Xây dựng nông sản đặc sản vùng miền không dễ
Mới đây, tại Hội chợ AgroViet 2020, nhiều mặt hàng nông sản, đặc sản, lương thực, thực phẩm đa dạng, phong phú đã góp mặt. Trong đó có các sản phẩm hữu cơ, sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, sản phẩm chứng nhận OCOP của nhiều tỉnh thành, vùng quê như quýt Bắc Sơn, bưởi Đoan Hùng, vải thiều Thanh Hà, khoai lang Lộc Bình, cam sành Hà Giang, gạo Séng Cù Lào Cai, miến dong Na Rì, chè Tân Cương, chè Shan tuyết Mộc Châu, cà phê Đắk Lắk…
Theo Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN), hiện toàn quốc có trên 800 sản phẩm nông, lâm thủy sản có uy tín tại các địa phương. Tuy nhiên, mới có khoảng hơn 60 sản phẩm nông sản đăng ký bảo hộ thành công dưới dạng “chỉ dẫn địa lý” và khoảng 160 nhãn hiệu được đăng ký xác lập quyền và được bảo hộ pháp lý cho các đặc sản trên.
Đặc sản địa phương Nam bộ được giới thiệu tại Hà Nội |
Thực tế cho thấy, mặc dù tiềm năng và nhu cầu đối với các đặc sản vùng miền Việt Nam rất lớn, nhưng việc phát triển các sản phẩm này còn hạn chế. Trong khi đó, tại nhiều địa phương, nhận thức về tiềm năng xây dựng và phát triển sản phẩm chưa đầy đủ, chưa có kế hoạch phát triển lâu dài dựa trên những tiêu chí đánh giá, xây dựng giá trị thương hiệu sản phẩm đặc sản.
Đơn cử, các tỉnh miền Tây Nam Bộ là vùng sản xuất lúa gạo, cây ăn trái và nuôi trồng thủy sản lớn, nên rất nhiều DN, hợp tác xã, làng nghề thủ công sản xuất, chế biến nông sản đặc sản địa phương, ngoài là hàng hóa còn là sản vật để khách du lịch trong và ngoài nước đến thưởng thức, mua làm quà biếu. Song, sản phẩm nông sản đặc sản của vùng này từ trước cũng chỉ tiêu thụ loanh quanh tại chỗ, các tỉnh lân cận hay các thành phố lớn. Vì vậy, nông sản đặc sản của địa phương gần như chưa khai thác được hết thị trường nội địa, vốn được đánh giá là thị trường tiêu thụ lớn trong khu vực Đông Nam Á. Bộ Công thương cũng đã từng tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, đưa sản phẩm nông sản đặc sản vùng Đồng bằng sông Cửu Long xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Nhưng hiệu quả chương trình chưa xứng với tiềm năng sản xuất của vùng đất này.
Trên thực tế, việc sản xuất các mặt hàng đặc sản vẫn còn tự phát, mới chỉ đạt ở mức sản xuất nhỏ lẻ, đơn thuần, thiếu tập trung; chưa đủ lớn để thu hút đầu tư phát triển; chưa chú trọng đến bao bì, mẫu mã, đăng ký nhãn hiệu và chủ yếu là sản xuất thô sơ, không có giá trị cao. Cùng với đó, các cơ sở, DN sản xuất lại thiếu chủ động, chưa tích cực tham gia các hoạt động kết nối, yếu về năng lực quản lý, tìm kiếm và phát triển thị trường, phát triển sản phẩm. Thậm chí, hiện nay không ít sản phẩm của Việt Nam nhưng lại để DN nước ngoài gắn nhãn mác, thương hiệu của họ trước khi bán ra thị trường…
Công ty VinEco cho rằng, trong quá trình tiêu thụ sản phẩm đặc sản, nông sản vùng miền, các DN bán lẻ thường gặp khó khăn khi sản lượng cung ứng của một số DN, HTX không đều, lúc thừa, lúc thiếu. Nguyên nhân là do sản xuất tự phát, mùa vụ, theo dạng thủ công rời rạc, công nghệ lạc hậu nên nguồn cung cấp không ổn định... điều này dẫn đến hiệu quả sản xuất, kinh doanh và sức cạnh tranh của sản phẩm thấp. Hiện nay, các siêu thị trong nước yêu cầu muốn đưa sản phẩm vào hệ thống tiêu thụ phải có giấy chứng nhận có nguồn gốc, xuất xứ, nhãn hiệu hàng hóa do cơ quan quản lý cấp. Thế nhưng hiện đa phần đặc sản vùng miền do các cơ sở nhỏ lẻ không có giấy chứng nhận xuất xứ, chất lượng theo quy định.
Đặc biệt, bao bì cần tạo điểm nhấn, tạo sự khác biệt so với các sản phẩm đồng dạng khác, từ đó thu hút người tiêu dùng. Việc thiết kế bao bì và đóng gói sản phẩm đặc trưng vùng, miền nên gắn với nét văn hóa của dân tộc, vùng miền để tạo cảm giác mới lạ, độc đáo, điều quan trọng là phải làm nổi bật được thông điệp muốn truyền tải tới khách hàng.
Bà Vũ Kim Hạnh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ DN (BSA) cho biết, mấy năm gần đây nhóm sản phẩm nông sản đặc sản các tỉnh miền Tây Nam bộ của các DN trẻ, hộ sản xuất gia đình ngày càng đa dạng. Tùy theo từng tỉnh có những sản phẩm đặc trưng gắn với vùng nguyên liệu như, dừa Bến Tre, bột gạo, hoa sen, mì nui, bún khô, trái cây sấy Đồng Tháp, cá khô An Giang, Cà Mau… Qua nhiều lần tham gia hội chợ hay các phiên chợ Nông sản sạch tại TP. Hồ Chí Minh, những nhóm sản phẩm này rất được người dân thành phố ưa chuộng. Cũng thông qua BSA, nhiều thương hiệu đã được quảng bá, chào hàng tại thị trường nước ngoài (Châu Âu, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản…). Thế nhưng, ở thị trường nội địa, con đường “Bắc tiến” của nông sản đặc sản miền Tây Nam bộ lại khá chật vật. Nguyên nhân là do phần lớn sản phẩm là thực phẩm, chưa phù hợp gu ẩm thực vùng miền của người dân phía Bắc; thứ hai, do các sản phẩm chưa đạt tiêu chuẩn nên rất khó để vào được hệ thống phân phối lớn như siêu thị, trung tâm mua sắm. Tự thân DN mở cửa hàng giới thiệu sản phẩm cũng có hạn chế về chi phí mặt bằng, nhân sự…
Bàn về vấn đề này, các chuyên gia kinh tế nhận định, muốn đẩy mạnh tiêu thụ đặc sản vùng miền, thì bên cạnh việc kết nối thị trường, xúc tiến thương mại, mỗi sản phẩm đặc trưng vùng miền cần phải xây dựng được thương hiệu, cải tiến thiết kế mẫu mã, bao bì... Đồng thời, các DN sản xuất phải liên kết lại với nhau để sử dụng chung dịch vụ, qua đó tiết kiệm chi phí và tạo sức mạnh cạnh tranh. Đây sẽ là những giải pháp quan trọng giúp sản phẩm đặc trưng vùng miền có chỗ đứng vững chắc tại thị trường trong nước và vươn ra thế giới.
Theo Viện Nghiên cứu Chiến lược chính sách Công thương (Bộ Công thương), bên cạnh việc cải tiến mẫu mã, bao bì, nâng cao chất lượng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, DN cần đặc biệt chú trọng tới hoạt động kết nối, đa dạng hóa hình thức xúc tiến thương mại, phân chia lợi nhuận trong toàn chuỗi. Đặc biệt, muốn đẩy mạnh tiêu thụ đặc sản vùng miền các DN trong quá trình sản xuất đặc sản địa phương cần xây dựng kế hoạch dài hạn với mục tiêu cụ thể, thay vì lập kế hoạch từng năm. Đồng thời, liên kết với DN bán lẻ trong việc thiết lập hệ thống phân phối từ đó đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm tại thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu.