Xử lý nợ xấu vẫn vướng
Đảm bảo tính nhất quán và đồng bộ trong chính sách xử lý nợ xấu | |
Sớm giải tỏa ách tắc trong cơ chế xử lý nợ xấu | |
Hành trình ngân hàng xử lý nợ xấu: Kết quả đạt được không hề nhỏ |
Ý thức trả nợ của người vay được cải thiện
Theo số liệu của Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng (NHNN), sau hơn 3 năm thực hiện Nghị quyết số 42 của Quốc hội, tính đến cuối tháng 8/2020 hệ thống các TCTD đã xử lý được khoảng 300.000 tỷ đồng nợ xấu (trung bình 7.000 tỷ đồng/tháng). Đáng chú ý trong tổng số 300.000 tỷ đồng nợ xấu đã xử lý theo Nghị quyết 42 thì có tới 121.400 tỷ đồng là do khách vay vốn tự trả. Điều này cho thấy ý thức trả nợ của người vay đã được cải thiện nhờ vào những quy định, tăng quyền cho các TCTD khi thu giữ, xử lý đấu giá và phát mại tài sản.
Ảnh minh họa |
Ông Đỗ Giang Nam - Phó tổng giám đốc Công ty Quản lý tài sản của các TCTD (VAMC) cũng cho rằng, từ khi có Nghị quyết 42, ý thức trả nợ của bên vay vốn có sự tăng lên rõ rệt. Cụ thể, giai đoạn 2012-2017, việc tự nguyện trả nợ của bên vay chỉ mức 21-22%; nhưng trong hơn 3 năm vừa qua tỷ lệ này đã chiếm khoảng 40 - 42%.
Trên thực tế tại thị trường TP.HCM, trong giai đoạn từ 15/8/2017-31/5/2020 các TCTD đã xử lý được khoảng 123.274 tỷ đồng nợ xấu, trong đó khách hàng tự trả nợ là 32.583 tỷ đồng (chiếm khoảng hơn 26,4%). Nhóm ngân hàng TMCP là nhóm có tỷ lệ thu nợ từ việc khách hàng chủ động trả chiếm cao nhất (21.840 tỷ đồng), kế đó là nhóm NHTM có vốn Nhà nước (hơn 10.200 tỷ đồng).
Theo thống kê của NHNN chi nhánh TP.HCM, việc bán, phát mãi tài sản ở các TCTD cũng giúp các ngân hàng thu hồi được trên 1.500 tỷ đồng nợ xấu trong giai đoạn 2017-2019. Điều đó cũng cho thấy các quy định xử lý nợ xấu trong Nghị quyết 42 đã phát huy hiệu quả và đã có nhiều nhà băng thực hiện được việc mua bán, chuyển nhượng tài sản đảm bảo nợ xấu cho bên thứ 3. Tuy nhiên theo các chuyên gia, thị trường bất động sản cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh của DN đã có sự phục hồi (trong các năm 2017-2019) cũng giúp đẩy nhanh hơn quá trình xử lý nợ xấu của các ngân hàng. Bởi thị trường bất động sản khởi sắc giúp các ngân hàng có thể đẩy mạnh các thương vụ mua bán tài sản đảm bảo nợ và người vay đang có nợ xấu cũng có thể dễ dàng bán tài sản khác để trả nợ cho ngân hàng.
Ngân hàng vẫn bị động
Theo NHNN chi nhánh TP.HCM, điểm tích cực của Nghị quyết 42 trong thời gian vừa qua là đã thực thi được quyền thu giữ tài sản đảm bảo nợ xấu. Trước đây việc thu giữ tài sản đảm bảo đối với các TCTD rất vướng mắc thì hiện nay đã thực hiện được. Tuy nhiên, phạm vi và biện pháp thu giữ cần tiếp tục được mở rộng ra theo hướng linh hoạt và tăng thêm quyền cho các TCTD. Ngoài ra, hiện nay các quy định pháp luật về tiếp nhận đơn khiếu nại khá linh hoạt. Tuy nhiên, trong quá trình xử lý nợ xấu, vẫn xuất hiện những trường hợp con nợ lợi dụng độ mở này để nộp đơn lên tòa gây cản trở TCTD thực hiện xử lý tài sản đảm bảo. Trong khi đó các cấp tòa phải tiếp nhận đơn từ người dân khiến cho nhiều hồ sơ xử lý nợ xấu bị ngưng trệ, kéo dài.
Để đẩy nhanh việc thu nợ xấu ngân hàng phải giữ tài sản đảm bảo, một số NHTM tại TP.HCM cho rằng, nếu xem xét luật hóa những quy định trong Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu. Thì các quy định về thu giữ tài sản đảm bảo nên bỏ điều kiện cần sự đồng ý của bên bảo đảm vì hầu hết các vụ việc khi phải thu giữ tài sản thì bên đảm bảo đều sẽ không hợp tác và các NHTM không thể hoàn tất hồ sơ được.
Ở góc độ bàn giao tài sản đảm bảo cho ngân hàng đã được bán đấu giá thành công, các TCTD tại TP.HCM cũng cho rằng, hiện nay cả Nghị quyết 42 và các quy định liên quan đều có khá nhiều bất cập. Cụ thể, khi có phán quyết của tòa TCTD bán đấu giá thành công tài sản là bất động sản đảm bảo nợ cho bên tham gia mua đấu giá tài sản là nợ xấu thì việc chuyển nhượng quyền sử dụng, sang tên đổi chủ đối với tài sản là nhà đất cần có sự hợp tác của bên vay vốn trước đó nhưng nhiều vụ việc, bên đi vay không hợp tác, không ký hợp đồng chuyển nhượng và hồ sơ không hoàn thiện được quyền sở hữu cho bên mua đấu giá thành công.
Thực tiễn tại TP.HCM cho thấy nhiều trường hợp sau khi tài sản được bán đấu giá thành công, khách vay gửi đơn khiếu nại ngân hàng lên Bộ Tư pháp yêu cầu thanh tra việc bán đấu giá. Từ đó, Bộ Tư pháp ngăn chặn các thủ tục nộp thuế, đăng ký biến động quyền sử dụng đất. Các vụ việc như vậy thường phải kéo dài thêm 6 tháng để hoàn thiện hồ sơ và xử lý trở lại. Chưa kể, theo Điều 12 của Nghị quyết 42: số tiền thu được từ xử lý tài sản đảm bảo là nợ xấu sẽ được ưu tiên thanh toán cho nghĩa vụ nợ cho TCTD, nhưng trước đó ngân hàng đã phải thanh toán các nghĩa vụ thuế và các nghĩa vụ tài chính cho ngân sách. Điều này có nghĩa là ngay khi tài sản chưa được chuyển nhượng, các NHTM đã phải nộp các khoản thuế cho cơ quan thuế địa phương. Vì nếu chưa hoàn thành các nghĩa vụ tài chính với nhà nước thì cơ quan thuế sẽ không chuyển thông báo nộp thuế cho Văn phòng đăng ký đất đai và không thực hiện được thủ tục sang tên cho người trúng đấu giá tài sản đảm bảo. Kết quả là các TCTD bán nợ sẽ treo các khoản thuế, phí đã ứng ra khi xử lý tài sản đảm bảo nợ, trong khi đó người mua nợ sẽ không thể sử dụng được tài sản vào các mục đích hợp pháp vì chưa thể sang tên đổi chủ.