BIDV: 60 năm đồng hành cùng đất nước
BIDV: 60 năm đồng hành cùng đất nước | |
Tự vệ trước diễn biến bất lợi của thị trường | |
BIDV tiếp tục được vinh danh là Ngân hàng bán lẻ tốt nhất Việt Nam |
Bắt đầu đổi mới và những bước tập dượt đầu tiên (1990 – 1994)
Đối với ngành Ngân hàng, mốc son quan trọng nhất khi bước vào thập kỷ 90 của thế kỷ 20 chính là lần đầu tiên Nhà nước ban hành hai Pháp lệnh về ngân hàng, đó là: Pháp lệnh Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Pháp lệnh Ngân hàng, hợp tác xã tín dụng và công ty tài chính... Hai Pháp lệnh này là cơ sở pháp lý quan trọng mở đường cho sự chuyển đổi mạnh mẽ hoạt động ngân hàng sang cơ chế mới - cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Từ đây, hệ thống ngân hàng được đổi mới căn bản và toàn diện.
Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa gắn Huân chương Hồ Chí Minh lên Lá cờ truyền thống của BIDV |
Thực hiện 2 Pháp lệnh về Ngân hàng, ngày 14/11/1990, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng đã ký Quyết định số 401-CT thành lập Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam trên cơ sở chuyển đổi từ Ngân hàng Đầu tư và Xây dựng Việt Nam.
Mang tên mới với những nhiệm vụ mới trong bối cảnh đất nước đang bắt đầu chuyển mình mạnh mẽ, phát huy truyền thống xung kích và sáng tạo, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam tiếp tục có những đột phá về xoá bao cấp trong đầu tư xây dựng cơ bản, đột phá trong việc tự lo một phần tới lo toàn bộ nguồn vốn cho đầu tư trung và dài hạn các công trình, dự án sản xuất kinh doanh theo kế hoạch nhà nước.
Từ hoạt động độc canh tín dụng theo kế hoạch đã phát triển thêm nhiều sản phẩm, dịch vụ mới theo đòi hỏi của thị trường như: Cho vay đa thành phần kinh tế, thanh toán quốc tế, cho thuê tài chính, các dịch vụ ngân hàng điện tử, ngân hàng đại lý, uỷ thác… Từ thị trường trong nước đã từng bước chọn lọc và mở rộng ra thị trường khu vực và quốc tế … đặc biệt đây cũng là giai đoạn BIDV nghiên cứu để đưa ra các sản phẩm huy động vốn dân cư độc đáo, có thời hạn dài mà vẫn đảm bảo lợi ích cho người gửi.
Nỗ lực và thành quả những năm đầu bước vào thương trường (1995 – 2005)
Cuối năm 1994, thực hiện các quyết định của Chính phủ, BIDV đã chuyển phần lớn nguồn lực (cán bộ, mạng lưới, toàn bộ nguồn vốn cho vay các dự án theo kế hoạch Nhà nước) để thành lập Tổng cục Đầu tư Phát triển (tiền thân của Ngân hàng Phát triển Việt Nam ngày nay). Từ đầu năm 1995, thực hiện Quyết định số 293/QĐ-NH9 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, BIDV đã chuyển sang hoạt động ngân hàng thương mại đa năng, đa lĩnh vực với tính tập trung thống nhất và tính hệ thống cao của Tổng Công ty Nhà nước hạng đặc biệt hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực đặc thù tài chính - tiền tệ.
Nghi thức đánh cồng chính thức niêm yết cổ phiếu BIDV trên thị trường chứng khoán |
Bằng bản lĩnh vững vàng, BIDV đã gặt hái được những thành tựu quan trọng về phát triển thể chế, mạng lưới, sản phẩm, dịch vụ, công nghệ và đối ngoại. Giai đoạn 1995 -2000 đánh dấu sự đổi mới hoàn toàn về chất của BIDV, là giai đoạn BIDV manh nha những hướng đi mới và bồi đắp bản lĩnh đi đầu, tiên phong trong mọi lĩnh vực như: Là ngân hàng đầu tiên thành lập công ty chứng khoán, phát hành trái phiếu đủ điều kiện lưu hành trên thị trường chứng khoán; Trở thành ngân hàng đầu tiên của Việt Nam vươn ra đầu tư ở ngoài nước thông qua Ngân hàng Liên doanh Lào – Việt, thực hiện nhiệm vụ tiên phong mở lối kết nối thị trường, gắn nhiệm vụ phát triển kinh tế với nhiệm vụ đảm bảo an ninh, quốc phòng và tăng cường tình đoàn kết hữu nghị với các nước anh em, bè bạn…
Sau 5 năm nỗ lực thực hiện, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam đã đạt được những kết quả quan trọng: đổi mới sâu sắc trong nhận thức về mục tiêu kinh doanh, nhận diện chính xác nội lực và vị trí của mình so với các ngân hàng trong nước và khu vực, từ đó tạo sự đột phá căn bản trong quản trị điều hành, lấy an toàn - hiệu quả - phát triển bền vững là mục tiêu xuyên suốt trong hoạt động. Xây dựng hệ thống quản lý chất lượng, quản trị rủi ro, đánh giá tín nhiệm và quy trình nghiệp vụ, đổi mới cơ cấu sản phẩm hướng dần theo chuẩn mực quốc tế.
Trong giai đoạn này, thực hiện chính sách của Đảng, Nhà nước trong phát triển bền vững nông nghiệp, nông thôn, BIDV được lựa chọn là ngân hàng bán buôn tiếp nhận và giải ngân bán buôn với việc thành lập Sở Giao dịch III - đơn vị đặc biệt duy nhất trong hệ thống ngân hàng thực hiện nhiệm vụ bán buôn nguồn vốn các Dự án Tài chính nông thôn do Ngân hàng Thế giới tài trợ.
BIDV đã phục vụ các dịch vụ quản lý, đại lý uỷ thác cho hàng trăm dự án ODA và dự án của các quốc gia, định chế tài chính toàn cầu Chuỗi dự án Tài chính nông thôn đã tạo ra tổng mức đầu tư ở khu vực nông thôn lên đến 2,1 tỷ USD, tài trợ cho khoảng 1,7 triệu khoản vay, tạo ra trên 500.000 việc làm mới, giúp cải thiện điều kiện sống của người dân và góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo.
Vượt qua thử thách, chủ động hội nhập và phát triển (2006 - 2012)
Giai đoạn 2006 – 2010 đánh dấu sự tích cực hội nhập của Việt Nam vào nền kinh tế toàn cầu với việc gia nhập WTO (tháng 1/2007) với nhiều cơ hội phát triển cũng như những ảnh hưởng không thuận chiều. Cùng với các ngành kinh tế khác, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam bước vào một giai đoạn phát triển mới đầy cam go và thử thách với tinh thần chủ động hội nhập, nỗ lực vươn lên vượt qua những biến cố của nền kinh tế để phát triển.
BIDV đầu tư vốn để phát triển ngành dầu khí |
Mặc dù phải đối mặt với rất nhiều khó khăn thách thức đến từ nội tại nền kinh tế Việt Nam và nền kinh tế thế giới, song với truyền thống, nội lực và sự đồng thuận cao, BIDV tiếp tục trụ vững, phát triển, biến thách thức thành thời cơ và tiếp tục đạt được những thành quả quan trọng: không ngừng trưởng thành lớn mạnh, liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao, kinh doanh an toàn và hiệu quả, vươn lên thành một ngân hàng có uy tín đẳng cấp cao, có đủ năng lực cạnh tranh để tham gia vào sân chơi toàn cầu. BIDV cũng đã chuyển đổi toàn diện, đồng bộ sang mô hình ngân hàng thương mại hiện đại, đa năng theo hướng mở rộng hoạt động ngân hàng bán lẻ. Xác lập mô hình kinh doanh hướng tới khách hàng và quản trị rủi ro theo tiêu chí của ngân hàng hiện đại.
Trong 2 năm 2011- 2012, BIDV tiếp tục lộ trình tái cơ cấu 3 năm 2010- 2012 với mục tiêu an toàn; hiệu quả và phát triển bền vững. Với sự nỗ lực và quyết tâm cao độ, toàn hệ thống đã hoàn thành đồng bộ các mục tiêu, nhiệm vụ của kế hoạch kinh doanh, củng cố thêm nền tảng trên các bình diện hoạt động.
Chặng đường 2006 – 2012 cũng đánh dấu những nỗ lực của BIDV trong việc hội nhập kinh tế thế giới. Với vị thế, uy tín trong quan hệ hợp tác quốc tế, đặc biệt với vai trò chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư sang Campuchia (AVIC), Myanmar (AVIM), Lào (AVIL), BIDV đã cùng các nhà đầu tư Việt Nam đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư của Việt Nam sang các nước Lào, Campuchia, Myanmar và vươn xa đến châu Âu như Nga, Séc...
BIDV không những triển khai có kết quả các hoạt động đầu tư tại hải ngoại theo các chỉ đạo của Đảng, Chính phủ mà còn thể hiện được vai trò mở đường, dẫn dắt, hỗ trợ và kết nối các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào các thị trường mới, góp phần tích cực vào bồi đắp truyền thống và làm sinh động hơn, thiết thực hơn quan hệ hợp tác toàn diện với các nước Đông Dương và khối ASEAN.
Với những thành công vượt trội trên nhiều mặt trận, BIDV tiếp tục khẳng định vai trò là công cụ hữu hiệu của Đảng, Nhà nước trong góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, phục vụ đầu tư phát triển, hỗ trợ các doanh nghiệp cùng vượt qua các thách thức của khủng hoảng tài chính, phát triển trong hội nhập... Đây cũng chính là những tiền đề quan trọng để BIDV tiến hành một bước chuyển mình quan trọng: cổ phần hóa và chuyển đổi thành Ngân hàng đại chúng...
Bước phát triển mới khi trở thành Ngân hàng đại chúng (2012 - nay)
Thực hiện chủ trương của Chính phủ về đẩy nhanh công tác cổ phần hoá các Ngân hàng thương mại Nhà nước, từ cuối năm 2011, BIDV đã cổ phần hóa thành công và chính thức chuyển đổi thành Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam từ tháng 5/2012. BIDV đã chuyển đổi toàn diện, đồng bộ sang mô hình ngân hàng thương mại hiện đại, đa năng với 2 trụ cột chính: Ngân hàng và Bảo hiểm. Hoạt động ngân hàng phát triển theo hướng mở rộng hoạt động bán lẻ; hoạt động bảo hiểm toàn diện với nhân thọ và phi nhân thọ. BIDV cũng xác lập mô hình kinh doanh hướng tới khách hàng và quản trị rủi ro theo tiêu chí của ngân hàng hiện đại.
Đến nay, sau 60 năm hoạt động, từ một Ngân hàng cấp phát của Bộ Tài chính, BIDV đã trở thành một Ngân hàng thương mại cổ phần có quy mô lớn nhất Việt Nam; được Tạp chí Forbes (Hoa Kỳ) bình chọn vào top 2.000 Công ty đại chúng lớn và quyền lực nhất thế giới,... được Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công nhận: “Ngân hàng đối tác hàng đầu tại Việt Nam”; được Công ty Brand Finance định giá là thương hiệu ngân hàng đứng đầu Việt Nam; đứng thứ 26 trong các ngân hàng ASEAN; đứng thứ 401 trong các Ngân hàng toàn cầu...