Ý nghĩa nhân văn từ vốn tạo việc làm
Cẩm Lệ: Gần 290 tỷ đồng cho vay các chương trình tín dụng chính sách | |
Hiệu quả tín dụng chính sách xã hội ở Hưng Yên |
Trong quá trình xây dựng, phát triển, Cẩm Lệ là một trong những quận bị ảnh hưởng bởi công tác giải tỏa đền bù lớn nhất của thành phố Đà Nẵng với hàng chục ngàn hộ dân trên địa bàn bị đảo lộn cuộc sống, phải di dời, tái định cư đến nơi ở mới. Không còn đất nông nghiệp, nhiều hộ dân phải chuyển đổi nghề mới, đối mặt với nhiều thách thức và khó khăn.
Trong bối cảnh đó, chương trình tín dụng chính sách của NHCSXH quận Cẩm Lệ cho vay ủy thác thông qua các hội đoàn thể đã giúp người dân địa phương từng bước an cư lập nghiệp ở nơi ở mới.
Bà Hồ Thị Cẩm Nhung - Chủ tịch UBND phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ cho hay, từ năm 2010, quận đã triển khai hàng loạt dự án trên địa bàn phường Hòa Xuân - nơi người dân trước đây sản xuất nông nghiệp trồng lúa là chủ yếu. Với nhiều giải pháp đề ra, cùng với các nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm của NHCSXH đã giúp người dân từng bước ổn định chỗ ở, ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh. Nhiều mô hình hay được người dân phát huy hiệu quả như mô hình trồng chuối, trồng hoa, rau sạch trên các khu đất trồng chưa có dự án; buôn bán nhỏ… Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn không phát sinh và giảm dần qua các năm.
Ảnh minh họa |
Là một trong hàng ngàn hộ dân không còn đất sản xuất sau giải tỏa đền bù, bà Phan Thị Nhuận, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ đã vay vốn từ chương trình giải quyết việc làm của NHCSXH. Gia đình bà không những có việc làm ổn định mà còn mang lại hiệu quả cao với mô hình trồng chuối ăn quả và hoa màu trên đất dự án chưa sử dụng.
Bà Nhuận chia sẻ, năm 2012, gia đình được phường cho mượn đất dự án chưa sử dụng để sản xuất trồng hoa cây cảnh, hoa màu và cây chuối ăn quả. Sau đó, bà được bình xét cho vay từ nguồn vốn hỗ trợ di dời giải tỏa lần đầu tiên với số tiền 20 triệu đồng. Có được vốn, cộng với phần sẵn có, bà đã đầu tư trồng chuối ăn quả, với diện tích 2.000m2. Trong năm đầu chuối phát triển và đến năm thứ 2 trở đi thu hoạch và đem lại thu nhập rất khả quan. Hiện nay, vườn chuối đang đem lại thu nhập 5-7 triệu đồng/bình quân tháng.
Giám đốc NHCSXH quận Cẩm Lệ Đặng Văn Sơn cho hay, những năm qua, tín dụng chính sách đóng vai trò như “bà đỡ”, giúp nhiều hộ gia đình trên địa bàn ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh mang lại hiệu quả cao, góp phần lớn vào thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo trên địa bàn.
Theo ông Sơn, để có được kết quả đó, NHCSXH quận Cẩm Lệ đã nỗ lực đảm bảo sự phát triển cân đối trong toàn quận, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn sản xuất, kinh doanh của người dân thuộc các đối tượng thụ hưởng đối với các chương trình cho vay ưu đãi trên địa bàn.
Cùng đó, kịp thời phối hợp với chính quyền địa phương, các hội đoàn thể nhận ủy thác cho vay vốn trên địa bàn; tổ chức kiểm tra, giám sát hoạt động của các Tổ TK&VV. Qua đó, kiện toàn, củng cố các tổ có dấu hiệu hoạt động chưa tốt, nâng cao chất lượng tín dụng và sử dụng vốn vay của khách hàng.
Ông Nguyễn Xuân Tiến, Phó Chủ tịch Thường trực UBND quận Cẩm Lệ, kiêm Trưởng Ban đại diện HĐQT NHCSXH quận Cẩm Lệ ghi nhận sự cố gắng, nỗ lực của NHCSXH quận đã phối hợp tốt với các hội, đoàn thể, chính quyền các địa phương trong việc triển khai các chương trình cho vay trên địa bàn. Để các chương trình tín dụng chính sách tiếp tục phát huy hiệu quả, trong thời gian tới, các ngành, đoàn thể, địa phương cần có sự phối hợp đồng bộ với NHCSXH hơn nữa.