60 năm một bản lĩnh tiên phong
Thư chúc mừng của Thống đốc NHNN Việt Nam gửi BIDV | |
BIDV: 60 năm đồng hành cùng đất nước - Viết tiếp trang sử vẻ vang | |
BIDV: 60 năm đồng hành cùng đất nước |
Bánh xe thời gian đang quay những vòng cuối cùng để chạm đến mốc son lịch sử - ngày Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đón chào sinh nhật tuổi tròn 60 của mình: 26/4/1957 - 26/4/2017. 60 năm cũng là một hành trình đầy sinh động trong sự nghiệp dựng xây, đổi mới và phát triển của một định chế tài chính hàng đầu Việt Nam!
Nhịp theo thời gian, thương hiệu của BIDV giờ đây đã không còn bó hẹp trong dải hình chữ S, mà đã thực sự trở thành một tên tuổi lọt vào top 30 các NHTM trong khối Asean, top 500 các NHTM toàn cầu, BIDV cũng được Tạp chí Forbes (Hoa Kỳ) bình chọn vào top 2.000 Công ty đại chúng lớn và quyền lực nhất thế giới…
Không dừng lại ở đó, với con số hơn 1 triệu tỷ đồng về tổng tài sản mà BIDV vừa chính thức cán mốc cuối năm 2016 vừa rồi, thêm một lần đưa tên tuổi của một Đơn vị Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới ngày càng tỏa sáng trong niềm tin yêu của hàng vạn cổ đông, hàng triệu khách hàng và đối tác…
Từ bệ đỡ lịch sử…
Từ thế đứng tự tin vững chắc hôm nay, nhìn lại hành trình 60 năm với biết bao vật đổi sao dời, biết bao biến cải, càng thấy sức vươn, sức bền, sức bật của một ngân hàng thương mại có lịch sử lâu đời nhất Việt Nam, chỉ sau Ngân hàng Quốc gia Việt Nam… Một ngân hàng mà dường như sứ mệnh của nó sinh ra là để luôn phải thích ứng với những biến chuyển của Cách mạng Việt Nam… 60 năm với bốn lần thay tên đổi họ. Bản thân mỗi tên gọi đã nói lên mục tiêu, nhiệm vụ chiến lược của đất nước qua mỗi thời kỳ, mà nếu làm một phép chia, có thể hình dung BIDV đã đi qua 4 chặng đường lớn với những đặc thù riêng có..
Chặng đầu tiên (1957-1981) có thể xem là chặng đường “khai sơn phá thạch” đầy gian khó, bỡ ngỡ... gắn với tên gọi Ngân hàng Kiến thiết Việt Nam. Chặng đường này, thông qua nguồn vốn do Ngân hàng Kiến thiết quản lý và cấp phát, với phương châm tập trung, thống nhất, kịp thời, tiết kiệm, hàng loạt các công trình trọng điểm của đất nước đã được hình thành, làm nên diện mạo một miền Bắc XHCN, cùng hàng trăm các công trình đặc biệt phục vụ quốc phòng, góp phần vào sự nghiệp giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, cũng như trong sự nghiệp kiến thiết đất nước sau đó.
Chặng thứ hai (1981-1990) gắn với tên gọi Ngân hàng Đầu tư và Xây dựng Việt Nam và được chuyển từ trực thuộc Bộ Tài chính sang trực thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Với nhiệm vụ chủ yếu vẫn là cấp phát, cho vay thi công, nhưng BIDV lúc này đã bắt đầu áp dụng thí điểm cơ chế cấp tín dụng ưu đãi từ vốn nhà nước theo phương thức cho vay có hoàn trả. Đây cũng là thời gian hệ thống Ngân hàng Đầu tư và Xây dựng có những cuộc “trở mình” to lớn cả về mô hình tổ chức, mạng lưới lẫn cơ chế hoạt động với những thử nghiệm mang tính tiên phong để đáp ứng kịp thời với những đòi hỏi của thực tế. Những đóng góp của Ngân hàng Đầu tư và Xây dựng thời kỳ này lớn hơn trước gấp bội cả về tổng nguồn vốn cấp phát, cho vay lẫn tổng số tài sản cố định đã hình thành trong nền kinh tế.
Chặng thứ ba (1990-2012), gắn với tên gọi mới Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV). Đây là giai đoạn chuyển đổi lớn, từ một nhiệm vụ cụ thể là “Xây dựng” sang một mục tiêu cao hơn: “Phát triển”, cũng là khoảng thời gian BIDV đứng trước nhiều thử thách nhất, nhưng cũng chính vì vậy mà lại có nhiều thành tựu mang tính bước ngoặt nhất. Giai đoạn này, BIDV bắt đầu các bước thử nghiệm rồi chính thức triển khai hoạt động theo mô hình ngân hàng thương mại đa năng, phục vụ mọi nhu cầu về sản phẩm, dịch vụ ngân hàng cho toàn bộ nền kinh tế.
Chặng thứ tư (từ tháng 5/2012 đến nay) gắn với tên gọi Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam. Ngày 1/5/2012 có thể xem là một dấu mốc đáng nhớ khi BIDV chính thức chuyển sang hoạt động theo mô hình ngân hàng thương mại cổ phần. Như được tiếp thêm một động lực mới, BIDV đã phát huy cao độ những giá trị vượt trội, riêng có của mình trên cả bề rộng lẫn chiều sâu; cả về quy mô lẫn phạm vi và lĩnh vực hoạt động. BIDV đã có bước chuyển đổi toàn diện, đồng bộ sang mô hình ngân hàng thương mại hiện đại, đa năng, đa sở hữu với 2 trụ cột chính: Ngân hàng và Bảo hiểm; phục vụ ngày càng tốt hơn cho công cuộc công nghiệp hóa – hiện đại hóa và hội nhập của đất nước.
...đến vị thế vững chắc hôm nay
60 năm đối với BIDV là một hành trình với biết bao trầm tích của chiến tranh, khởi sắc của hòa bình, và vượt lên trong dựng xây, phát triển để hội nhập. 60 năm của kế thừa, bồi đắp và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp: luôn đi đầu, dấn thân, mạnh mẽ, quyết liệt, tràn đầy bản lĩnh và khát khao chinh phục. Giờ đây, tên tuổi của BIDV đang ngày càng được khẳng định không chỉ trên khắp mọi miền đất Việt, mà còn vượt ra khỏi biên giới, tới những đất nước xa xôi: Lào, Campuchia, Myanmar, Nga, Séc, Đài Loan (Trung Quốc),...
Từ một Ngân hàng cấp phát thuộc Bộ Tài chính, giờ đây, sau 60 năm hoạt động, BIDV đã trở thành một Ngân hàng TMCP có quy mô lớn nhất Việt Nam. Kết thúc năm 2016, BIDV là ngân hàng TMCP đầu tiên chính thức vượt ngưỡng 1 triệu tỷ đồng tổng tài sản; Tổng dư nợ tín dụng đạt 751.448 tỷ đồng (chiếm 13,6% thị phần toàn ngành); Tổng huy động vốn từ tổ chức, dân cư đạt 797.689 tỷ đồng; Lợi nhuận trước thuế đạt 7.709 tỷ đồng; Nộp ngân sách 2.540 tỷ đồng. Trong nhiều năm liên tục, BIDV nằm trong top 10 doanh nghiệp Việt Nam nộp thuế lớn cho Ngân sách Nhà nước...
Từ một ngân hàng Kiến thiết ở buổi đầu mới thành lập chỉ có 11 chi nhánh, giờ đây, mạng lưới hoạt động của BIDV đã được trải rộng khắp các tỉnh/thành phố trong cả nước, với hơn 1.000 chi nhánh – phòng giao dịch; 07 công ty trực thuộc, 06 đơn vị liên doanh, 06 văn phòng đại diện tại nước ngoài. Từ con số 200 cán bộ non trẻ, chưa có mấy kinh nghiệm, giờ đây, BIDV đang là mái nhà chung của hơn 24.000 cán bộ, nhân viên là các chuyên gia, tư vấn tài chính được đào tạo bài bản, có kinh nghiệm được tích lũy và chuyển giao trong 60 năm hoạt động. BIDV cũng đã thiết lập được quan hệ với hơn 3.500 định chế tài chính trong và ngoài nước, cung cấp dịch vụ cho hơn 100 ngân hàng nước ngoài, quan hệ đại lý với trên 1.700 định chế tài chính lớn tại 122 quốc gia và vùng lãnh thổ. Nền khách hàng của BIDV đạt khoảng 9 triệu khách hàng là các tập đoàn, doanh nghiệp và cá nhân.
Hẳn không phải ngẫu nhiên mà giữa hàng chục NHTM, BIDV lại được Chính phủ, Thống đốc NHNN tin tưởng chọn giao nhiệm vụ kiểm soát sự cố Ngân hàng TMCP Nam Đô (năm 1995) trên tinh thần phát huy nội lực, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của khách hàng, không để xảy ra đổ vỡ gây tác động dây chuyền ảnh hưởng xấu đến hệ thống ngân hàng Việt Nam; Hay tham gia hỗ trợ thanh khoản các ngân hàng nhỏ, yếu kém và hỗ trợ có hiệu quả trong việc hợp nhất 3 ngân hàng: Đệ Nhất, Tín Nghĩa Bank, SCB Bank (cuối năm 2011) mà về sau được đánh giá là bước đi tiên phong trong việc thực hiện chủ trương tái cơ cấu hệ thống NHTM Việt Nam.
Việc sáp nhập Ngân hàng TMCP Phát triển nhà Đồng bằng Sông Cửu Long – MHB (năm 2015) vào BIDV được đánh giá là một bước đi đầy quyết đoán, là “tín hiệu” đầu tiên trong lộ trình thực hiện giai đoạn 2 của Đề án tái cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Hẳn không phải ngẫu nhiên mà Chính phủ lại tin tưởng lựa chọn BIDV là doanh nghiệp đầu mối để thực hiện việc đầu tư ra nước ngoài với vai trò mở đường, dẫn dắt, hỗ trợ và kết nối các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào các thị trường mới, góp phần tích cực vào bồi đắp truyền thống và làm sinh động hơn, thiết thực hơn quan hệ hợp tác toàn diện với các nước Đông Dương và khối ASEAN trên tất cả các lĩnh vực ngoại giao, kinh tế, quốc phòng, an ninh. Trong giai đoạn mở cửa, BIDV là đơn vị tiên phong liên doanh với nước ngoài (VID Public Bank) và Ngân hàng đầu tiên đầu tư ra nước ngoài thông qua thành lập ngân hàng Liên doanh Lào – Việt...
Và cũng hẳn không phải ngẫu nhiên mà BIDV lại là ngân hàng đầu tiên được lựa chọn thực hiện nhiệm vụ ngân hàng bán buôn cho Dự án tài chính Nông thôn I, II, III do Ngân hàng Thế giới tài trợ để phát triển bền vững khu vực nông thôn Việt Nam. Chuỗi dự án đã tạo ra tổng mức đầu tư ở khu vực nông thôn lên đến 2,1 tỷ USD, tài trợ cho khoảng 1,7 triệu khoản vay, tạo ra trên gần 500.000 việc làm mới, giúp cải thiện điều kiện sống của người dân và góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo. Đặc biệt, BIDV đã thu và trả nợ nước ngoài đầy đủ, không tạo gánh nặng nợ công cho ngân sách. Dự án đã được Lãnh đạo Chính phủ và Ngân hàng Thế giới đánh giá là hiệu quả nhất trong số các dự án ODA tài trợ cho Việt Nam.
Đánh giá về hành trình lịch sử của BIDV, Thống đốc NHNN Việt Nam Lê Minh Hưng nhận định: Trong suốt 60 năm qua, BIDV luôn thể hiện vai trò tiên phong trong thực thi hiệu quả chủ trương của Đảng, Nhà nước và các định hướng điều hành CSTT của NHNN; chủ động mở rộng và tăng cường các hoạt động hợp tác quốc tế tại Lào, Campuchia, Myanmar… góp phần gắn kết chặt chẽ hoạt động kinh tế với tăng cường hợp tác quốc tế.
Lời hẹn tháng Tư
60 năm đi qua BIDV đã hiện lên sống động hành trình liên tục dựng xây, đổi mới, phát triển và hội nhập của đất nước. 60 năm - một hành trình dài rộng mà ở đấy, trải qua bao chặng “thay tên, đổi họ”, thậm chí có lúc đứng trước sự tồn tại hay không tồn tại của chính mình, thì, BIDV, trước sau và trên hết, luôn thể hiện vị thế một cánh chim đầu đàn băng mình qua bão giông với tinh thần nhiệt huyết quả cảm.
Vượt trên mỗi hành trình, BIDV lại chiếm lĩnh thêm một tầm cao mới. Tầm cao ấy, không chỉ đo bằng những con số lợi nhuận đơn thuần mang tính định lượng, mà nhiều khi, nó là hiện thân của lòng tự tôn, tinh thần dân tộc, tính nhân văn, tinh thần “chia sẻ cơ hội – hợp tác thành công” trên mọi nẻo đường đối với từng con người, từng doanh nghiệp và thậm chí là cả sự thịnh vượng của đất nước nói chung...
Với những đóng góp quan trọng cho sự phát triển của đất nước, BIDV đã được Đảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: Danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, Huân chương Hồ Chí Minh và nhiều Huân, Huy chương và các phần thưởng cao quý khác. BIDV cũng đã được Nhà nước Lào, Chính phủ Campuchia trao tặng Huân chương Độc lập, Huân chương Hữu nghị, Huân chương Hoàng gia hạng nhất, Huân chương Công trạng... Bên cạnh đó, BIDV được các tổ chức quốc tế ghi nhận: Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) công nhận: “Ngân hàng đối tác hàng đầu tại Việt Nam”; Công ty Brand Finance định giá là thương hiệu ngân hàng đứng đầu Việt Nam; đứng thứ 26 trong các ngân hàng ASEAN; đứng thứ 401 trong các Ngân hàng toàn cầu... |
Tháng Tư về. Với mỗi người BIDV, nó luôn khơi gợi thật nhiều cảm xúc. Tháng Tư năm 2017, những cảm xúc hẳn đặc biệt hơn khi nhìn về hành trình 60 năm. Nhìn lại để tự tin. Nhìn lại để vững bước. Trước mắt BIDV bây giờ là cả một tương lai đang rộng mở với thật nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức đang chờ, khi mà tình hình thế giới và cả trong nước còn nhiều biến động. Tái cơ cấu ngân hàng giai đoạn hai đang vào hồi cao trào, quyết liệt. Nợ xấu vẫn đang là vấn đề chưa hết nóng, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động ngân hàng nói chung và BIDV nói riêng…
Nhưng bằng bản lĩnh, trí tuệ được hun đúc, bồi đắp và kết tinh dựa trên bề dày 60 năm lịch sử truyền thống, BIDV hoàn toàn có đủ cơ sở để tự tin viết tiếp trang sử vẻ vang mới với những thành công mới trên hành trình hội nhập.Và ước mơ trở thành Tập đoàn Tài chính Ngân hàng quốc tế hiện đại có đủ trình độ, năng lực vận hành đồng bộ, thông suốt trong môi trường kinh tế thị trường đầy đủ với 2 trụ cột phát triển là Ngân hàng thương mại hiện đại (trong đó trọng tâm là phát triển Ngân hàng bán lẻ) và Bảo hiểm (nhân thọ, phi nhân thọ) mà BIDV đặt ra trước cánh cửa bước vào tương lai, hẳn sẽ sớm thành hiện thực…
60 NĂM VÀ NHỮNG MỐC THỜI GIAN ĐÁNG NHỚ Trong chặng đường phát triển tròn 1 hoa giáp, hệ thống BIDV đã trải qua không ít cung bậc thăng trầm. Mời quý vị độc giả cùng ngược từ quá khứ để biết thêm đôi điều về dấu ấn thời gian đáng nhớ này... * Ngày 26/4/1957 Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 177/TTg thành lập Ngân hàng Kiến thiết Việt Nam (tiền thân của BIDV ngày nay) trực thuộc Bộ Tài chính trên cơ sở chuyển đổi từ Vụ Cấp phát vốn kiến thiết cơ bản thuộc Bộ Tài chính. * Ngày 27/5/1957 Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 233/NĐ-TC-TCCB về việc thành lập 12 chi nhánh đầu tiên của Ngân hàng Kiến thiết, bao gồm các chi nhánh: Thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Hồng Quảng, Hải Dương, Bắc Ninh, Nam Định, Nghệ An, Lào Cai, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Phú Thọ, Đường Sắt (trên thực tế không thành lập chi nhánh này). * Ngày 15/11/1976 Bộ Tài chính ban hành Quyết định số 580/TC-VP về việc thành lập các Chi nhánh Ngân hàng Kiến thiết phía Nam từ Bình Trị Thiên trở vào, hình thành hệ thống các Chi nhánh Ngân hàng Kiến thiết trong cả nước. * Ngày 24/6/1981 Hội đồng Chính phủ ban hành Quyết định số 259/CP về việc chuyển Ngân hàng Kiến thiết Việt Nam trực thuộc Bộ Tài chính sang trực thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và đổi tên thành Ngân hàng Đầu tư và Xây dựng Việt Nam. * Ngày 14/11/1990 Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định số 401/CT về việc thành lập Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) trên cơ sở chuyển đổi từ Ngân hàng Đầu tư và Xây dựng Việt Nam. * Ngày 18/11/1994 Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Quyết định số 293/QĐ-NH9 về việc điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ của BIDV. BIDV được phép kinh doanh đa năng, tổng hợp như một ngân hàng thương mại. Văn bản này mở đường cho quá trình hoạt động Ngân hàng thương mại của BIDV. * Ngày 28/12/2011 Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam đã hoàn thành thắng lợi việc bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO). Ngày 23/4/2012 Ngân hàng Nhà nước ban hành Giấy phép số 84/GP-NHNN về việc thành lập và hoạt động Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam. * Ngày 01/5/2012 Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam chính thức chuyển đổi và hoạt động thành Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam. * Ngày 24/01/2014 Cổ phiếu Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam chính thức niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh với mã chứng khoán BID. * Ngày 25/4/2015 Ngân hàng Nhà nước ban hành Quyết định số 589/QĐ-NHNN chấp thuận sáp nhập Ngân hàng TMCP Phát triển Nhà đồng bằng sông Cửu Long (MHB) vào BIDV. * Ngày 23/5/2015 Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam hoàn tất sáp nhập Ngân hàng Phát triển Nhà đồng bằng sông Cửu Long (MHB) vào hệ thống. |