Agribank Hòa Bình: “Bà đỡ” tín dụng khu vực nông nghiệp nông thôn
Nếu như trước đây, khi nói đến ngân hàng với vai trò "bà đỡ", người ta thường nghĩ đến việc ngân hàng cung ứng tín dụng hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh. Song trong bối cảnh hội nhập và nền kinh tế thị trường, vai trò bà đỡ ấy còn được Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh Hòa Bình (Agribank Hòa Bình) gia tăng lực đỡ hơn nữa khi lồng ghép bán chéo các chương trình bảo hiểm và cung ứng sản phẩm liên kết bảo hiểm - ngân hàng cho DN và người dân địa phương.
Các sản phẩm bảo hiểm của Agribank Hòa Bình góp phần ổn định an sinh xã hội, kích thích người dân mạnh dạn vay vốn phát triển kinh tế |
Còn nhớ những ngày tháng 10/2017. Chỉ sau một đợt mưa lũ lịch sử, toàn tỉnh bị thiệt hại nặng nề lên đến trên 1.600 tỷ đồng. Nhiều gia đình bỗng trở nên trắng tay thậm chí mất đi cả những người thân trụ cột. 100% diện tích lúa và hoa màu đều bị ảnh hưởng nhiều hộ gia đình không còn nhà ở và lương thực, thực phẩm, quần áo và các nhu yếu phẩm. Những khó khăn ấy ngay lập tức được sự chia sẻ của đồng bào cả nước trong đó có ngành Ngân hàng và Agribank Hòa Bình nói riêng.
Giám đốc Agribank Hòa Bình Phạm Kiên Cường chia sẻ, những người như anh và toàn thể cán bộ nhân viên trong chi nhánh đã sống và gắn bó với mảnh đất này nên càng thấu hiểu những khó khăn vất vả của người dân trong tỉnh. Dù chỉ cách Hà Nội trên 60 km, song nhiều vùng của tỉnh, muốn phủ những mầm xanh lên những vạt núi chẳng dễ dàng vì thiếu cả nước và chất màu của đất. Chưa kể mỗi mùa mưa đến, thành quả lao động tích tụ cả đời có thể bỗng chốc tan biến như trận lũ 2017.
Chính vì vậy, để hỗ trợ những người dân khó khăn trong đó có cả những khách hàng của mình, chi nhánh đã kêu gọi toàn thể cán bộ viên chức trong toàn chi nhánh nhất tâm hướng về vùng bị thiên tai chia sẻ đau thương với đồng bào quê mình trên tinh thần một tấm lòng trao đi, giữ cho tình người ở lại. "Một miếng khi đói bằng một gói khi no", "lá lành đùm lá rách". 314,5 triệu đồng đợt này ủng hộ của riêng cán bộ chi nhánh cho thấy tình cảm và con tim chân thành của những cán bộ Agribank Hòa Bình chung tay quyên góp ủng hộ nhân dân vùng lũ sớm vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.
Cùng với đó, Chi nhánh đã cùng đối tác Công ty Bảo hiểm Agribank (ABIC) hỗ trợ thêm 100 triệu đồng cho nhân dân trong tỉnh. 4 gia đình và 1 DN bị thiệt hại đã được chi trả bảo hiểm trong đợt thiên tai này với số tiền trên 1,2 tỷ đồng. Trong đó 2 hộ gia đình có người vay vốn tại Agribank Tân Lạc có tham gia sản phẩm Bảo hiểm Bảo An tín dụng bị thiệt mạng trong vụ sạt lở đất tại xóm Khanh, xã Phú Cường (Tân Lạc) vừa qua. ABIC Hà Nội đã chi trả cho gia đình anh Đinh Công Bộng số tiền 40 triệu đồng và gia đình anh Đinh Công Huynh số tiền 30 triệu đồng. Công ty BWG Mai Châu đã nhận được 877 triệu đồng tiền bồi thường bảo hiểm, qua đó giúp công ty ổn định và khôi phục sản xuất.
Giám đốc Agribank Hòa Bình tâm sự, những ngày đầu triển khai sản phẩm Bảo hiểm tín dụng và các sản phẩm bảo hiểm, nhiều anh em cũng thấy có vẻ hơi “lạc lõng” so với các sản phẩm dịch vụ ngân hàng truyền thống. Song hơn 9 năm qua triển khai càng ngày càng thấy giá trị lan tỏa của sản phẩm này. Ngoài Bảo An tín dụng là sản phẩm Bảo hiểm chính thì Agribank Hòa Bình triển khai tất cả các loại hình bảo hiểm phi nhân thọ khác đến khách hàng. Bao gồm: Bảo hiểm ô tô, xe máy, máy móc thiết bị, kho hàng, tàu thuyền, công trình xây dựng, kết hợp con người, bảo an chủ thẻ, bảo hiểm nhà tư nhân...
Đặc biệt từ năm 2015, Agribank Chi nhánh Hòa Bình đã triển khai khá thành công chương trình bán bảo hiểm bắt buộc xe máy... Số lượng giấy chứng nhận bảo hiểm xe máy đã cấp năm sau cao hơn năm trước (năm 2015: 4.076 GCN, năm 2016: 11.931 GCN, năm 2017: 14.265 GCN). Năm 2017, ABIC thí điểm triển khai sản phẩm Bảo an chủ thẻ đối với chủ thẻ ghi nợ nội địa của Agribank. Trên cơ sở số lượng khách hàng đang sử dụng dịch vụ chi trả lương qua tài khoản, Agribank Hòa Bình đã thu được trên 137 triệu đồng phí Bảo an chủ thẻ.
“Sau 9 năm triển khai, đến nay đã có thể khẳng định dịch vụ Liên kết Ngân hàng - Bảo hiểm dưới hình thức “bán chéo” thông qua cấp tín dụng là bước đi đúng, góp phần không nhỏ trong việc bảo toàn vốn vay của Agribank và cải thiện nguồn thu dịch vụ cho chi nhánh. Quan trọng hơn là hỗ trợ rủi ro cho người dân”, Giám đốc Phạm Kiên Cường thêm một lần nhấn mạnh. Hơn 8 tỷ đồng tiền chi trả bồi thường bảo hiểm cho 380 trường hợp chỉ riêng trong năm 2017 là một minh chứng sinh động cho hiệu quả của bảo hiểm không chỉ đối với việc bảo toàn vốn của ngân hàng mà còn giúp giảm thiểu khó khăn cho những gia đình vốn đã rất bi thương khi gặp rủi ro không phải chịu thêm gánh nặng nợ nần.
Nhìn lại 9 năm thực hiện, từ mức tổng doanh thu bảo hiểm 5,44 tỷ đồng chiếm 12,8% tổng doanh thu dịch vụ của chi nhánh, đến cuối năm 2017, chi nhánh đã đạt tổng doanh thu 36,53 tỷ đồng từ sản phẩm liên kết bảo hiểm, tăng trưởng 21% so với cuối năm 2016, chiếm 21% trong tổng thu dịch vụ. Đã có trên 43.461 khách hàng vay vốn tham gia bảo hiểm.
*******
Và chính hiệu quả của các sản phẩm bảo hiểm, liên kết bảo hiểm góp phần ổn định an sinh xã hội, kích thích người dân mạnh dạn vay vốn phát triển kinh tế. Như hành trình hỗ trợ nông nghiệp nông thôn trên địa bàn gần 30 năm qua, dòng vốn tín dụng của Agribank Hòa Bình đã, đang và sẽ là bà đỡ cho những người dân vươn lên phát triển kinh tế, tạo sinh kế bền vững làm giàu từ nông nghiệp. Những mầm mống sản xuất kinh tế hàng hóa ngày càng nhiều lên trong từng thôn bản là nền tảng để thêm một lần nữa Agribank gia tăng hiệu ứng phục vụ hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn với việc vừa là điểm tựa vốn, vừa là “cần câu” để các DN, nhà đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp đến và an cư lập nghiệp trên mảnh đất này.
Tính đến cuối năm 2017, nguồn vốn của Agribank Chi nhánh Hòa Bình đạt 5.538 tỷ đồng, tăng 652 tỷ đồng (tăng 13,3%) so với 31/12/2016 chiếm 40,4%/tổng vốn huy động của các TCTD trên địa bàn tỉnh. Tốc độ tăng trưởng nguồn vốn cao hơn năm 2016, đáp ứng cơ bản nhu cầu hoạt động kinh doanh, cơ cấu vốn được chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng dần tỷ trọng vốn huy động từ dân cư, tiền gửi có kỳ hạn 12 tháng trở lên, tạo nguồn vốn ổn định trong kinh doanh.
Cùng với nguồn vốn điều chuyển từ trung ương hỗ trợ cho địa phương, chi nhánh đã mở rộng tín dụng, hướng vào khu vực sản xuất nông nghiệp nông thôn. Tính đến cuối năm 2017, tổng dư nợ đạt 8.750 tỷ đồng, tăng 18,2% so với 31/12/2016. Trong đó, cho vay hộ gia đình và cá nhân 6.150 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 70,3% trong tổng dư nợ, tăng 1.269 tỷ đồng (tăng 26,7%) so đầu năm với 61.789 khách hàng, chiếm 99,3% tổng số khách hàng tiền vay, tăng 4.032 khách hàng (tăng 7%) so đầu năm. Dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn chiếm tỷ trọng 94%/tổng dư nợ.
Thị phần dư nợ đạt 46,8%/tổng dư nợ của các TCTD trên địa bàn tỉnh cho thấy phạm vi lan tỏa của Agribank đối với sự phát triển kinh tế không chỉ riêng khu vực nông thôn mà là một động lực tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Đáng nói là cùng với quy mô tín dụng tăng, chất lượng tín dụng cũng tăng theo. Nợ xấu đến cuối năm 2017 chiếm tỷ trọng 1,62% trong tổng dư nợ, giảm so với đầu năm 0,13%.
Những tiện ích dịch vụ hiện đại của Agribank Hòa Bình đang góp phần giúp DN và người dân thuận tiện hóa trong quan hệ thanh toán, hội nhập kinh tế quốc tế. Số thẻ đã phát hành đến thời điểm 31/12/2017 là 18.920 thẻ; số thẻ đang hoạt động là 13.000 thẻ, số dư tài khoản thẻ là 58,58 tỷ đồng, bình quân trên 4,5 triệu đồng/thẻ. Dư nợ cho vay thấu chi đạt 245 tỷ đồng, lãi thu róc hàng tháng, nợ xấu phát sinh không đáng kể. Dư nợ cho vay thẻ tín dụng quốc tế là 1,3 tỷ đồng, không có nợ xấu phát sinh. Tổng thu dịch vụ ngoài tín dụng đạt 36,770 tỷ đồng, tăng gần 5,4 tỷ đồng so với năm 2016.
Hiệu quả từ các chương trình tín dụng, dịch vụ của Agribank Hòa Bình đã góp phần vào bức tranh kinh tế - xã hội tích cực của tỉnh trong năm 2017, với 23/24 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu kế hoạch đề ra, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt khoảng 9,46%. Trong năm có thêm 6 xã về đích, nâng tổng số xã về đích nông thôn mới là 45 xã. Đời sống nhân dân được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm 2,82% (còn khoảng 18,72%).
Như dặm dài gần 30 năm qua, trong thời gian tới, Agribank Chi nhánh Hòa Bình vẫn lấy nông nghiệp, nông thôn làm trục phát triển. Riêng năm 2018 chi nhánh đặt mục tiêu tăng trưởng nội tệ tối thiểu là 13% so với năm 2017. Dư nợ cho vay tăng trưởng tối thiểu 14,5% so với năm 2017.
Để cán đích kế hoạch này, Giám đốc chi nhánh cho biết sẽ tích cực huy động tối đa mọi nguồn vốn theo hướng tạo lập cơ cấu nguồn vốn ổn định, vững chắc và hiệu quả. Tăng trưởng tín dụng có hiệu quả gắn với đảm bảo chất lượng tín dụng. Trong đó, chi nhánh sẽ tăng cường tìm kiếm các dự án có hiệu quả để đầu tư, chú trọng các dự án, phương án cho vay phục vụ lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân.
Đồng thời khai thác triệt để tiềm năng cơ sở khách hàng hiện có và các sản phẩm, dịch vụ còn tiềm năng, bù đắp cho các sản phẩm, dịch vụ có chiều hướng giảm. Tăng cường nắm bắt thông tin, bám sát khách hàng, thay đổi mạnh mẽ cung cách phục vụ, chăm sóc khách hàng đảm bảo giữ vững khách hàng hiện có và phát triển khách hàng mới, sản phẩm mới, góp phần tăng thu dịch vụ, đảm bảo hoàn thành thắng lợi kế hoạch năm 2018.