần thiết phải phát triển cơ sở dữ liệu dùng chung và ứng dụng công nghệ vào ngành vận tải thông qua vấn đề đăng kiểm phương tiện vận tải gần đây, khi lượng xe chờ đăng kiểm và thời gian đăng kiểm tăng cao, gây ùn tắc, ảnh hưởng đến luồng hàng hóa lưu thông, gây lãng phí nguồn lực và tác động tiêu cực đến môi trường.
Đặc biệt trong bối cảnh việc số hóa và tự động hóa trong chuỗi cung ứng, việc áp dụng công nghệ sẽ khác nhau đối với mỗi doanh nghiệp, nhưng đều yêu cầu về sự chính xác, minh bạch trong hệ thống cũng như nhu cầu về sự nhanh chóng hơn. Vì vậy, các doanh nghiệp cần hướng tới một bộ máy quản lý tinh gọn và linh hoạt, cốt lõi là phát triển nguồn nhân lực có trình độ, có thể đáp ứng các yêu cầu công việc và quá trình hội nhập toàn cầu.
Báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam 2022: Nhiều thông tin mới hữu ích cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu Trong khuôn khổ Hội thảo cũng diễn ra Lễ công bố “Báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam 2022”. Tiếp nối những kết quả đạt được từ Báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam 2016, 2017, 2018, 2019, 2020, 2021. Năm 2022 là năm thứ 7 liên tiếp Bộ Công Thương biên soạn và xuất bản cuốn Báo cáo này. Báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam là tài liệu chính thức của Bộ Công Thương về tình hình xuất nhập khẩu của từng nhóm mặt hàng, thị trường, tình hình tận dụng các cơ hội từ FTA và công tác quản lý hoạt động xuất nhập khẩu. Báo cáo Xuất nhập khẩu trong những năm qua đã cung cấp thông tin minh bạch, có hệ thống, được các cơ quan quản lý, doanh nghiệp, hiệp hội, tổ chức nghiên cứu và đào tạo quan tâm, tín nhiệm và đánh giá cao. Báo cáo Xuất nhập khẩu 2022 có một số nội dung mới như: Thông tin về Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa Việt Nam đến năm 2030; Cập nhật về kết quả thực hiện các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, tình hình gia nhập hiệp định CPTPP của một số nền kinh tế, tình hình phê chuẩn Hiệp định CPTPP; một số điểm mới trong triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, hoạt động xuất nhập khẩu… Theo báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam 2022; 10 tỉnh có kim ngạch xuất khẩu dẫn đầu cả nước năm 2022 lần lượt là: TP Hồ Chí Minh kim ngạch 47.545.537.771 USD; Bắc Ninh kim ngạch 45.062.954.539 USD; Bình Dương kim ngạch 34.332.291.545 USD; Thái Nguyên kim ngạch 29.880.822.193 USD; Hải Phòng kim ngạch 24.956.949.890 USD; Đồng Nai kim ngạch 24.600.045.278 USD; Bắc Giang kim ngạch 22.628.594.217 USD; Hà Nội kim ngạch 17.131.320.127 USD; Phú Thọ kim ngạch 11.800.308.391 USD; Hải Dương kim ngạch 10.461.101.116 USD; 10 tỉnh có kim ngạch xuất khẩu thấp nhất lần lượt là: Lai Châu kim ngạch 20.468.841 USD, Sơn La kim ngạch 21.801.054 USD, Bắc Cạn kim ngạch 33.466.825 USD, Điện Biên kim ngạch 42.686.980 USD, Ninh Thuận kim ngạch 46.223.574 USD, Cao Bằng kim ngạch 60.200.126 USD, Hà Giang kim ngạch 88.014.734 USD, Đắk Nông kim ngạch 111.800.984 USD, Tuyên Quang kim ngạch 137.569.864 USD, Quảng Bình kim ngạch 196.610.302 USD. |