Xây dựng con người trở thành động năng phát triển
Đóng góp vào dự thảo văn kiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 (Chiến lược) trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam tới đây, các chuyên gia đại diện cho các quốc gia và các tổ chức quốc tế đều đánh giá cao đây là một văn kiện có tầm nhìn và khát vọng. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng đã chỉ ra những điểm cần bổ sung tại Hội thảo tham vấn Dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 do Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ngân hàng Thế giới tổ chức với sự tài trợ của Chính phủ Úc.
Ông Cao Viết Sinh - nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thường trực tổ biên tập của tiểu ban kinh tế - xã hội chuẩn bị cho Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng cho biết, một trong những điểm mới tại dự thảo Chiến lược đặt vấn đề sâu hơn về phát triển con người, văn hóa, xã hội. Mặc dù thời gian qua, việc phát triển con người, văn hóa, xã hội đã đạt nhiều thành tựu, nhưng vẫn chưa theo kịp, đồng bộ với đổi mới về kinh tế.
Chất lượng nguồn nhân lực chính là yếu tố then chốt cho phát triển |
Quan điểm dự thảo Chiến lược là đặt con người làm trung tâm, chủ thể, nguồn lực chủ yếu và mục tiêu của sự phát triển để hướng tới người dân cùng tham gia hưởng lợi để không ai bị bỏ lại phía sau và để nền kinh tế Việt Nam không bị bỏ lại phía sau đã được các đại biểu tại hội thảo đánh giá rất cao.
Tuy nhiên, đại diện UNDP mong muốn Chiến lược có thông điệp rõ ràng hơn về sự tham gia đóng góp của người dân đối với phát triển trong tương lai, cũng như quyền lợi mà người dân được hưởng để tạo sự ổn định cho phát triển kinh tế, đảm bảo phát triển kinh tế bao trùm, hoà nhập, không ai bị bỏ lại phía sau.
Đại diện đến từ UNICEP cùng đại diện của FAO đề xuất, cần đẩy mạnh đầu tư cho trẻ em, trong đó nhấn mạnh đến việc giảm tỷ lệ thấp bé nhẹ cân. Bởi hiện tỷ lệ thấp bé nhẹ cân của trẻ em Việt Nam chiếm tới 58%, cao gấp đôi Thái Lan và Trung Quốc. Cũng qua thực chứng từ dịch bệnh Covid-19, đại diện UNICEF đề xuất, cần xây dựng các chính sách hỗ trợ cho người dân đa dạng hiệu quả hơn để ứng phó với những cú sốc này thay vì chỉ hỗ trợ tiền mặt. Đồng thời, chỉ ra hiệu quả to lớn trong phát triển kinh tế từ việc hỗ trợ các đối tượng yếu thế và tổn thương. Như, chỉ cần đầu tư 1% GDP cho trẻ em nghèo bằng tiền mặt sẽ giảm 20% nghèo đói trong tương lai. Một đại diện khác từ EU cũng nhấn mạnh dự thảo đặt vấn đề liên quan đến giới, bình đẳng giới và liên quan đến giới, trong đó cần phát huy tối đa tiềm năng của phụ nữ và trẻ em gái. Hiện dự thảo quan tâm nhiều hơn đến thiết chế thể chế nhưng chính con người mới là nhân tố thúc đẩy sự phát triển của đất nước đặc biệt là phụ nữ và em gái.
Đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) khuyến nghị Việt Nam trú trọng đến hàm ý mới liên quan đến giới tính. Hiện Việt Nam có tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh cao nhất thế giới, chỉ sau Ấn Độ và Trung Quốc. Vì vậy, Việt Nam cần quan tâm hơn tới quyền sức khoẻ sinh sản đặc biệt là các giải pháp giảm tỷ lệ tử vong bà mẹ dân tộc thiểu số hiện đang cao hơn 2-3 lần so với bình quân chung. Đồng thời, cần giải quyết vấn đề bạo lực giới. Báo cáo vừa qua mà UNDP chủ trì đưa ra cho thấy bạo lực giới gây ra 1,8% mất mát về GDP. “Đây là nhân tố quan trọng cần nêu trong dự thảo chiến lược”, vị này cho biết.
Đặc biệt, UNICEF góp ý chính sách để con người thực sự trở thành động năng cho nền kinh tế, vị này chỉ ra, dù chiến lược đã nhấn mạnh đến phát triển giáo dục, nhưng chưa đẩy mạnh kỹ năng mềm như kỹ năng số, học ngoại ngữ cho trẻ em và vị thành niên. Vì vậy đại diện UNICEP khuyến nghị cần đẩy mạnh học trực tuyến, kết nối chương trình giáo dục chất lượng cho trẻ em để có kiến thức tốt hơn.
Một đại biểu khác lại chỉ ra yếu tố di cư đặc biệt là di cư quốc tế chưa được đặt vào trong chiến lược. Ông đặt câu hỏi với xu hướng xuất khẩu lao động như hiện nay, liệu Việt Nam có nên xem xét trở thành một cường quốc xuất khẩu lao động hay không? Chỉ ra hiện lao động xuất khẩu của Việt Nam đa số là tay nghề thấp, bị bóc lột chưa kể chịu ảnh hưởng bởi nạn buôn người và cưỡng bức lao động, ông đề nghị cần có chính sách bảo vệ họ, cũng như kế hoạch khi họ trở về.
Đồng thời đại biểu này cũng đề nghị chiến lược phát triển cần tính tới yếu tố già hóa dân số. Bởi hiện số người cao tuổi đã chiếm tới hơn 10% và đến 2030 đã bắt đầu chạm ngưỡng già hóa dân số trong khi đó tỷ lệ sinh giảm. Vì vậy vị này đề nghị cần nhìn nhận người cao tuổi như một nguồn lực phát triển, từ đó có chính sách tận dụng người cao tuổi đóng góp vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn tới.
Đến từ FPT, đại diện này cho rằng hiện đã có rất nhiều những chính sách thúc đẩy giáo dục phát triển. Tuy nhiên, cần phải được nhấn mạnh và cụ thể hoá hơn trong chiến lược phát triển giai đoạn 2021-2030. Bởi hiện vẫn còn nhiều vấn đề nổi lên như tỷ lệ đào tạo với sau phổ thông còn khá thấp, trong đó độ tuổi từ 18-23 đã qua đào tạo chỉ khoảng 25% trong khi thế giới là 35%.
Vấn đề nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đại diện từ FPT cũng cho rằng, cần tăng tỷ trọng ngoài công lập, đưa thành phần kinh tế khác tham gia hoạt động giáo dục. Hiện tỷ lệ trường phổ thông tư chỉ 7% trong khi công lập là 93%. “Với giáo dục phổ thông có thể thấp đó là trách nhiệm nhà nước nhưng với đại học tỷ lệ trường công chỉ chiếm 15% là một tỷ lệ thấp”, ông nói. Đồng thời cần mở rộng cơ chế tự chủ cho giáo dục tránh tình trạng hiện nay các cơ sở giáo dục nghề đã có cơ chế ra tự chủ từ năm 2014 nhưng đến nay vẫn chưa có hướng dẫn triển khai.
Từ thực trạng này, đại diện FPT đề nghị đưa vào Chiến lược thêm nội dung phát triển hệ thống giáo dục Việt Nam mang tính tự chủ cao, hài hòa giữa công và tư, cân đối các khu vực đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao và đông.