Xử lý dứt điểm các vướng mắc trong việc triển khai Thông tư 01
Vốn không thiếu, khả năng hấp thụ đến đâu? |
Hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp tại tỉnh Bình Dương nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn do dịch Covid - 19 đã diễn ra ngày 21/5 dưới sự chủ trì của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Trần Thanh Liêm và Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú.
Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú phát biểu tại Hội nghị |
Những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 đã tác động đến mọi mặt kinh tế, xã hội, đời sống của người dân. Ngay sau khi bắt đầu có dịch, ngành Ngân hàng đã chủ động nắm bắt, dự báo tình hình, triển khai các giải pháp cấp bách nhằm tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân. Theo đó, NHNN đã kịp thời ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN (Thông tư 01) và Chỉ thị 02/CT-NHNN (Chỉ thị 02) vào đầu tháng 3/2020 để các TCTD triển khai việc gia hạn các khoản nợ gốc và lãi đến hạn, miễn giảm lãi, phí và tiếp tục cho vay mới đối với những dự án, DN cần vốn để duy trì và phục hồi trong thời điểm cao trào chống dịch.
Bên cạnh đó, NHNN đã chỉ đạo các TCTD phát triển mạnh các dịch vụ thanh toán trực tuyến, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, tạo điều kiện thuận lợi phục vụ sinh hoạt của người dân trong giai đoạn giãn cách xã hội; miễn, giảm phí thanh toán kể cả của NHNN và TCTD nhằm hỗ trợ người dân, DN trên quy mô lớn, với số tiền trên 1 nghìn tỷ đồng. Cho vay tái cấp vốn 16 nghìn tỷ đồng từ NHNN để NHCSXH có nguồn vốn cho vay đơn vị để trả lương cho người lao động bị ngừng việc với lãi suất 0%, không cần tài sản bảo đảm...
Tính đến nay các TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho trên 215 nghìn khách hàng với dư nợ 130 nghìn tỷ đồng, miễn, giảm, hạ lãi suất cho 260 nghìn khách hàng với dư nợ trên 1 triệu tỷ đồng, cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ 23/1 đến nay đạt 630 nghìn tỷ đồng cho 182 nghìn khách hàng, lãi suất thấp hơn phổ biến từ 0,5 - 2,5% so với trước dịch. Riêng trên địa bàn tỉnh Bình Dương, đến 30/4/2020, các TCTD đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 571 khách hàng với dư nợ 2.262 tỷ đồng; miễn, giảm lãi suất cho 2.316 khách hàng với dư nợ trên 753 tỷ đồng; cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ 23/1/2020 đạt gần 25.000 tỷ đồng cho 4.470 khách hàng…
Các ý kiến phát biểu tại hội nghị đều ghi nhận và đánh giá cao sự hỗ trợ kịp thời của ngành Ngân hàng đã giúp các DN vượt qua khó khăn do dịch bệnh gây ra và phục hồi trong giai đoạn sau dịch. Tuy nhiên vẫn còn một số ý kiến như ông Lý Ngọc Minh - Tổng giám đốc Công ty Gốm sứ Minh Long cho rằng, việc giảm lãi suất cho vay và gia hạn nợ của ngân hàng trên địa bàn thời gian qua còn chậm do các chi nhánh NHTM phải xin ý kiến Hội sở. Để chính sách giảm lãi và gia hạn nợ được triển khai kịp thời hỗ trợ DN, ông Minh đề xuất NHNN cần hỗ trợ các NHTM trong việc phân loại DN, khoản vay, ngành nghề đặc thù để các ngân hàng thuận lợi hơn trong từng đối tượng DN bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.
Bên cạnh đó, một số ý kiến phản ánh những vướng mắc về thủ tục chứng minh thiệt hại do dịch bệnh cũng như việc phân loại các loại hình DN để hỗ trợ phù hợp và kịp thời. Tiếp thu các kiến nghị này, đại diện các NHTM lớn tại Bình Dương như BIDV, Vietcombank, Agribank cũng đã giải đáp và tháo gỡ trực tiếp một số khó khăn vướng mắc mà các DN gặp phải khi tiếp cận các gói vay ưu đãi hoặc làm hồ sơ xin giảm lãi suất, gia hạn nợ đối với các khoản vay cũ phát sinh trong giai đoạn dịch bệnh bùng phát.
Ghi nhận các ý kiến đóng góp, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú nhấn mạnh, hoạt động của hệ thống ngân hàng trong giai đoạn hiện nay phải chủ động, tích cực hỗ trợ nền kinh tế với tinh thần “đồng hành - chia sẻ - trách nhiệm”, đặc biệt phải xử lý dứt điểm các vướng mắc, khó khăn trong triển khai Thông tư 01.
Theo đó, đối với NHNN Bình Dương, nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong hoạt động năm 2020 của chi nhánh là tổ chức triển khai Chỉ thị 01, Thông tư 01, Chỉ thị 02 của Thống đốc NHNN; Tiếp nhận và kịp thời xử lý khó khăn, vướng mắc, kiến nghị liên quan đến Thông tư 01 của NHNN thông qua đường dây nóng của chi nhánh; Thường xuyên phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các cấp trên địa bàn để chia sẻ, thông tin, tuyên truyền, phổ biến cơ chế chính sách, giải pháp hỗ trợ của ngành Ngân hàng nhằm tạo sự đồng thuận trong triển khai, thực hiện; Tổ chức thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các TCTD trên địa bàn không chấp hành, chậm xử lý, cố tình gây khó khăn, phiền hà, thiếu trách nhiệm trong triển khai thực hiện.
Đối với các TCTD, Phó Thống đốc Đào Minh Tú yêu cầu đẩy mạnh triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng theo chỉ đạo của Thống đốc NHNN theo hướng chia sẻ tối đa khó khăn với người dân, DN, chủ động cân đối vốn để đầu tư các dự án hiệu quả, có khả năng phục hồi ngay sau khi dịch kết thúc. Các chi nhánh, phòng giao dịch của các TCTD cần sát sao hơn trong triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng; Xử lý nghiêm các lãnh đạo và cán bộ nghiệp vụ triển khai chậm, cố tình gây khó khăn, phiền hà, thiếu trách nhiệm; Kịp thời phản ánh với NHNN về các khó khăn, vướng mắc, đề xuất kiến nghị liên quan đến cơ chế chính sách của ngành Ngân hàng trong quá trình triển khai của TCTD.
Để các giải pháp của ngành Ngân hàng được triển khai kịp thời, hiệu quả hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, Phó Thống đốc Đào Minh Tú yêu cầu các đơn vị vụ, cục NHNN rà soát, tham mưu Ban Lãnh đạo NHNN sửa đổi, bổ sung hoặc trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các cơ chế chính sách, quy định pháp luật về hoạt động ngân hàng gây cản trở, vướng mắc, khó khăn cho sản xuất kinh doanh; tạo điều kiện cho các TCTD hoạt động phù hợp với điều kiện thực tế, tạo thuận lợi cho người dân, DN và nền kinh tế kịp thời ứng phó, giảm thiểu tác động của dịch Covid-19...