Agribank: Hỗ trợ doanh nghiệp bằng hành động
Tăng chất vốn cho tam nông | |
Agribank tiếp tục khẳng định vị trí số 1 |
12 triệu khách hàng, trong đó có 3,6 triệu khách hàng có dư nợ với tổng dư nợ cho vay trên 717 nghìn tỷ đồng. Và đằng sau những con số ấn tượng đó là những nỗ lực không ngừng nghỉ của cả hệ thống Agribank để có thể triển khai hiệu quả chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng, nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận vốn tín dụng và sản phẩm dịch vụ của ngân hàng theo tinh thần Quyết định 1355/QĐ-NHNN và Chỉ thị 05/CT-NHNN của Thống đốc NHNN.
Các gói cho vay chuyên sâu trong lĩnh vực vốn là thế mạnh của Agribank |
Từ sản phẩm cụ thể
Tổng giám đốc Agribank Tiết Văn Thành cho biết, ngay sau khi Thống đốc ban hành kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hỗ trợ DN năm 2016 - 2017, định hướng đến năm 2020, thực hiện Nghị quyết 19/NQ-CP và Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ, Agribank đã xây dựng riêng cho mình một kế hoạch hành động và triển khai tới từng đơn vị trực thuộc. Đồng thời, giao các đơn vị trụ sở chính theo dõi, kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc của các chi nhánh trong quá trình triển khai.
Đáng nói là ngay từ đầu năm 2016, Hội đồng thành viên Agribank đã chỉ đạo toàn hệ thống cơ cấu lại hoạt động tín dụng theo hướng nâng dần tỷ trọng cho vay khách hàng DN, đặc biệt ưu tiên vốn cho vay DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn.
Các chương trình tín dụng ưu đãi nhằm đáp ứng đầy đủ nhu cầu vốn phục vụ các ngành lĩnh vực kinh tế ưu tiên theo quy định của Chính phủ đã liên tục được Agribank đưa ra, trải cả chiều rộng lẫn chiều sâu. Có thể kể đến các gói sản phẩm kích thích nhu cầu đầu tư phát triển của DN như gói dành cho khách hàng truyền thống, khách hàng mới và khách hàng chỉ có quan hệ tín dụng với Agribank.
Cùng với đó là các gói cho vay chuyên sâu trong lĩnh vực vốn là thế mạnh của Agribank - nông nghiệp nông thôn, mà mới đây nhất là chương trình “Nông nghiệp sạch – Con đường Nông sản Việt” với nguồn vốn tối thiểu 50.000 tỷ đồng, lãi suất cho vay thấp hơn 0,5-1,5% so với lãi suất cho vay lĩnh vực nông nghiệp nông thôn theo quy định hiện hành của Agribank.
Bên cạnh các chương trình tín dụng ngày càng đa dạng đi sâu vào từng phân khúc thị trường, thì các chính sách hỗ trợ của Agribank như gia hạn nợ, miễn giảm lãi suất, cấp mới tín dụng cho các DN tạm thời khó khăn, cũng như cho vay không có tài sản đảm bảo trở thành “liều thuốc chống đột quỵ”, giúp DN vượt qua khó khăn, tái sản xuất, phát triển.
Ví như, đối với 4 tỉnh miền Trung bị thiệt hại do ô nhiễm môi trường biển vừa qua, Agribank đã miễn lãi đối với toàn bộ dư nợ cho vay bị thiệt hại cho khách hàng, miễn lãi một tháng tiền vay, dừng thu lãi 3 tháng của dư nợ bị ảnh hưởng.
Đồng thời, ngân hàng cũng dành 500 tỷ đồng lãi suất ưu đãi ngắn hạn 6%/năm và dài hạn 8%/năm cho vay đối với khách hàng có phương án sản xuất kinh doanh mới. Với khu vực bị ảnh hưởng hạn hán ở Tây Nguyên, duyên Hải miền Trung, Agribank đã chủ động phối hợp với chính quyền địa phương, xác định mức độ thiệt hại vốn tín dụng do hạn hán gây ra, thực hiện cơ cấu miễn giảm lãi, cho vay mới theo đúng quy định hiện hành của Chính phủ, NHNN và ngân hàng.
Kết quả, đến hết quý III/2016, tổng dư nợ cho vay theo các gói ưu đãi lãi suất trên 24.866 tỷ đồng, tổng dư nợ cho vay khách hàng DN đạt 226.529 tỷ đồng chiếm 33% tổng dư nợ cho vay nền kinh tế của Agribank, trong đó cho vay khách hàng DNNVV chiếm 85,3% trên tổng dư nợ.
Số tiền giảm lãi 9 tháng đầu năm 2016 của Agribank đã lên tới 400 tỷ đồng. Tỷ lệ cho vay không có tài sản chiếm 22% tổng dư nợ cho vay nền kinh tế của Agribank được Vụ trưởng Vụ Dự báo Thống kê, NHNN - Tô Huy Vũ nhìn nhận là một con số ấn tượng. “Đây là một trong những nội dung quan trọng trong việc nâng cao chỉ số tiếp cận tín dụng”, ông Vũ nhìn nhận.
Dòng vốn của Agribank cũng đang thúc đẩy kinh tế hàng hoá khu vực nông nghiệp nông thôn, hình thành các phương thức sản xuất mới với quy mô lớn. Đặc biệt, với đặc thù bám thị trường đến từng huyện xã, nên Agribank có sự phân cấp, phân quyền mạnh cho các giám đốc cơ sở trong công tác tín dụng để giải quyết nhanh hơn nhu cầu khách hàng cùng với việc tăng cường giám sát hệ thống, “Đây là một giải pháp cải cách hành chính, hỗ trợ DN thiết thực trong thời gian qua”, ông Nguyễn Viết Mạnh, thành viên Hội đồng thành viên Agribank nhấn thêm.
Đến tiết giảm chi phí
Cùng với việc hoàn thiện các cơ chế chính sách tín dụng dịch vụ, những nỗ lực của Agribank trong việc áp dụng công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đang thổi một luồng gió mới trong hoạt động cung ứng sản phẩm dịch vụ cho khách hàng DN.
Trên cơ sở nền tảng công nghệ thông tin được hiện đại hoá, Agribank đã phân 200 sản phẩm dịch vụ thành 10 nhóm với 6 kênh phân phối. Quy trình quản lý điều hành, quy trình nghiệp vụ đối với từng nhóm sản phẩm đã được Agirbank xây dựng và ban hành. Để đảm bảo được chất lượng dịch vụ, các quy trình giao dịch sản phẩm dịch vụ được thực hiện theo dõi trên hệ thống công nghệ thông tin, đảm bảo chất lượng ổn định và có tính bảo mật cao…
Các văn bản hướng dẫn nghiệp vụ các sản phẩm dịch vụ được xây dựng theo hướng nêu rõ đặc tính sản phẩm, gia tăng tiện ích cho khách hàng sử dụng, mô tả quy trình chi tiết, phân định rõ trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân, tạo điều kiện thuận lợi cho các chi nhánh dễ triển khai, khách hàng dễ tiếp cận sản phẩm dịch vụ.
Trong từng sản phẩm dịch vụ, khách hàng thụ hưởng có thể biết các quyền lợi và nghĩa vụ của mình với ngân hàng, cũng như những cam kết của ngân hàng về chất lượng dịch vụ. Định kỳ, các văn bản được rà soát sửa đổi bổ sung thay thế đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất, phù hợp với các văn bản pháp luật của NHNN, pháp luật hiện hành và mô hình kinh doanh hiện tại của Agribank.
Một tiêu chí luôn được Agribank thực hiện là phải đơn giản hoá thủ tục, giảm bớt phiền hà cho khách hàng, đảm bảo an toàn vốn. Đồng thời, nâng cao khả năng cạnh tranh, rút ngắn thời gian xử lý nghiệp vụ, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng đăng ký và sử dụng các dịch vụ của Agribank. Riêng với chương trình “Nông nghiệp sạch”, thời gian giải quyết tối đa chỉ có 3 ngày làm việc, cho vay trung và dài hạn còn tối đa 7 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, thông tin cần thiết đối với khoản vay.
Trong năm 2016, Agribank ban hành quyết định thu phí trong hệ thống theo hướng linh động phù hợp với từng vùng miền và đối tượng khách hàng. Đặc biệt sau khi triển khai Quyết định 1355/QĐ-NHNN, tháng 9/2016, Agribank đã rà soát, chỉnh sửa quy định thu phí, biểu phí dịch vụ trong toàn hệ thống. Biểu phí mới đã có nhiều mã phí giảm so với mức phí áp dụng trước đó như: phí chuyển, nhận tiền trong nước, phí bảo lãnh, phí rút gửi nhiều nơi…
Agribank cũng đã công khai thủ tục, biểu mẫu đối với các sản phẩm dịch vụ, biểu phí, lãi suất tiền gửi, tỷ giá hối đoái trên website của mình để khách hàng dễ tiếp cận và sử dụng dịch vụ. Đồng thời Agribank mở 3 chuyên mục lớn cho quảng bá sản phẩm dịch vụ tương ứng với 3 đối tượng khách hàng cá nhân DN và định chế tài chính…
Đặc biệt, việc triển khai chương trình khách hàng chấm điểm, đánh giá chất lượng dịch vụ, đo lường sự hài lòng của khách hàng đã góp phần điều chỉnh, nâng cao chất lượng sản phẩm và phong cách giao dịch của cán bộ nhân viên Agribank. Trên cơ sở hoàn thành dự án EMV, trong năm 2016 và năm 2017, Agribank dự kiến triển khai chương trình khách hàng trung thành với các tiêu chí tích điểm thưởng, quy đổi điểm thưởng, quà tặng khách hàng; chương trình đo lường sự hài lòng của khách hàng…
Cơ hội tiếp cận vốn tín dụng và dịch vụ của khách hàng DN sẽ thêm gần lại khi Agribank đã lên kế hoạch và triển khai thực hiện phương án phát triển sản phẩm dịch vụ giai đoạn 2016-2020. Đây là nền tảng để triển khai các đề án, phương án chiến lược kinh doanh chi tiết theo các lĩnh vực và khu vực mà Đề án chiến lược kinh doanh giai đoạn 2016 - 2020, tầm nhìn 2030 của Agribank đã đặt ra.