Agribank chi nhánh Nghệ An: 30 năm đồng hành cùng phát triển kinh tế của tỉnh
Là một tỉnh có đầy đủ địa hình núi cao, trung du, đồng bằng và ven biển, Nghệ An sở hữu nhiều lợi thế để phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, đặc điểm địa lý vừa là lợi thế song cũng là bất lợi, bởi với diện tích lớn nhất cả nước, lại có địa hình dàn trải, rất khó đưa các nguồn lực xuống từng địa bàn.
Trước bối cảnh đó, ngành Ngân hàng tỉnh, trong đó giữ vai trò chủ lực là Agribank chi nhánh Nghệ An, đã thể hiện vai trò huyết mạch, miệt mài giữ dòng chảy vốn vào từng ngành, lĩnh vực để hỗ trợ phát triển kinh tế toàn tỉnh.
Nguồn vốn cho vay của Agribank Nghệ An đã trở thành một trong những động lực quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế của tỉnh |
Từ bước ngoặt nguồn vốn
Năm 2017, các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của Nghệ An đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Tốc độ tăng trưởng đạt 8,25%, cao nhất trong nhiều năm trở lại đây, cao hơn mức tăng trưởng bình quân của cả nước. Kết quả này càng đặc biệt đáng khích lệ bởi Nghệ An có xuất phát điểm hạn chế, với nông nghiệp là ngành kinh tế chủ lực, công nghiệp - dịch vụ chiếm tỷ trọng chưa cao trong cơ cấu kinh tế, kết cấu hạ tầng phần cứng chưa phát triển đồng bộ…
Đạt được kết quả này là nhờ có sự nỗ lực, chung sức của tất cả các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, ngành Ngân hàng đã nhìn nhận rõ về các lợi thế cũng như bất lợi của tỉnh Nghệ An, từ đó tính toán cẩn trọng trong hoạt động rót vốn vào nền kinh tế để mang lại hiệu quả cao nhất.
Thực tế cũng cho thấy đồng vốn ngân hàng đã trở thành một trong những động lực quan trọng để thúc đẩy kinh tế của tỉnh. Cùng đồng hành với quá trình phát triển đó, Agribank chi nhánh Nghệ An đã trải qua 30 năm vừa phát triển, hoàn thiện chính mình, vừa là động cơ quan trọng của ngành Ngân hàng nói riêng và cả bộ máy kinh tế tỉnh Nghệ An nói chung.
Nhớ lại những ngày đầu hoạt động, ông Phan Đức Tiến, Giám đốc Agribank Nghệ An cho biết, chi nhánh phải đối mặt với muôn vàn khó khăn thách thức. Bối cảnh chung là đất nước bước đầu thời kỳ đổi mới, kinh tế tỉnh nhà đang trong quá trình chuyển đổi, các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất kinh doanh thua lỗ, nợ ngân hàng không trả được; lạm phát với tốc độ phi mã lên 3 con số…
Riêng Agribank Nghệ An nhận bàn giao hiện trạng từ Ngân hàng Nhà nước, cơ sở vật chất nghèo nàn, lạc hậu; quy mô kinh doanh nhỏ bé với tổng nguồn vốn chỉ hơn 37 tỷ đồng, trong đó hơn 60% là vay từ Ngân hàng Nhà nước, chỉ có chưa đầy 40% là vốn huy động tại địa bàn; dư nợ cho vay hơn 35 tỷ đồng, trong đó cho vay ngắn hạn chiếm tới gần 95%; đội ngũ cán bộ quản lý và chuyên môn còn nhiều hạn chế, thiếu kiến thức kinh doanh theo cơ chế mới…
Những cam go của thời kỳ đầu đã có tác động không nhỏ tới hoạt động của đơn vị, có lúc tưởng chừng không vượt qua được. Để phát triển, chi nhánh đã đổi mới toàn diện các mặt hoạt động mà khâu đột phá có ý nghĩa quan trọng là đổi mới công tác tổ chức cán bộ, sắp xếp lại bộ máy, bố trí lao động hợp lý, tích cực mở rộng mạng lưới…
Cùng với đó là xác lập chiến lược khách hàng, thị trường, mở rộng mạng lưới, thực hiện phương châm “đi vay để cho vay”, công tác nguồn vốn luôn được chi nhánh xác định là nhiệm vụ trọng tâm, hàng đầu. Để khơi tăng được nguồn vốn, chi nhánh đã đa dạng hóa các hình thức huy động, đặc biệt là triển khai các sản phẩm tiết kiệm dự thưởng, điều hành lãi suất phù hợp với quy định của ngân hàng cấp trên và cơ chế thị trường…
Nhờ đó, từ chỗ chỉ huy động tiền gửi tiết kiệm từ dân cư và nhận mở tài khoản thanh toán cho các doanh nghiệp, hợp tác xã đơn thuần, nay đã có hàng chục sản phẩm huy động vốn thỏa mãn nhu cầu ngày càng đa dạng, phong phú của các thành phần khách hàng. Đó là lý do tại sao công tác huy động vốn trong những năm qua tuy phải cạnh tranh gay gắt, quyết liệt, nhưng nguồn vốn huy động tại chỗ liên tục tăng trưởng, năm sau cao hơn năm trước với tốc độ, quy mô lớn.
Tính đến cuối năm 2017, nguồn vốn quản lý và huy động của Agribank Nghệ An đạt 24.453 tỷ đồng, so với năm 1988 tăng gấp hơn 1.800 lần, tăng 19% so với năm trước, trong đó tiền gửi dân cư chiếm tới hơn 96%, giữ thị phần chủ yếu trong tổng nguồn vốn các tổ chức tín dụng trên địa bàn và là chi nhánh có quy mô nguồn vốn huy động cao nhất trong các chi nhánh cùng hệ thống khu vực Bắc miền Trung.
Đặc biệt, từ năm 2013 đến nay, chi nhánh đã tạo bước ngoặt lớn là chuyển từ chỗ sử dụng vốn ngân hàng cấp trên là chủ yếu sang chủ động được nguồn vốn tại chỗ để mở rộng kinh doanh; đồng thời chi nhánh còn có lượng vốn dôi dư bình quân hàng năm từ 1.800 - 2.000 tỷ đồng để Trụ sở chính Agribank điều hòa cho các chi nhánh trong hệ thống còn thiếu vốn sử dụng.
Đến dẫn lối cho vay
Cùng với quản lý và huy động vốn, công tác cho vay của Agribank Nghệ An đã tăng trưởng tích cực trong suốt 30 năm qua, đưa nguồn lực vào đúng địa chỉ. Ông Phan Đức Tiến cho biết, với thị trường trọng tâm được xác định là nông nghiệp, nông thôn, chi nhánh đã sớm bám sát chủ trương “khoán 10” trong nông nghiệp của Đảng, Nhà nước, sự đổi mới về cơ chế tín dụng của Agribank, chuyển đổi mạnh cơ cấu đầu tư, bám sát các chương trình kinh tế trọng điểm của tỉnh, đa dạng các đối tượng đầu tư, đầu tư khép kín từ sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm, kết hợp cho vay ngắn hạn với cho vay trung dài hạn.
Có chủ trương lớn dẫn đường, Agribank Nghệ An luôn chủ động điều hành hoạt động tín dụng, nổi bật là đề xuất, thực hiện triển khai thí điểm thành công các chương trình tín dụng của Agribank như cho vay hộ sản xuất từ năm 1991, cho vay xuất khẩu lao động, cho vay hộ gia đình nông - lâm trường, hộ gia đình Tổng đội Thanh niên xung phong làm kinh tế; năm 1995 triển khai thực hiện tín dụng ưu đãi cho vay hộ nghèo thiếu vốn sản xuất kinh doanh… Các chương trình này đều đạt kết quả tốt, góp thêm cơ sở thực tiễn để Agribank Việt Nam ban hành cơ chế tín dụng và áp dụng rộng rãi trên toàn hệ thống.
Không chỉ quan tâm tới nông nghiệp nông thôn, đồng vốn của Agribank còn được đưa vào khu vực doanh nghiệp và phát huy hiệu quả. Đơn cử là từ năm 1997, để góp phần thắng lợi chương trình 1 triệu tấn đường của Chính phủ, đơn vị đã đầu tư 6,3 triệu USD (tương đương 100 tỷ đồng) góp vốn liên doanh xây dựng nhà máy đường Tate&Lyle (Quỳ Hợp). Đây là nhà máy đường có công nghệ hiện đại nhất Đông Nam Á, sản xuất kinh doanh đạt hiệu quả cao.
Đồng thời, với việc đầu tư xây dựng nhà máy, Agribank Nghệ An còn tập trung đầu tư cho hộ nông dân vay để trồng và chăm sóc gần 30 ngàn ha mía chuyên canh, cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy đường hoạt động. Cùng với đó là chính sách đầu tư theo mô hình liên kết 4 nhà (Nhà nước - Nhà khoa học - Nhà nông - Ngân hàng) để cho vay mua hàng ngàn máy cày đa chức năng, máy gặt, máy thu hoạch chè…, đưa cơ giới vào nông nghiệp, nâng cao năng suất lao động và hiệu quả kinh tế thiết thực.
Phương thức chuyển tải vốn đến khách hàng vay được vận dụng linh hoạt sáng tạo, vừa cho vay trực tiếp đến hộ, vừa cho vay qua tổ, nhóm, hợp tác xã làm dịch vụ, cho vay tay ba giữa Ngân hàng - Đơn vị cung ứng vật tư - Hộ nông dân. Thời gian qua, Agribank Nghệ An cũng thực hiện hiệu quả các chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 67, Nghị định 41/2010/NĐ-CP và Nghị định 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ. Đặc biệt, đã phối hợp với Hội Nông dân, Hội Phụ nữ các cấp triển khai thực hiện tốt mô hình tổ vay vốn, thành lập được hơn 2.000 tổ với 32.527 thành viên, dư nợ hàng ngàn tỷ đồng.
Kết quả đến cuối năm 2017 dư nợ toàn hệ thống Agribank Nghệ An đạt 21.552 tỷ đồng, tăng gấp 602 lần so với năm 1988, trong đó dư nợ cho vay kinh tế hộ gia đình chiếm tỷ trọng gần 90%, bình quân tăng trưởng dư nợ hàng năm từ 19 - 21%. Tỷ lệ nợ xấu luôn dưới mức cho phép, riêng năm 2017 tỷ lệ nợ xấu chỉ chiếm 0,47% tổng dư nợ.
Từ năm 2000 đến nay, bên cạnh thị trường nông nghiệp, nông thôn, chi nhánh mở rộng đầu tư tới khu đô thị, khu công nghiệp, vùng trọng điểm trong tỉnh; chủ động tiếp cận, cho hàng ngàn doanh nghiệp nhỏ và vừa vay vốn sản xuất kinh doanh và tham gia đồng tài trợ các dự án lớn như thủy điện Bản Vẽ, Bản Chát, đường tránh Vinh… Các sản phẩm tín dụng ngày càng được hoàn thiện, phát triển, tăng sức cạnh tranh cho chi nhánh trên thị trường tín dụng.
Trải qua 30 năm xây dựng và phát triển, đến nay Agribank Nghệ An đã trở thành ngân hàng có hệ thống mạng lưới đứng đầu trên địa bàn với 69 điểm giao dịch, trở thành chi nhánh loại 1, hạng 1 và là một trong số những chi nhánh có quy mô hoạt động lớn nhất trong hệ thống Agribank cả nước. Vốn cho vay của Agribank Nghệ An đã phủ sóng đến tất cả vùng miền trên địa bàn toàn tỉnh, góp phần xây dựng nông thôn mới, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy kinh tế nông nghiệp, nông thôn phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Những thành quả trên là niềm tự hào của các thế hệ cán bộ viên chức, người lao động trong đơn vị và đã được Đảng, Nhà nước đánh giá, ghi nhận và tặng thưởng những danh hiệu cao quý như: Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất, hạng Nhì và hạng Ba; Thủ tướng Chính phủ tặng Cờ thi đua, Bằng khen và nhiều Bằng khen, Cờ thi đua của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, UBND tỉnh Nghệ An và các bộ, ngành Trung ương; cúp Vàng “Doanh nghiệp Hội nhập và Phát triển” năm 2010…