Xúc tiến mở đường bay từ Indonesia đến Đà Nẵng
Theo bà Pauline Suharno, Chủ tịch Astindo (Indonesia), Indonesia được đánh giá là thị trường giàu tiềm năng với dân số đông thứ 4 thế giới và đông nhất Đông Nam Á với hơn 280 triệu người. Hiện tại, các chuyến bay quốc tế và nội địa tại Indonesia đã phục hồi hơn 90% sau Covid-19 và gia tăng với lựa chọn hướng đến các điểm đến mới, các chương trình du lịch có tổ chức và chương trình du lịch cao cấp. Thị trường khách đạo Hồi từ Indonesia không quá khắt khe, các dịch vụ gắn nhãn Halal-friend sẽ khuyến khích khách sử dụng dịch vụ nhiều hơn.
Còn theo đại diện Sở Du lịch TP. Đà Nẵng, với định hướng đa dạng hóa thị trường nguồn khách, chú trọng các thị trường đặc thù như thị trường khách Hồi giáo, du lịch Đà Nẵng sẽ tăng cường quảng bá xúc tiến đến thị trường Indonesia và chú trọng phát triển dịch vụ Halal (dịch vụ du lịch phù hợp với đạo Hồi - PV). Sân bay quốc tế Đà Nẵng đưa vào sử dụng phòng cầu nguyện phục vụ hành khách đạo Hồi từ đầu năm 2023. Nhiều doanh nghiệp lưu trú tổ chức phòng cầu nguyện và giới thiệu các dịch vụ thân thiện với khách Hồi giáo.
Trong năm 2023, lượng khách Indonesia đến Đà Nẵng đạt hơn 26 ngàn lượt, đạt khoảng 25% tổng lượt khách Indonesia đến Việt Nam. Chương trình famtrip lần này tập trung khảo sát các điểm đến nổi bật tại Đà Nẵng và miền Trung Việt Nam như Bà Nà Hills, Ngũ Hành Sơn, Bảo tàng Chăm và Hội An... Tiếp nối thành công của hoạt động giới thiệu điểm đến tại Jakarta, Indonesia vào tháng 10/2023, chương trình famtrip tạo cơ hội cho lữ hành Indonesia quan tâm phát triển sản phẩm tại Đà Nẵng.
Song song với việc cung cấp cho các doanh nghiệp lữ hành Indonesia các thông tin tổng quan về điểm đến gồm các sản phẩm dịch vụ tiêu biểu, năng lực phục vụ và thành quả phát triển du lịch Đà Nẵng, chương trình cũng giới thiệu thông tin về thị trường Indonesia, thảo luận các giải pháp khai thác hiệu quả đường bay từ Indonesia, kể cả đường bay thuê chuyến và nối chuyến, nhằm thúc đẩy việc mở đường bay trực tiếp.