Lo tăng gánh nặng, giảm khả năng cạnh tranh
Cả chuỗi cung ứng đối mặt với giảm sức cạnh tranh
Tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ gặp mặt cộng đồng doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) và Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) mới đây, ông Hong Sun, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KoCham) cho biết, vào tháng 12/2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đưa nội dung sửa đổi Luật Thuế giá trị gia tăng hiện hành vào kế hoạch ban hành luật năm 2024 và trong dự thảo sửa đổi có bổ sung Điểm a Khoản 1 Điều 9: “Bãi bỏ áp dụng thuế suất thuế giá trị gia tăng 0% đối với dịch vụ tiêu dùng trong khu phi thuế quan”.
Các chuyên gia khuyến nghị cần đánh giá tác động và tham khảo kinh nghiệm, thông lệ quốc tế trong sửa đổi Luật Thuế giá trị gia tăng |
Theo Chủ tịch KoCham, các dịch vụ được tiêu thụ trong khu phi thuế quan là các hoạt động sản xuất phục vụ xuất khẩu của các doanh nghiệp chế xuất. Do đó, việc áp thuế giá trị gia tăng đối với các dịch vụ đó chắc chắn sẽ cản trở hoạt động sản xuất, xuất khẩu và đầu tư của các doanh nghiệp này, đồng thời các doanh nghiệp Việt Nam cung cấp dịch vụ liên quan cho doanh nghiệp chế xuất cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Qua thực tiễn hỗ trợ các doanh nghiệp tuân thủ quy định thuế và hải quan, các chuyên gia của Deloitte Việt Nam cũng nhận thấy, quy định hiện hành đang tồn tại một số vướng mắc phổ biến cần được tháo gỡ, đặc biệt là chính sách thuế giá trị gia tăng đối với khu phi thuế quan, doanh nghiệp chế xuất và hoạt động xuất khẩu. Thậm chí tại dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) đưa ra thảo luận tại hội thảo ngày 15/3/2024 của Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội và Bộ Tài chính, dù đã đề xuất khá nhiều nội dung sửa đổi sát với vướng mắc thực tiễn, tuy nhiên vẫn còn nhiều nội dung doanh nghiệp băn khoăn, lo lắng nếu những đề xuất sửa đổi hiện nay vẫn giữ nguyên và được Quốc hội thông qua, thực thi trong thời gian tới.
Dự thảo sửa đổi Luật Thuế giá trị gia tăng đang nhận được rất nhiều sự quan tâm, đóng góp ý kiến từ cộng đồng doanh nghiệp, các hiệp hội, tổ chức, hộ kinh doanh… dưới các góc độ khác nhau. Theo chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, dự án Luật sẽ được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7; xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XV. |
Một ví dụ cụ thể là đề xuất thu hẹp phạm vi áp dụng thuế suất thuế giá trị gia tăng 0% với dịch vụ xuất khẩu. Theo đó, dự thảo đã giới hạn phạm vi và chỉ liệt kê một số loại hình dịch vụ xuất khẩu (hưởng thuế giá trị gia tăng 0%) là dịch vụ cung cấp cho tổ chức, cá nhân nước ngoài, gồm: Dịch vụ cho thuê phương tiện vận tải được sử dụng ngoài phạm vi lãnh thổ Việt Nam; Dịch vụ vận tải quốc tế; Dịch vụ của ngành hàng không, hàng hải cung ứng trực tiếp cho vận tải quốc tế.
Ông Bùi Ngọc Tuấn, Phó tổng giám đốc Deloitte Việt Nam cho rằng, việc giới hạn phạm vi nêu trên, đồng thời cũng làm thay đổi chính sách quản lý thuế giá trị gia tăng và hải quan đối với doanh nghiệp nội địa cung cấp dịch vụ cho nước ngoài (bao gồm trường hợp dịch vụ gắn với hàng hóa xuất khẩu) và cung cấp cho doanh nghiệp chế xuất là khu phi thuế quan. Theo đó, thuế suất thuế giá trị gia tăng cho các trường hợp này tăng từ 0% đối với dịch vụ xuất khẩu thành 5%/10% như dịch vụ kinh doanh thông thường.
“Doanh nghiệp nội địa phát sinh thêm thuế giá trị gia tăng phải nộp đối với hoạt động cung ứng dịch vụ ra nước ngoài và/hoặc cho doanh nghiệp chế xuất, đồng thời doanh nghiệp chế xuất phải ghi nhận thuế giá trị gia tăng đầu vào phát sinh vào chi phí trong kỳ, làm tăng giá thành sản phẩm của doanh nghiệp và giảm sức cạnh tranh cho cả chuỗi cung ứng của Việt Nam vì sản phẩm cuối cùng của doanh nghiệp chế xuất thường được xuất khẩu ra nước ngoài”, ông Bùi Ngọc Tuấn nhận định.
Hóa giải những vấn đề còn bỏ ngỏ
Bên cạnh đó, cũng theo chuyên gia này, với thực tiễn đã áp dụng thuế suất thuế giá trị gia tăng 0% cho dịch vụ xuất khẩu nhiều năm nay, việc thay đổi có thể cũng làm ảnh hưởng đến sức hấp dẫn của môi trường đầu tư, và tác động trực tiếp đến chi phí và vận hành của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài hiện nay, đặc biệt là trong điều kiện kinh tế còn đang dự đoán có nhiều khó khăn như hiện nay. Vì vậy, Quốc hội và Bộ Tài chính cần đánh giá tác động tổng thể và tham khảo kinh nghiệm và thông lệ quốc tế trước khi quyết định vấn đề này.
“Vướng mắc hiện nay cần được xem xét thận trọng để điều chỉnh quy định phù hợp tại dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), đảm bảo hài hòa từ cả góc độ quản lý thuế và chi phí kinh doanh của doanh nghiệp”, ông Bùi Ngọc Tuấn đề xuất.
Vị này cũng cho biết tại hội thảo lấy ý kiến vừa qua, Deloitte đã kiến nghị cần đánh giá kỹ tác động kinh tế của việc thu hẹp đối tượng dịch vụ được xác định là dịch vụ xuất khẩu như trên để đảm bảo chính sách thuế giá trị gia tăng được sửa đổi một cách toàn diện nhưng không gây xáo trộn tình hình đầu tư và kinh doanh của doanh nghiệp, góp phần ổn định kinh tế - xã hội.
Đánh giá kỹ tác động cũng là vấn đề được Chủ tịch AmCham Hà Nội, ông Joseph Uddo nhấn mạnh rằng, việc sửa đổi Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp trong chương trình nghị sự 2024-2025 có thể ảnh hưởng đáng kể đến tăng trưởng kinh doanh và đầu tư của doanh nghiệp.
“Chúng tôi khuyến nghị cần tiến hành đánh giá kỹ lưỡng về tác động kinh tế - xã hội của những thay đổi này trước khi tiến hành trong khoảng thời gian ngắn như vậy”, ông Joseph Uddo nói.
Trong khi đó, đề cập cụ thể hơn về vướng mắc đã nêu ra ở trên, ông Hong Sun cảnh báo nếu vẫn giữ nguyên như dự thảo thì “gánh nặng này sẽ làm giảm khả năng cạnh tranh quốc tế của các doanh nghiệp chế xuất và làm giảm hoạt động sản xuất, đầu tư, xuất khẩu”. Đề xuất trực diện vào nội dung này, Chủ tịch KoCham cho rằng cần quy định theo hướng duy trì “Áp dụng thuế suất thuế giá trị gia tăng 0% đối với dịch vụ được tiêu dùng trong khu phi thuế quan”. Ngoài ra liên quan đến vấn đề thực thi, vị này cũng đề nghị các cơ quan liên quan đảm bảo tuân thủ thời hạn hoàn thuế giá trị gia tăng để các doanh nghiệp chủ động xây dựng kế hoạch kinh doanh của mình.